Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 2026.
Hiện thực hoá chiến lược này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với phát triển thanh toán số, ngân hàng số.
THANH TOÁN VÀ CHUYỂN MẠCH LÀ YẾU TỐ NỀN TẢNG THÚC ĐẨY OPEN BANKING
Nhiều ngân hàng thương mại đã tìm thấy sức bật cho chính mình và cho cả nền kinh tế từ trong đại dịch Covid-19 nhờ gia tăng số hóa trong hoạt động, đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm xuyên suốt cho khách hàng.
Đặc biệt, tại Hội nghị thành viên 2023 của Napas tổ chức ngày 17/11/2023, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,32% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 60,30% về số lượng và 5,66% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,82% về số lượng và 9,71% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 105,33% về số lượng và 10,66% về giá trị. Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 15,24% về số lượng và 21,78% về giá trị. Ngoài ra, đến cuối tháng 09/2023, toàn thị trường có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động.
Hội thảo “Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” có sự tham dự và chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các định chế tài chính lớn và fintech. Đây là hội thảo đầu tiên về Ngân hàng mở với quy mô lớn, tính chất đa ngành, bàn sâu vấn đề chuẩn hoá Open banking trên diện rộng thay vì giao tiếp song phương như hiện nay.
Cùng đó, năm 2023, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị. Đáng chú ý, số lượng giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022.
Giới chuyên gia cho rằng thanh toán và chuyển mạch là những yếu tố nền tảng để các ngân hàng đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ tiện ích, làm cơ sở để chuyển dịch một phần/toàn phần từ mô hình kinh doanh truyền thống (quầy kệ, đóng) sang mở, giao tiếp nhiều và liền mạch hơn với khách hàng thông qua các cửa sổ trực tuyến.
NGÂN HÀNG TRONG NƯỚC NỖ LỰC BẮT KỊP XU HƯỚNG OPEN BANKING
Theo xu hướng đó, một số ngân hàng tại Việt Nam bắt đầu tiếp cận mô hình kinh doanh mới, chuyển dịch từ đóng sang một phần mở bởi các phần mềm, cửa sổ Open API nhằm phục vụ tệp khách hàng của mình như: BIDV, Vietcombank…
Tuy nhiên, với hiện trạng hiện nay, các ngân hàng và fintech mới dừng ở Open API, chỉ phục vụ tệp khách hàng sẵn có của ngân hàng. Nói cách khác là ở giai đoạn làm quen với khái niệm ngân hàng mở (Open banking), xét ở quy mô, chiều sâu, mức độ trải rộng của hệ sinh thái thỏa mãn nhu cầu dịch vụ người dùng.
Chia sẻ tại lễ ra mắt hệ thống BIDV Open API ngày 29/11, nhiều ngân hàng và fintech cho biết chưa thể tăng tốc triển khai Open banking, bởi vẫn còn bỡ ngỡ do thiếu hành lang pháp lý.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV, mô hình Open banking phát triển mạnh nhất ở những nước có hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định.
Tham khảo mô hình Open banking ở một số quốc gia cho thấy, khi triển khai ngân hàng mở đã tác động mãnh mẽ đến tăng trưởng GDP. Cụ thể: tại châu Âu, Mỹ và Anh tăng từ 1 – 1,5%/năm, con số này ở Ấn Độ là 4 – 5%.
Trong đó, bóc tách đóng góp vào tăng trưởng nhờ vào ngân hàng mở của các nhóm chủ thể: cá nhân (Individuals) – doanh nghiệp siêu nhỏ (MSMEs) – tổ chức tài chính (Financial Institutions) ở các khu vực/quốc gia nói trên lần lượt như sau: (i) Châu Âu: 17% – 37% – 45%; (ii) Mỹ: 37% – 19% – 44%; (iii) Anh: 44% – 12% – 43%; Ấn Độ: 26% – 55% – 18%.
Cũng tại sự kiện ra mắt hệ thống BIDV Open API ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là sớm ban hành dự thảo về Open API và lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan. Quá trình này đang được thúc đẩy để thông tư về Open API và Open banking có thể được ban hành trong năm 2024.
KIẾN TẠO “XA LỘ” OPEN BANKING TẠI VIỆT NAM
Với mục tiêu đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước và thị trường, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước và Napas tổ chức Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh đóng sang mở.
Đây là sự kiện quy mô lớn đầu tiên quy tụ những định chế tài chính lớn và fintech tiên phong trong xu hướng Open banking tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra lúc 13h30 ngày 7/12/2023 tại Trung tâm hội nghị quốc tế 35 Hùng Vương, Hà Nội; được live stream đồng thời trên các nền tảng vneconomy.vn và fanpage vneconomy.
Hội thảo sẽ tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính:
(i) Xu hướng thị trường đối với Open banking;
(ii) Lợi ích và chia sẻ lợi ích giữa các chủ thể tham gia
(iii) Sự cần thiết phải có chuẩn chung Open banking;
(iv) Tính cấp thiết của việc phải có đơn vị quản lý chung (Hub) trong việc xây dựng, vận hành tiêu chuẩn chung Open banking;
(v) Vai trò của cơ quan quản lý và hành lang pháp lý
(vi) Nhận diện rủi ro và cách phòng chống;
Khách mời và chuyên gia tham dự hội thảo bao gồm:
– Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước;
– Lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas);
– Các ngân hàng và fintech;
– Chuyên gia trong nước và Nhật Bản.
Hội thảo được tổ chức vào hồi 13h30, ngày 7/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 35 Hùng Vương, Hà Nội.
Bạn đọc VnEconomy có thể đăng ký tham dự tại link:
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSd999wMCNvwcbvUk5PJ338IXV8mYljkl_SO7t_Jcfok2GcGTw/viewform
Trân trọng kính mời quý vị độc giả cùng theo dõi!