Lần đầu Việt Nam chế tạo được thuốc phóng xạ
Từ năm 2009, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều chế ra thuốc phóng xạ 18-FDG, đây là thuốc phóng xạ glucose mà các tế bào ung thư rất thích sử dụng. Từ đó bệnh viện đã ghi hình trên máy PET/CT để chẩn đoán tế bào ung thư.
Tuy nhiên, một số tế bào ung thư lại không thích chất glucose chuyển hoá đường mà có biểu hiện con đường sinh học khác nhau. Chính vì vậy, trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ Galium-68 PSMA và Galium-68 Dotatate đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận (năm 2020 với thuốc Ga-68 PSMA và năm 2016 với thuốc Ga-68 Dotatate).
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate, do đó, khi người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này thông thường phải đi ra nước ngoài.
TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh – Trưởng khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết, hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều chế ra được 2 loại thuốc này. Thời gian qua, bệnh viện đã ứng dụng và chẩn đoán các bệnh lý ung thư.
Đối với Galium-68 PSMA các bác sĩ đã sử dụng cho chẩn đoán và theo dõi ung thư tuyến tiền liệt, bước đầu cho thấy kết quả ấn tượng với tế bào ung thư tuyến tiền liệt thường hay biểu hiện một loại kháng nguyên trên màng tế bào, chúng ta gọi là PSMA và thuốc Galium-68 PSMA sẽ gắn vào các kháng nguyên màng trên tế bào ung thư tuyến tiền liệt, phát hiện ra những tổn thương nguyên phát, di căn, độ nhạy cao hơn so với chẩn đoán thông thường trước đây.
Với kết quả thu nhận được như vậy sẽ hướng đến điều trị, quản lý ung thư tuyến tiền liệt tốt hơn.
Loại thuốc phóng xạ thứ 2 đã điều chế được là Galium-68 Dotatate, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng trong u thần kinh nội tiết.
Trong u thần kinh nội tiết thường có thụ thể somatostatin trên màng tế bào, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc phóng xạ Galium-68 Dotatate gắn kết vào thụ thể somatostatin trên tế bào u thần kinh nội tiết, từ đó bệnh viện sẽ phát hiện được những trường hợp u thần kinh nội tiết nguyên phát, theo dõi các vị trí di căn, đánh giá hiệu quả các thuốc điều trị u thần kinh nội tiết hiện nay.
“Vì u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng glucose nếu chúng ta dùng những phương pháp như trước đây như: PET/CT và F-18 FDG chuyển hóa đường glucose trong nhiều loại bệnh ung thư từ năm 2009, thì do tế bào ung thư tuyến tiền liệt và tế bào u thần kinh nội tiết thường ít sử dụng đường glucose nên hiển thị kết quả chẩn đoán không cao” – bác sĩ Xuân Cảnh giải thích.
Giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh hiệu quả
Để pha chế được 2 loại thuốc này thành công đòi hỏi có đội ngũ nhân viên kỹ sư hoá phóng xạ, kỹ sư vật lý hạt nhân đảm bảo an toàn phóng xạ trong pha chế và với kinh nghiệm 15 năm, Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành thực tập, pha chế thành công.
Đến tháng 11.2023, bệnh viện sử dụng thuốc trên người bệnh, bước đầu đã có hiệu quả đối với ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết.
1 tháng qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã sử dụng và ghi hình trên hệ thống PET/CT cho 12 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và 9 trường hợp nghi ngờ u thần kinh nội tiết và u thần kinh nội tiết đã biết.
Trong ung thư tuyến tiền liệt, sau thời gian điều trị, thông thường chỉ số BHA đã xuống thấp, coi như chúng ta đánh giá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi nhiều bệnh nhân thấy rằng, chỉ số ung thư tuyến tiền liệt BHA tăng với nồng độ thấp, nhiều phương pháp khác thông thường đã sử dụng nhưng không phát hiện được.
“Các bác sĩ đã gửi cho chúng tôi để ghi hình PET/CT với Galium-68 PSMA và phát hiện vị trí tái phát rất nhỏ, tổn thương tái phát tại chỗ, di căn với độ nhạy cao. Từ đó đánh giá được đây là những trường hợp tái phát, giúp bác sĩ lâm sàng có phương pháp điều trị thích hợp hơn đối với người bệnh” – bác sĩ Xuân Cảnh chia sẻ thêm.