Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tiếp tục triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam tới tận Đất Mũi thay vì đến TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay.
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi khảo sát công trường dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, ngày 9/12.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17 m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Công trình khởi công đầu năm và được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành với 128 cây cầu.
Theo báo cáo, các dự án hiện đã thi công khoảng 15%, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, toàn tuyến còn khoảng 80 hộ dân tại 5 tỉnh. Nguồn vật liệu đắp nền cũng cơ bản được bảo đảm.
“Trong nhiệm kỳ này phải thông tuyến đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam tới Cà Mau và sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cao tốc tới tận mũi Cà Mau, thay vì TP Cà Mau như quy hoạch hiện nay (dự kiến khoảng 70 km nếu đi theo tuyến ngắn nhất, thẳng nhất)”, Thủ tướng nói.
Ngoài công trình thi công cao tốc, lãnh đạo Chính phủ cũng khảo sát cảng hàng không Cà Mau. Sân bay này có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay như ATR72, E190 và tương đương trở xuống. Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau – TP HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến mỗi tuần.
Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau – Hà Nội được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến mỗi tuần. Các chuyến bay luôn đông khách, nhưng do đường cất hạ cánh sân bay hạn chế, các tàu bay phải giảm về tải và tần suất.
Sau khi khảo sát, Thủ tướng yêu cầu địa phương sớm nâng cấp cảng hàng không Cà Mau đảm bảo tiếp nhận được các loại máy bay lớn, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh với các địa phương khác. “Các bộ, ngành cần rà soát, sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị để Cà Mau cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng”, Thủ tướng nói.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau trong buổi sáng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị địa phương đã công bố quy hoạch thì phải tổ chức triển khai thực hiện tốt, phải có giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đồng thời điều chỉnh kịp thời, hiệu quả, không trông chờ, không ỷ lại.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Cà Mau tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết tỉnh có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của tổ quốc, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á. “Tỉnh cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn”, ông Hải nói.
Là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau rộng hơn 5.300 km2, có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú; khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha. Tỉnh có sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản.
Hiện, Cà Mau có gần 5.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký gần 62.000 tỷ đồng và 446 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 144.612 tỷ đồng (trong đó có 9 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 153,4 triệu USD).
Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng gần 8%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng (kế hoạch 67,5 triệu đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng…
An Minh