Với tấm lòng mong muốn giữ gìn những gì gọi là hồn cốt của dân tộc, hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân đã lưu lại những câu chuyện quý trong tác phẩm “Cổ học tinh hoa” để chúng ta soi mình và nhìn đời sáng suốt hơn.
“Cổ học tinh hoa” bao gồm 250 mẩu chuyện, được hai vị học giả thâu lượm và biên soạn lại chủ yếu từ các tích xưa, các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Các tác giả chọn dịch lại từ Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn Thi ngoại truyện,… để giúp người đọc tiếp cận được những tinh hoa văn hóa, đạo đức từ ngàn xưa. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới.
Mỗi câu chuyện trong sách được kể lại ngắn gọn, súc tích, đưa tới thông điệp rõ ràng. Phần giải nghĩa nhiều giá trị, giúp bạn đọc gia tăng vốn từ tiếng Việt tưởng như đã thuần thục mà hóa ra còn nhiều điều chưa biết. Phần nhời bàn diễn giải ý nghĩa và các góc nhìn của tác giả về những bài học có thể rút ra từ câu chuyện, khiến người đọc càng xem càng thấy thấm, những điều nghe thì đơn giản nhưng lại vô cùng hữu ích cho tới tận ngày nay. Thế mới thấy góc nhìn của các tác gia thời đó sớm đã tân tiến đến thế nào.
Lật mở từng trang sách, bạn sẽ nhận ra một vài câu chuyện rất quen thuộc đã được dân gian ta truyền tai nhau đời này qua đời khác. Những hàm ý trong chuyện tưởng như vô nghĩa vì ai cũng biết nhưng lại có giá trị sâu sắc, làm toát lên cốt cách đẹp đẽ của người phương Đông. Ví như chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để con thấy điều hay mà học… hay như tích về Tử Tang với hàm nghĩa về cách nhìn nhận cuộc đời:
“Nghèo như Tử Tang, đến đói không có ăn, mà trong lòng không oán cha mẹ, không trách trời đất, chẳng cũng là người cao sĩ ru! Không bù với những kẻ mới nhỡ bước, gọi là hơi nghèo mà đã vội lên giọng oán trách cả người sống, người chết, trời đất, chực những sự muốn làm càn. Còn hỏi tự đâu mà hóa nghèo, nếu đổ cho tại số mệnh như Tử Tang đây, thì cũng hợp với câu phương ngôn: “Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo trưng vẫn nghèo”.
Không chỉ dừng lại ở những bài học dung dị đời thường trong cuộc sống bình dân, các tác giả còn tuyển lựa những truyện hay về cách trị nước, đạo làm quan, đạo bề tôi, đạo làm người… mang tới nhiều bài học sâu sắc cho nhiều lớp người đọc, từ thiếu nhi đến người lớn, từ người lao động đến lớp trí thức, từ những vị chủ doanh nghiệp đến những người đứng đầu đất nước… bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy chính mình ở nhiều góc khác nhau qua từng câu chuyện.
Qua cách truyền tải của tác giả, thế giới “cổ học” tưởng như xa vời bỗng trở nên gần gũi. Nghĩ cổ mà không cổ, nghĩ tinh hoa đấy mà thực cũng rất đời thường. Quả không phải ngẫu nhiên mà sau khi quyển nhất được phát hành, đã nhanh chóng được dùng làm sách Tập đọc cho học sinh thời bấy giờ.
“Có mới, nới cũ”, thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất. Trong bối cảnh xã hội giao thời những năm 20 của thế kỉ XX, với vai trò là những nhà sư phạm, Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân cảm thấy lo lắng trước quy luật “có mới nới cũ” của lòng người, nên có lẽ đã soạn “Cổ học tinh hoa” nhằm “mong cho các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nhiêu nghìn năm từ trước, rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm được ít tài liệu có khi làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào “như thóc gạo, như vải lụa”, thường cần đến hàng ngày”.
Ôn cố tri tân. Đọc cũ biết mới. Cuốn sách là những đúc kết trí tuệ vượt thời gian, đầy tính thực tiễn trong xã hội hiện đại. Tuy có tên “Cổ học tinh hoa” nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu. Bởi sau gần 100 năm, cuốn sách vẫn được xuất bản đều đặn bởi những giá trị mà nó mang lại. Đây cũng có thể coi là cuốn sách của gia đình, bởi chúng ta có thể cùng mở đọc với ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái… Cùng một lời đọc, cùng một lần nghe, mà nếu mang ra đàm luận, có lẽ mỗi thành viên lại hiểu ra một ý khác nhau, một tầng nghĩa khác nhau…
Cuốn sách “Cổ học tinh hoa” do Omega+ xuất bản được in theo bản in đầu tiên, do Vĩnh Long Thư Quán xuất bản năm 1926-1929, có bổ sung hệ thống chú thích. Tác phẩm nằm trong mảng Triết lý Tư tưởng thuộc Tủ sách Đời Người – Tinh tuyển cho người Việt. Là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.
- Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như, là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, có lòng say mê đặc biệt với văn hóa, văn học dân tộc. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ; tham gia biên soạn các sách giáo khoa như Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Giáo khoa Văn học An Nam; xuất bản nhiều sách khảo cứu như Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển, Đào nương ca, Truyện cổ nước Nam, Tục ngữ phong dao…
- Trần Lê Nhân (1887-1975) hiệu Tử An, là nhà Hán học, nhà giáo dục mẫu mực. Ông am tường triết học phương Đông và nghiên cứu cả triết học phương Tây. Ngoài dạy học, ông còn tham gia biên soạn và dịch thuật nhiều cuốn sách giá trị, trong đó tiêu biểu là Cổ học tinh hoa, Hán học danh ngôn, đều là sách được chọn dùng trong các trường trung học thời bấy giờ.