Vẫn cứ là chuyện tài chính, chuyện lương, thưởng, tiền lót tay, tiền mua giày, nhiều câu lạc bộ ở giải đấu hàng đầu Việt Nam loanh quanh không thể giải quyết để có sự phát triển bền vững. Lên chuyên nghiệp hơn 20 năm, nhưng nhiều người nhận xét, bóng đá Việt Nam hiện tại còn “nghiệp dư hơn”.
Không quá nếu cho rằng, giới chuyên môn đã quá ngán ngẩm khi phải nói về vấn đề tài chính của V.League cũng như các câu lạc bộ. Trong những năm gần đây, năm nào cũng có chuyện, không câu lạc bộ này thì đội bóng khác, không nợ lương thì chưa thanh toán các khoản lót tay.
Nhưng trong khi huấn luyện viên, cầu thủ của đội bóng đó chịu nỗi khổ trực tiếp thì ngay cả ban tổ chức cũng như các câu lạc bộ khác cũng hồi hộp không kém, khi “quả bom” có thể phát nổ làm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh.
Với Ban tổ chức, nếu có đội bỏ giải, họ sẽ phải sắp xếp lịch thi đấu, tính toán lại phương án xác định số đội xuống hạng, điều chỉnh khung thời gian… Trong khi đó, những đội bóng đã gặp – và đã thắng – đội bóng bỏ giải sẽ lo lắng và không vui vì số điểm giành được sẽ bị trừ đi. Ví dụ, trong trường hợp Khánh Hòa bỏ giải, Thép Xanh Nam Định, Đông Á Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh là 3 đội không vui nhất, vì điểm số của họ sẽ còn lần lượt là 9, 5 và 4. Đương nhiên, ngoài Nam Định, 2 đội còn lại sẽ rơi xuống vị trí thấp hơn hiện tại.
Như thông tin được đưa ra thì “quả bom” ở Khánh Hòa đã được tháo vào phút chót, với lời hứa từ đơn vị tài trợ. Dù vậy ai nói trước chuyện sẽ được giữ yên trong bao lâu, khi chính huấn luyện viên Võ Đình Tân chia sẻ tuyên bố của các cầu thủ “không tin nữa” vì “hứa quá nhiều”…
Cũng không thể biết khó khăn sẽ ập đến với bất kỳ câu lạc bộ nào, vào bất kỳ thời điểm nào khi sự cố xảy ra. Mà với một nền tảng lỏng lẻo, thiếu ổn định và sự bền vững như bóng đá Việt Nam, “bom nổ chậm” ở khắp nơi và cũng có thể không chừa một đội bóng nào.