Ông Pierre Sinel, 74 tuổi, khoác chiếc áo đỏ, đội nón Giáng sinh rồi mang túi quà chở đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 giữa trưa ngày cuối tuần đầu tháng 12.
Trong căn phòng của Khoa Ung bướu, khoảng 30 đứa trẻ đang chờ ông. Thoáng thấy người đàn ông có bộ râu trắng, chúng reo lên “ông già Noel” rồi vỗ tay. Pierre khệ nệ vác túi quà gấu bông, robot, truyện tranh chia cho từng bé. Trong tiếng nhạc Giáng sinh, Pierre Sinel cùng chúng cắt hai ổ bánh kem đặt giữa phòng. Một bé gái trọc đầu chạy đến ôm lấy Pierre, ông nắm lấy bàn tay bé xíu của em, xoa đầu và mỉm cười.
Người đàn ông New Zeland ở quận Bình Thạnh, TP HCM nói vẫn xúc động như lần đầu trở thành “ông già Noel” cho trẻ em khuyết tật và ung thư cách đây 9 năm.
Năm 2009, ông Pierre, một nghệ sĩ hài hoạt động ở Australia lần đầu đến Việt Nam du lịch. Sự thân thiện của con người, thức ăn ngon và phong cảnh đẹp khiến ông lập tức cảm thấy yêu cuộc sống ở đây. Cùng năm, ông gặp bà Hoàng Kim ở quận Bình Thạnh trong buổi tiệc sinh nhật. Họ yêu nhau và tiến đến hôn nhân.
Hai năm sau, khi vừa nghỉ hưu, Pierre quyết định chuyển sang Việt Nam định cư cùng vợ. Ông bắt đầu tham gia những chuyến thiện nguyện phát bánh mì cho người vô gia cư của bà Kim quanh các con đường ở quận 1, quận 5 và Bình Thạnh. Pierre đặc biệt chú ý đến những đứa trẻ quần áo lấm lem đến nhận.
“Tôi về nhà và suy nghĩ mình sẽ phải làm gì cho bọn nhỏ”, Pierre nhớ lại. Thời điểm đó là Giáng sinh năm 2014. Một vài người bạn gợi ý Pierre trông giống như ông già Noel với bộ râu trắng, bụng to cùng nụ cười đặc trưng. Khi còn ở Australia, Pierre từng tham gia đọc sách tình nguyện cho các bệnh viện nhi, những đứa trẻ ở đó cũng nhận xét tương tự.
“Liệu những đứa trẻ ở Sài Gòn có thích một ông già Noel như tôi không?”, Pierre tự hỏi. Một buổi chiều tháng 12/2014, Pierre đến chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh để mua túi kẹo lớn. Ông trở về nhà đính kim tuyến đỏ lên mũ bảo hiểm và in decal trên xe máy của mình dòng chữ: “Mỉm cười nếu bạn thích ông già Noel”.
Tuần vài lần, ông chạy xe quanh các con đường trung tâm TP HCM để trao quà ngẫu nhiên cho trẻ em cơ nhỡ. Quà là những túi kẹo, gấu bông gói trong giấy kiếng lấp lánh được mua bằng tiền lương hưu của Pierre.
Bà Kim ủng hộ chồng, họ mở rộng bằng những cuộc gặp gỡ các trẻ em ung bướu và câm điếc tại Cơ sở bảo trợ xã hội Diệu Pháp, quận Bình Thạnh. Vào dịp cận Giáng sinh, Pierre sẽ hóa thân thành ông già Noel để trao quà, vui chơi và chụp ảnh với các trẻ em.
Bốn năm trước, ông có chuyến đi đến thăm Khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhi Đồng 2, nơi có những đứa trẻ gầy guộc và trọc đầu vì hóa trị. Ông nhìn xung quanh căn phòng rồi tháo chiếc mũ Noel xuống để lộ cái đầu trọc nhẵn bóng. Lũ trẻ phá lên cười lớn, vỗ tay và bày tỏ sự ngạc nhiên. “Bọn trẻ nói rằng ông già Noel có thật và cũng trọc đầu hệt chúng”, Pierre nói. “Tôi muốn tụi nhỏ lạc quan và yêu đời hơn”.
Có một năm, khi đang ngồi trong khuôn viên bệnh viện ở quận 1, ông thấy một cậu bé ngồi xe lăn được mẹ đẩy đến gần ông. Cậu bé bị u não vuốt bộ râu trắng của Pierre và xin chụp ảnh. Ông trò chuyện cùng họ và dành một triệu đồng tặng cho cậu bé.
Một lần, hai lần, ba lần gọi điện thoại và trao quà, một buổi chiều 2022, Pierre nghe tin cậu bé đã qua đời. “Tôi rất buồn, xem lại các hình ảnh và nhận ra sự sống của các em vốn rất mong manh”, Pierre nói.
Ông quyết định kéo dài những chuyến thiện nguyện Giáng sinh của mình từ tháng 11, tháng 12 sang đến tháng 1 năm sau để những đứa trẻ có nhiều thời gian gặp gỡ và vui chơi cùng ông già Noel.
Chị Lê Thanh, 40 tuổi, người từng tham gia thiện nguyện với Pierre 10 năm cho biết vợ chồng ông vốn rất có tâm với những đứa trẻ. Ông Pierre hiện đã nghỉ hưu, kinh tế không dư giả nhưng luôn góp sức và vật chất vào nhiều hoạt động tình nguyện. Có lần, do cảm thương một hoàn cảnh bệnh nhi, ông Pierre đã rút tiền ra hỗ trợ riêng.
Một năm trước, ông Pierre từng mắc bệnh phổi nặng tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng cùng với sự chạy chữa của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và một phép màu nào đó, người đàn ông New Zealand đã hồi phục. Bà Kim, vợ ông cho rằng sự hồi phục của chồng là điều kỳ diệu nên vợ chồng lại tiếp tục các hoạt động thiện nguyện để trả ơn đời.
Bà cho biết hôn nhân 14 năm của mình dựa trên sự đồng cảm. Ông Pierre ban đầu phụ giúp vợ phát bánh mì, nấu cơm thiện nguyện sau tự phát tâm chuyển sang thực hiện các dự án Giáng sinh cho trẻ em. “Ông ấy yêu Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình”, bà Kim nói.
Cuối tuần này, Pierre có hẹn ở ngôi trường của trẻ em khuyết tật ở TP HCM. Ông cho những đứa trẻ mù chạm vào gương mặt, bộ râu và cất tiếng hát để chúng có hình dung về ông già Noel.
“Nụ cười của chúng làm tôi cảm thấy hạnh phúc”, Pierre nói.