Nhiều khu đất vàng ở trung tâm TP HCM đang bỏ không khiến người dân bức xúc, nhưng chưa thể giải quyết do vướng pháp lý, liên quan các vụ án, theo ông Phan Văn Mãi.
“Không chỉ người dân thành phố mà bản thân tôi đi qua các khu đất bỏ hoang nhìn cũng nhức mắt, khó chịu”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại kỳ họp HĐND thành phố chiều 7/12, khi trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng nhiều dự án kéo dài, đất vàng bỏ hoang, điển hình như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Dự án Trung tâm thể dục thể thao (nhà thi đấu) Phan Đình Phùng tọa lạc giữa trung tâm Sài Gòn với 4 mặt tiền đường Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu, thuộc quận 3. Công trình được cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) từ năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng và triển khai vào tháng 3/2010. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm qua nơi đây vẫn là bãi đất trống.
Theo ông Mãi, dự án có thể áp dụng điều khoản dự án BT (xây dựng – chuyển giao) chuyển tiếp. Tuy nhiên, có ý kiến đặt câu hỏi tại thời điểm này mà làm trung tâm thể dục thể thao ở một khu vực đô thị như vậy có phù hợp nữa hay không. “Chúng tôi sẽ đánh giá và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy phương án sử dụng khu đất này vào cuối tháng 12”, ông nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nói không chỉ Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng, trên địa bàn thành phố, các quận trung tâm 1, 3 có nhiều vị trí đất vàng thuộc quản lý của nhà nước đang trong tình trạng dở dang, bỏ trống như Thương xá Tax, nhiều khu đất khác trên đường Lê Duẩn. Nguyên nhân là vướng mắc pháp lý, hoặc liên quan đến các vụ án.
“Thành phố đang rà soát lại và có phương án sử dụng tạm để không lãng phí”, ông Mãi nói. Đơn cử, vừa qua thành phố vận dụng các quy định pháp luật để lấy một số vị trí làm nhà vệ sinh công cộng.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 của Bộ Chính trị để đề xuất tạm thời khai thác quỹ đất vàng, nhà đất công chưa sử dụng, sau khi trừ chi phí quản lý sẽ nguồn thu sẽ bổ sung vào ngân sách.
Theo số liệu của UBND quận 1, địa bàn có 26 khu “đất vàng”, với tổng diện tích hàng chục nghìn m2 đang bỏ trống hoặc dang dở nhiều năm. Một số khu đất có diện tích lớn như: 133 Nguyễn Huệ (Thương xá Tax, 9.000 m2); 87 Cống Quỳnh (hơn 8.000 m2); 2-4-6 Hai Bà Trưng (6.000 m2); 8-12 Lê Duẩn (5.000 m2), khu tứ giác Bến Thành (3.800 m2)…
Các công trình này đều đang ngưng thi công, lập rào chắn tôn quây kín. Trong số này, 15 dự án để đất trống (hai nơi đang kinh doanh bãi để xe). Còn lại, 11 khu đang xây dựng dở dang, 6 dự án chưa có chủ đầu tư.
Trước đó, tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cho biết trước tình hình khó khăn chung của cả nước và thế giới, thành phố bị ảnh hưởng rất nhiều và dự báo năm sau sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, toàn hệ thống cần phải chuẩn bị tâm thế.
Về đầu tư công, đến ngày 6/12, thành phố đã giải ngân gần 35.160 tỷ đồng, đạt 51,2%. Theo người đứng đầu thành phố, nếu xét phần trăm là thấp, nhưng khối lượng là rất lớn. Bởi bộ máy, con người vẫn vậy nhưng khối lượng này gấp đôi năm 2022.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, ông Mãi cho biết TP HCM xác định ba kịch bản, nếu tình hình bất lợi tốc độ tăng trưởng là 5,62-5,69%, nếu không có biến động mức tăng trung bình 6,29-7,05% và thuận lợi tăng trưởng là 7,13-7,95%. “Chỉ tiêu này là cao và rất thách thức, song thành phố vẫn đặt ra để phấn đấu”, ông Mãi nói.
Lê Tuyết