Bám sát nhu cầu của các tiểu thương, từ một cuốn “sổ cái” phiên bản trực tuyến, Sổ Bán Hàng phát triển thêm nhiều tính năng khác như báo cáo lãi lỗ, nhắc nợ tự động, kết nối nền tảng bán hàng trực tuyến, vay vốn ngân hàng…, được hơn 500.000 chủ bán hàng sử dụng. Giải pháp của Sổ Bán Hàng cũng đã xuất sắc đoạt giải Quán quân Techfest 2022 và đại diện Việt Nam tham gia Startup World Cup năm 2023.
Gia nhập thị trường được đánh giá là “đại dương đỏ” nên Sổ Bán Hàng triển khai chiến lược riêng, tạo lợi thế cạnh tranh để hút khách. Ứng dụng này bắt đầu từ mô hình freemium – miễn phí sử dụng với các tính năng cơ bản, có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề. Từ lịch sử sử dụng, Sổ Bán Hàng bắt đầu lọc ra chân dung khách hàng tiềm năng để đội ngũ sale tiếp cận, giới thiệu những tính năng cao cấp hơn theo từng ngành nghề.
Với cách làm này, Sổ Bán Hàng đã có hơn 10.000 người dùng trả phí là các chủ nhà hàng, quán cà phê, trà sữa, tạp hóa, bán buôn và nhiều ngành nghề khác, ghi nhận doanh thu mỗi tháng đạt hơn 1 tỷ đồng.
Sổ Bán Hàng đã phát triển tính năng chuyên sâu cho nhiều ngành nghề
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, hai nhà sáng lập Bùi Hải Nam, Bùi Hải Long xác định tầm nhìn phát triển dài hơi cho Sổ Bán Hàng, kéo dài từ 8 – 10 năm. Thời điểm này, Sổ Bán Hàng đang trong giai đoạn đầu tư công nghệ và hoàn thiện sản phẩm đưa tới khách hàng nên dù có doanh thu, startup vẫn chịu áp lực dòng tiền âm. Tuy nhiên với mức tăng trưởng từ 10 – 15% mỗi tháng, dự kiến 3 tháng tới Sổ Bán Hàng sẽ đạt điểm hoà vốn và bắt đầu có dòng tiền dương.
Để đảm bảo nguồn vốn phát triển lâu dài, nhóm sáng lập Sổ Bán Hàng đã huy động khoản vay chuyển đổi có tổng quy mô 4 triệu USD từ nhiều quỹ và tiếp tục huy động vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 6.
Trước mô hình kinh doanh của Sổ Bán Hàng, là nhà đầu tư đã có nhiều nghiên cứu về thị trường này ở cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Shark Tuệ Lâm đánh giá startup đang đi vào một thị trường rất cạnh tranh, rất “đổ máu”. Shark Erik từng làm việc trong ngành thương mại điện tử cũng đồng tình nhận định rằng đây là một lĩnh vực khó.
Tuy vậy, ấn tượng với mô hình kinh doanh, thành tựu mà Sổ Bán Hàng đạt được qua từng năm cũng như sự thông minh của nhóm nhà sáng lập, hai vị “Cá mập” đến từ Quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn quyết định cùng bắt tay đầu tư 200 ngàn USD cho startup theo hình thức khoản vay chuyển đổi với điều kiện: chuyển đổi khoản vay thành cổ phần sau 12 rót vốn trên cơ sở 15 lần doanh thu của 12 tháng gần nhất.
Nữ “Cá mập” 9x đến từ quỹ Nextrans đã có thêm một thương vụ tại Shark Tank mùa 6
Sau khi chốt thương vụ, Shark Tuệ Lâm chia sẻ: “Mô hình kinh doanh bán phần mềm thu phí chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt đối tượng khách hàng là những chủ thương nhỏ lẻ, nhưng tôi tin rằng đó là bài toán lớn và đủ ý nghĩa để tập trung, và đội ngũ Sổ bán hàng có đầy đủ tố chất để đi tìm lời giải cho bài toán đó!”