Kể từ khi Apple trình làng chiếc iPhone đầu tiên và HTC Dream chạy Android của Google phát hành một năm sau đó, hai hệ điều hành di động này tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt. Các đối thủ cạnh tranh khác như Windows Phone và Blackberry đã bị gạt sang một bên, chỉ còn hai gã khổng lồ đối đầu nhau, mỗi bên được hậu thuẫn bởi một “đội quân” người dùng luôn ra sức bảo vệ hệ điều hành mà mình chọn.
Có rất nhiều lý do chính đáng khiến người dùng chọn iPhone hơn Android, nhưng Android cũng có những điểm mạnh riêng để thu hút khách hàng đến với hệ điều hành của Google. Trong khi những người trung thành với Apple có thể tin tưởng vào tính đồng nhất và ổn định của iPhone – cùng với hệ sinh thái đẳng cấp và thị trường phụ kiện đa dạng – thì những người trung thành với Android lại đề cao khả năng tùy chỉnh, đa dạng lựa chọn và tích hợp với các dịch vụ của Google đa dạng hơn. Đây là 10 lý do hàng đầu khiến người dùng Android nói rằng họ thích hệ điều hành này hơn iPhone
1. Nhiều thiết bị và mức giá hơn
Trong số tất cả các công nghệ trong cuộc sống của chúng ta, smartphone có thể nói chính là sản phẩm thân thuộc nhất. Điện thoại là kết nối của bạn với bạn bè và gia đình. Đó là chiếc camera bạn sẽ sử dụng để ghi nhớ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mình. Nó thậm chí còn có thông tin ngân hàng của bạn. Việc chọn một thiết bị phù hợp với nhu cầu của bạn có thể trở nên quan trọng hơn khi tính đến tất cả những điều đó.
Người dùng Android có rất nhiều lựa chọn trên thị trường từ nhiều hãng khác nhau, nghĩa là họ có thể chọn một thiết bị thực sự phù hợp với nhu cầu riêng của mình. Mặt khác, Apple chỉ cung cấp một vài lựa chọn iPhone mỗi năm.
Nếu bạn muốn có iPhone mới nhất, các lựa chọn của bạn sẽ bị hạn chế. Bạn có thể mua iPhone 15, iPhone 15 Pro hoặc iPhone 15 Pro Max. Tất cả đều là những thiết bị tuyệt vời được đánh giá tốt, nhưng đó chỉ là một dòng sản phẩm. Mặt khác, rất nhiều nhà sản xuất sản xuất điện thoại Android, tất cả đều có dải sản phẩm rộng hơn. Từ điện thoại bình dân đến cao cấp và cả điện thoại màn hình gập, mọi người đều có thể tìm thấy thiết bị phù hợp với nhu cầu của mình, miễn là họ không cần iOS.
Sau đó là những cân nhắc về ngân sách. Một số mẫu Android có thể có giá rất cao, thậm chí có thể cao hơn iPhone15 Pro Max cao cấp nhất của Apple. Tuy nhiên, nhiều chiếc Android có giá rẻ hơn nhiều so với chiếc iPhone rẻ nhất. Cho dù bạn đang muốn chi 100 USD hay 2000 USD, chắc chắn rằng có một chiếc điện thoại Android trong tầm giá.
2. Đa nhiệm
Trong khi iOS vẫn có tính năng đa nhiệm thì Android lại cho phép người dùng đưa mọi thứ lên một tầm cao mới. Trên các phiên bản hệ điều hành di động gần đây của Google, thật dễ dàng để xem nhiều ứng dụng cùng lúc ở chế độ chia đôi màn hình và cửa sổ, mang lại trải nghiệm gần giống như máy tính. Các nhà sản xuất như Samsung tiến thêm một bước nữa với các tính năng như Samsung DeX, biến Android thành môi trường giống Windows, tối ưu hóa cho chuột và bàn phím khi thiết bị được cắm vào màn hình ngoài.
iPhone thiếu khả năng hiển thị nhiều ứng dụng cùng một lúc, nghĩa là bạn bỏ lỡ những thứ như chạy email và trò chuyện công việc cùng lúc để sao chép thông tin qua lại. Không phải iPhone thiếu sức mạnh để hỗ trợ đa nhiệm chuyên sâu – ngược lại, chip iPhone của Apple thường là bộ xử lý điện thoại mạnh nhất trên thị trường – mà dường như đó là lựa chọn của công ty để không hỗ trợ đa nhiệm như Android.
