Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu trong sự cạnh tranh ngày càng lớn với các nền tảng mạng xã hội.
Tại hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” ngày 7/12, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cơ quan báo chí của các nước ASEAN đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Trong thế giới có sự cộng sinh của tin thật – giả và xu hướng phức tạp khác trên không gian mạng, cơ quan báo chí phải chuyển đổi số mạnh mẽ, gắn bó mật thiết với sự phát triển công nghệ và thói quen mới của người đọc.
Theo Thứ trưởng Lâm, Việt Nam hiện nay có hơn 800 cơ quan thông tấn, báo chí với gần một triệu tin tức, sản phẩm truyền thông được phát lên mạng mỗi ngày. Quy mô của kinh tế truyền thông ở Việt Nam qua doanh thu quảng cáo và thu nhập bán hàng là 4 tỷ USD. Điều này cho thấy sự tăng trưởng, tiềm năng rất lớn của ngành và cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề kinh tế khác.
“Tuy nhiên phần lớn doanh thu này đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới. Đây là thực trạng chung của rất nhiều nước và chắc chắn trong ASEAN cũng không ngoại lệ”, ông Lâm nói, cho rằng các cơ quan truyền thông đang làm công việc mỗi lúc một khó hơn với nguồn lực bị cạnh tranh nhiều hơn, eo hẹp hơn.
Vì vậy, chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam đã được Chính phủ, cơ quan quản lý quan tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chương trình hành động và sẽ công bố bảng xếp hạng về mức độ “trưởng thành chuyển đổi số báo chí” của cơ quan báo chí Việt Nam.
Bảng xếp hạng sẽ đánh giá các cơ quan báo chí dựa trên chiến lược chuyển đổi số; hạ tầng số, nền tảng số; an toàn thông tin; tổ chức hoạt động, tác nghiệp chuyên môn; sự hiểu biết về kỳ vọng của độc giả và mức độ ứng dụng công nghệ số.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu và là áp lực để các cơ quan báo chí thực sự phải thay đổi, thích ứng trên không gian mới.
Việt Nam có 128/138 cơ quan báo chí đã thực hiện loại hình báo điện tử, 168/170 tạp chí đã thực hiện tạp chí điện tử. Hình thức, sản phẩm báo chí sáng tạo giúp cho độc giả có thêm nhiều trải nghiệm thông qua việc tự động hóa của trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa thông tin cho độc giả.
“Một số cơ quan báo chí của Việt Nam đã rất tích cực dẫn dắt, đi đầu trong chuyển đổi số báo chí bằng việc thay đổi cách thức thể hiện, tiếp cận độc giả, điển hình như Vietnamplus, VnExpress…”, bà Thảo thông tin.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nói chuyển đổi số các cơ quan báo chí ở Việt Nam là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện. Đó là phương thức, cách làm việc; mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo; nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên.
Ông Lợi cho rằng hoạt động phát triển báo chí phải dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện để thực hiện hiệu quả chức năng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan, đa chiều tới công chúng trong nước và trên thế giới.
Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” có hai phiên thảo luận. Đây là diễn đàn để trao đổi phương pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông của các nước ASEAN; đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới.