Xoay quanh nội dung về thể thao thành tích cao
Ở ngày làm việc 7.12 cùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại diện Cục Thể dục Thể thao đã nhấn mạnh rằng các vấn đề đưa ra bàn thảo lần này tập trung trọng tâm về chuyên môn của thể thao thành tích cao đúng với tên gọi của hội thảo.
Trong đó, nhóm vấn đề được thảo luận sẽ gồm Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực vận động viên, định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm và định hướng đến năm 2030; Tham luận của các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia thể dục thể thao; Trao đổi, tham gia ý kiến dưới góc nhìn của các Liên đoàn Hiệp hội Thể thao quốc gia, huấn luyện viên, nhà quản lý, chuyên gia và các đại biểu dự hội thảo…
Hiện tại, Phòng thể thao thành tích cao 1, 2 (Cục Thể dục Thể thao) đã xây dựng các nội dung để báo cáo và đưa ra những phân tích đối với thể thao thành tích cao Việt Nam ở Hội thảo sắp tới. Về cơ bản, thể thao Việt Nam có những con số được ghi nhận từ ASIAD 18 năm 2018 cho đến ASIAD 19 mới diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vừa qua cũng như chúng ta đã trải qua các kỳ thi đấu Olympic gần nhất là năm 2016 ở Brazil và năm 2021 tại Nhật Bản.
Thể thao Việt Nam đã tham đấu và đạt các kết quả chuyên môn thành tích cao ở SEA Games 30 năm 2019, SEA Games 31 năm 2022 và SEA Games 32 năm 2023. Chúng ta có những vị thế lớn ở đấu trường Đông Nam Á nhưng bước sang đấu trường ASIAD thì thể thao Việt Nam chưa tạo được thành tích tốt và chắc chắn ở khả năng tranh chấp.
Từ ASIAD 18 đến ASIAD 19, thể thao Việt Nam phải nhìn nhận cụ thể về cách đầu tư, mục tiêu đầu tư đối với thể thao thành tích cao bởi như Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã đưa phân tích ở thời điểm chúng ta dự ASIAD 19 rằng: “Đại hội chính là thời điểm nhìn nhận sự đầu tư của các quốc gia với thể thao của mình dựa trên sự phát triển về kinh tế. Thành tích kết quả là một trong những điểm để mỗi quốc gia nhìn nhận kỹ càng hơn trong phát triển thể thao thành tích cao của mình…”.
Chờ đợi những ý kiến giá trị
“Để hoạch định và có những hướng đi mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn về khâu tuyển chọn, đào tạo vận động viên đỉnh cao phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những quốc gia mạnh trong châu lục và thế giới thì ngay từ lúc này các nhà quản lý, đội ngũ làm công tác chuyên môn, huấn luyện phải thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận, phân tích cụ thể những khó khăn, hạn chế đối với từng bộ môn thể thao thành tích cao.
Vì thế, hội thảo lần này cần tổ chức theo phương thức mở, tức là như một diễn đàn, lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực, cũng như trái chiều về những mặt được và chưa được của thể thao thành tích cao Việt Nam từ các thành viên dự hội thảo…” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết tại buổi làm việc cùng Cục Thể dục Thể thao ngày 7.12.
Để một vận động viên đạt được thành tích tốt nhất ở đấu trường quốc tế thì ngoài khả năng chuyên môn của họ còn cần yếu tố về dinh dưỡng, chế độ, cơ sở vật chất tập luyện và các chương trình tập huấn thi đấu cọ xát. Năm 2023, thể thao Việt Nam đã tập trung tập huấn hơn 1.400 vận động viên ở các đội tuyển thể thao quốc gia.
Chúng ta phải giải được bài toán là sự đầu tư dành cho thể thao thành tích cao theo mục tiêu nào và làm sao tránh được sự dàn trải. Một yếu tố quan trọng nhất là ngành thể thao phải tạo nhiều hơn cơ hội cho các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao tham gia công tác đầu tư đối với thể thao thành tích cao để giảm thiểu gánh nặng cho quản lý Nhà nước.