3. Thông báo tốt hơn
Một trong những tính năng cốt lõi của hệ điều hành được Android trang bị từ các phiên bản đầu tiên là quản lý thông báo và Google đã cải thiện lợi thế đó trong những năm qua. Mặc dù iOS đã cải tiến đáng kể hệ thống thông báo của mình nhưng vẫn đi sau khả năng kiểm soát tuyệt đối mà Android cung cấp.
Khi bạn vuốt xuống từ trên cùng của điện thoại Android, bạn sẽ mở ngăn thông báo và các thông báo của bạn sẽ được hiển thị trong danh sách. Đó là cách thiết kế từ những ngày đầu của Android. Cách thực hiện này đã quá tốt nên không cần thay đổi, Google chỉ xây dựng dựa trên nó, bổ sung thêm nhiều chức năng và khả năng kiểm soát cho người dùng.
Trên phiên bản hệ điều hành mới nhất của Google, Android 14, người dùng có thể trả lời tin nhắn trực tiếp từ ngăn thông báo, một tính năng mà iOS vẫn chưa cung cấp. Ngoài ra, Android cũng cho phép kiểm soát thông báo chi tiết hơn nhiều, cho phép người dùng chọn mức độ truy cập thông báo của ứng dụng cũng như loại thông báo mà ứng dụng có thể gửi.
4. Trợ lý ảo Google
Mỗi năm, nhà đánh giá công nghệ nổi tiếng Marques Brownlee đều thực hiện video so sánh trợ lý giọng nói trên thiết bị di động, tính thời gian hoàn thành các nhiệm vụ cũng như sự chính xác. Năm nay, giống như hầu hết các năm, người chiến thắng đã rõ ràng: Google Assistant khiến đối thủ cạnh tranh phải xấu hổ, cung cấp nhiều chức năng hơn các trợ lý thông minh khác, bao gồm cả Siri. Apple lần đầu tiên công bố trợ lý giọng nói iPhone tích hợp trên iPhone 4S. Tuy nhiên, khi năm 2024 đến gần, Siri vẫn bị đánh giá là có trải nghiệm mờ nhạt so với Google Assistant.
Mặc dù có ứng dụng Google Assistant dành cho iPhone, nhưng tính năng này được tích hợp trực tiếp vào điện thoại Android với dịch vụ Google Play, nghĩa là nó có chức năng phong phú hơn nhiều vì có thể truy cập các chức năng cốt lõi. Trợ lý của Google có thể thay đổi nhiều cài đặt thiết bị hơn và hiểu rõ hơn các lệnh theo ngữ cảnh, chẳng hạn như yêu cầu trợ lý Google “Tìm nhà hàng Thái gần nhất” rồi hỏi trợ lý “Nhà hàng nào hiện đang mở cửa?” Nó cũng có thể xử lý nhiều lệnh cùng một lúc, chẳng hạn như nói “Bật đèn phòng ngủ và đặt chúng ở độ sáng 50%”.
Ngoài ra, Trợ lý Google còn mở rộng ra ngoài Android, với loa Nest và màn hình thông minh liên kết với nhau. Mặc dù Apple cung cấp HomePod tương tự, nhưng nó đắt hơn và ít tính năng hơn, hầu như chỉ hoạt động với các sản phẩm và dịch vụ của chính Apple. Trong tương lai gần, Google sẽ bổ sung chatbot AI của mình, Bard, vào Trợ lý để khiến nó hoạt động hiệu quả hơn nữa.
5. Tùy chỉnh màn hình chính
Trong một thời gian rất dài, bạn không thể làm được gì nhiều để khiến màn hình chính của iPhone mang hướng cá nhân hóa hơn. Bạn có thể sắp xếp các ứng dụng theo thứ tự bạn chọn, đặt chúng vào các thư mục hoặc chọn hình nền. Trong các phiên bản iOS gần đây hơn, Apple đã bổ sung thêm nhiều tùy chọn tùy chỉnh hơn, cùng với các widget. Tuy nhiên, người dùng Android vẫn thích khả năng tùy chỉnh màn hình chính được mở rộng đáng kể của hệ điều hành Google.
