Rạng sáng 13.12 (giờ Việt Nam), Manchester United sẽ tiếp đón Bayern Munich ở lượt trận cuối cùng vòng bảng UEFA Champions League.
Về tên tuổi, đây là trận đấu có tầm cỡ ở châu Âu. Về tính chất, đây là trận “đại chiến”, nhưng nó chỉ đúng với đội chủ nhà. Vì tại bảng A lúc này, Bayern đã chắc chắn đi tiếp với vị trí dẫn đầu, trong khi Man United ở đáy bảng và không còn quyền tự quyết.
Nếu đại diện nước Đức vì trận đấu thủ tục mà không bung hết sức, họ có thể “nhường” chiến thắng cho “Quỷ đỏ” nước Anh. Nhưng ngay cả vậy, Man United vẫn sẽ không được đi tiếp nếu trận đấu giữa Copenhagen và Galatasaray có tỉ số thắng-thua.
Khi đó, Man United sẽ rẽ sang Europa League – một lần nữa, với vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng.
Đó có thể là tấm vé an ủi đối với Manucians, nhưng nếu nghĩ sâu hơn và xa hơn về những vấn đề của đội chủ sân Old Trafford, việc chia tay các cúp châu Âu có thể lại tốt cho họ.
Đến thời điểm này, khi mùa giải đã đi qua gần một nửa, huấn luyện viên Erik ten Hag vẫn khẳng định đội nhà “không khủng hoảng”.
Đúng là về những con số, vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng Premier League không thể nào là khủng hoảng. Họ cũng chỉ kém Top 4 có 6 điểm. Thế nhưng, Man United lại rơi vào kiểu khủng hoảng “không giống ai”, mà để giải thích phải nhìn trên diện rộng.
Cũng là những con số, dù đứng thứ 6 nhưng Man United là 1 trong 2 đội có hiệu số âm. Nếu West Ham không thua đậm 0-5 trước Fulham cuối tuần trước thì M.U là duy nhất. Nhưng trong khi West Ham còn ghi được 26 bàn, số bàn thắng của Man United chỉ là 18 – chỉ nhiều hơn 5 đội.
Một điểm nhấn khác, Man United là đội duy nhất chưa hòa trận nào. 27 điểm đến từ 9 trận thắng, nên ở mặt trái, họ thua đến 7 trận – cũng chỉ ít hơn 5 đội và bằng 6 đội khác.
Đôi khi Bruno Fernandes tỏa sáng. Đôi lúc đến lượt Scott McTominay. Và vì thế, họ lại quên đi thất bại trước đó để cố an ủi rằng mình vẫn ổn. Khó có thể đổ tại danh sách bệnh binh dài làm ảnh hưởng đến phong độ. Các đội khác cũng có danh sách dài không kém.
Cùng sự thiếu ổn định, hình ảnh trái ngược của Rasmus Hojlund giữa mặt trận trong nước và châu Âu cũng phần nào đó nói lên sự khủng hoảng của Man United. 5 bàn thắng tại Champions League nhưng đội nhà có nguy cơ bị loại. Không bàn thắng nào tại Premier League sau 16 trận, đội ít nhiều còn ở tốp đầu.
Giả sử, các điều kiện cần và đủ để đưa Man United đi tiếp vào vòng 1/8 Champions League, câu hỏi đặt ra là, thời gian có đủ cho Ten Hag xoay chuyển tình hình hay nó chỉ khiến sự ảo tưởng trở nên lớn hơn?
Vẫn biết rằng, cần có niềm tin cho một con đường dài, nhưng rõ ràng là Ten Hag đã có gần 1 năm rưỡi ở Manchester. Đến việc giúp đội nhà “đi thẳng” một cách ổn định còn chưa làm được, đến bao giờ Manucians được thấy lại “hình bóng Quỷ” của ngày xưa?
Bản thân Ten Hag không đặt ra thời hạn. Nghĩa là ông mới chỉ tin thôi chứ không khẳng định được bao giờ Man United thực sự trở lại quỹ đạo.
Vậy nên, sau khi đã bị loại sớm ở Carabao Cup, việc kết thúc mặt trận châu Âu sớm sẽ giúp Ten Hag và các cầu thủ có nhiều thời gian hơn cho Premier League và sắp tới là FA Cup.
Chuyển sang Europa League có tốt không? Hãy nhớ, kể từ sau chức vô địch mà Jose Mourinho đưa về Old Trafford năm 2017, Man United cũng chỉ nhận lại những thất vọng – thua Sevilla ở bán kết mùa 2019-2020, thua Villarreal ở chung kết mùa 2020-2021, thua Sevilla ở tứ kết mùa 2022-2023.
Dành phần còn lại của mùa giải – với cường độ thi đấu không quá cao, nhìn lại xem mình ở đâu và đưa ra giải pháp “cứu” mình, Man United không chỉ có thể lên vị trí cao tại Premier League mà còn tìm sự ổn định cần thiết.
Tất nhiên, Ten Hag cũng phải nhận ra vấn đề trong “khoảng lặng” ấy.