Android cho phép bạn đặt ứng dụng ở bất cứ đâu bạn muốn trên màn hình và nó cũng có nhiều tiện ích tương tác hơn có thể được tùy chỉnh không ngừng. Sử dụng ứng dụng như KWGT, người dùng Android có thể tạo các tiện ích tùy chỉnh để thay thế hoàn toàn các biểu tượng ứng dụng. Nếu bạn có thể nghĩ ra một kiểu thiết kế màn hình chính của riêng mình, thì bạn hoàn toàn có thể thực hiện theo sở thích, tất nhiên là sẽ cần bỏ ra một ít công sức và thời gian.
Hơn nữa, người dùng Android không cần phải sử dụng màn hình mặc định. Có nhiều trình launcher thay thế, từ Nova Launcher phổ biến đến các tùy chọn khác. Nếu thích, bạn thậm chí có thể làm cho điện thoại Android của mình trông giống như một bản sao iPhone bằng iOS 17 launcher.
6. Quản lý file linh hoạt
Nếu muốn quản lý file từ máy tính, bạn có thể cắm Android và quản lý hệ thống file của nó giống như bất kỳ ổ USB nào khác. Trên hầu hết các thiết bị, việc này hoạt động giống hệt như việc cắm ổ USB hoặc ổ SSD di động.
Hơn nữa, bạn có thể quản lý hệ thống tệp của thiết bị Android từ chính thiết bị đó, khiến nó giống với một chiếc máy vi tính bỏ túi hơn nhiều so với iPhone. Nhiều điện thoại Android cũng có bộ nhớ mở rộng thông qua khe cắm Micro SD, nghĩa là bạn có thể di chuyển tệp giữa thiết bị và thẻ hoặc lưu trữ ứng dụng và tệp trực tiếp trên thẻ. Bạn thậm chí có thể cắm ổ USB hoặc SSD vào cổng USB-C của thiết bị Android và sử dụng nó giống như trên máy tính.
Trong khi người dùng Apple sẽ tranh luận rằng việc iPhone thiếu khả năng plug-and-play (cắm và chạy) là một sự đánh đổi mang lại lợi ích về bảo mật bổ sung, thì người dùng Android thường thích sự tiện lợi khi có thể sử dụng điện thoại của họ như bất kỳ thiết bị lưu trữ tệp nào khác.
7. Tích hợp Google
Android được sản xuất bởi Google, có nghĩa là hệ điều hành này tích hợp tốt hơn với các dịch vụ của chính Google như Gmail và Docs. Trên thực tế, hầu hết các thiết bị Android thường được cài đặt sẵn các ứng dụng Google như Drive, Lịch và Gmail, trong khi tài khoản Google được đồng bộ hóa trong quá trình thiết lập. Đối với những người thường xuyên sử dụng nhiều dịch vụ của Google, Android là hệ điều hành hấp dẫn hơn nhiều so với iOS.
Google Assistant cũng được tích hợp sẵn trên các thiết bị Android và tích hợp sâu với các sản phẩm khác của công ty. Bạn có thể yêu cầu điện thoại của mình tìm kiếm trong Google Keep, Gmail, Drive, v.v. để hiển thị các kết quả hoặc giao diện có liên quan với thiết lập nhà thông minh Google Home của bạn.
Tất nhiên, người dùng iPhone có thể sử dụng nhiều sản phẩm của Google. Hầu hết đều có sẵn trong App Store, bao gồm cả Google Assistant. Nhưng trên iPhone, chúng hoạt động tách biệt với nhau hơn thay vì gắn kết với nhau thông qua chính hệ điều hành, điều này làm hạn chế chức năng của chúng.
8. USB-C
Với dòng iPhone 15, Apple cuối cùng đã cập nhật cổng kết nối trên iPhone lên USB-C. Công ty không làm như vậy để đồng bộ iPhone cùng dòng MacBook và iPad của mình. Thay vào đó, cổng kết nối hiện đại hơn này được Apple bổ sung trên iPhone để tuân thủ yêu cầu của Liên minh Châu Âu. Mặc dù được hoan nghênh nhưng sự thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến những người mua iPhone mới. Bất kỳ ai có iPhone 14 trở xuống vẫn bị mắc kẹt với tiêu chuẩn Lightning đã 10 năm tuổi.
Trong khi đó, người dùng Android từ lâu đã tận hưởng sự tiện lợi của USB-C. Vì gần như mọi thiết bị hiện nay đều hỗ trợ sạc qua cổng này nên người dùng Android có thể mang theo một sợi cáp duy nhất để sạc laptop, máy tính bảng, điện thoại và tai nghe của họ. Họ cũng có thể sử dụng các phụ kiện và thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột, micro, hub, ổ USB,… Khả năng tương tác đó là một sự thuận tiện lớn.
Đây sẽ không phải là một lợi thế lâu dài của Android. Khi ngày càng nhiều người dùng iPhone nâng cấp lên các mẫu mới nhất trong những năm tới, cổng Lightning sẽ biến mất và người dùng Android và iPhone sẽ có thể sạc thiết bị bằng cùng một loại dây cáp.
9. Cài ứng dụng từ nguồn ngoài
Một lợi ích chính khiến người dùng trung thành với Android là khả năng cài đặt ứng dụng từ các nguồn khác ngoài cửa hàng Google Play chính thức. Giống như trên PC, bạn chỉ cần tải xuống ứng dụng Android từ mọi nguồn trên mạng và cài đặt ứng dụng đó bằng tệp APK. Tuy nhiên, về phía Apple, không có cách nào hợp pháp để cài đặt ứng dụng từ bên ngoài App Store. Có nhiều ứng dụng hữu ích, bao gồm cả trình chặn quảng cáo và theo dõi hệ thống, không thể tìm thấy trong cửa hàng Play nhưng người dùng Android vẫn có thể sử dụng khi cài đặt từ nguồn khác. Tất nhiên, bạn cần phải cẩn thận khi cài đặt các tệp APK, nhưng bạn vẫn có quyền tự do đó.
Apple khẳng định rằng việc cho phép người dùng iOS cài đặt ứng dụng từ các nguồn chưa được xác minh là một rủi ro bảo mật. Đây là lý do có thể hiểu được, Apple không muốn người dùng không am hiểu về công nghệ vô tình tải phần mềm độc hại vào thiết bị của họ, nhưng rõ ràng là vẫn có nhiều người dùng iOS am hiểu công nghệ, có thể và muốn cài đặt ứng dụng từ một nguồn bên ngoài, và Apple không cho họ lựa chọn đó.
Mọi thứ có thể sớm thay đổi, vì hệ sinh thái khép kín của Apple đã trở thành mục tiêu của các vụ kiện, bao gồm cả từ nhà phát triển Epic Games của “Fortnite”. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu gần đây đã buộc Apple đưa USB-C vào iPhone 15, cũng đã đưa ra yêu cầu rằng công ty phải cho phép cài đặt ứng dụng từ bên ngoài App Store. Người dùng có thể thấy những thay đổi này ngay sau năm 2024.
10. Cảm biến vân tay
iPhone là chiếc điện thoại đầu tiên giúp cảm biến vân tay trở nên phổ biến. iPhone 5S được trang bị máy quét vân tay được Apple đặt tên là Touch ID. Nó được tích hợp vào nút home và giúp việc mở khóa thiết bị trở nên đơn giản chỉ bằng cách nhấn nút đó.
Tuy nhiên, 10 năm sau, bạn sẽ không thấy cảm biến vân tay trên bất kỳ chiếc iPhone nào Apple bán ra. Thay vào đó, bạn sẽ phải dùng Face ID, tính năng này sử dụng một loạt cảm biến bên trong Dynamic Island để lập bản đồ các đặc điểm trên khuôn mặt. Mặc dù Face ID có vẻ là tính năng của tương lai, nhưng đôi khi việc giữ điện thoại gần mặt sẽ kém thuận tiện hơn so với việc chỉ cần quét dấu vân tay.
Trong khi đó, ngày nay thật khó để tìm thấy một chiếc điện thoại Android không có cảm biến vân tay. Nhiều nhà sản xuất, như Samsung, thậm chí còn tích hợp chúng trực tiếp vào màn hình.
Nếu khuôn mặt của bạn bị che bởi khẩu trang hoặc khăn quàng cổ hoặc nếu bạn ở trong phòng quá tối để tính năng quét khuôn mặt hoạt động tốt, thì không gì có thể sánh bằng sự tiện lợi của việc chỉ cần đặt ngón tay cái lên màn hình điện thoại và được cấp quyền truy cập ngay vào thiết bị của mình. Bên cạnh đó, nếu có vấn đề gì với cảm biến vân tay thì việc sửa chữa hoặc thay thế cũng ít tốn kém hơn Face ID.