Như quý vị đã biết, việc đạt NET ZERO vào năm 2050 cho Việt Nam mà Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP 26 là một mục tiêu rất nhiều người đánh giá là khó hoàn thành, bởi nó tương đương với cam kết của các nước phát triển như Mỹ và Canada. Thậm chí, những nước lớn như Ấn Độ còn đặt mục tiêu xa hơn, là phải tới năm 2070, còn Trung Quốc là 2060.
Muốn Việt Nam đạt được NET ZERO vào năm 2050, chúng ta đều hiểu nỗ lực không chỉ đến từ Chính phủ, mà phải đến từ rất nhiều tổ chức, cá nhân, trên khắp Việt Nam, đồng thời phải huy động được sự hỗ trợ từ cả quốc tế. Nói cách khác, NET ZERO là một mục tiêu siêu thách thức.
Thế nhưng, chính mục tiêu siêu thách thức đó lại là cơ hội cho sự kết nối, huy động tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của những người tài trên khắp Việt Nam cùng chung tay giải bài toán lớn của đất nước. Nhìn từ góc độ đó, NET ZERO lại trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng rất lớn.
Trước khi lắng nghe các tham luận của các diễn giả, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện nhỏ mà chúng tôi đã trải nghiệm có nét tương đồng với mục tiêu của cam kết NET ZERO.
Khi VCCorp bắt đầu thực hiện phương pháp quản lý bằng OKR (Objectives and Key Results) – một phương pháp quản lý bắt nguồn từ Intel, được phát triển và phổ cập rộng rãi trong số các công ty công nghệ lớn nhờ Google, hầu hết mọi người đều thấy mục tiêu kiểu OKR là đánh đố.
Bởi kể cả mục tiêu mức 1 – thấp nhất của OKR cũng đòi hỏi mọi người, mọi bộ phận phải vượt qua ngưỡng rất cao của họ. Không chỉ thế, các cá nhân, bộ phận trong VCCorp còn phải hợp tác, kết nối với nhau rất chặt chẽ, cùng hợp lực thì mới có thể hoàn thành.
Thế nhưng, khi thực hiện OKR, nhiều điều thú vị đã diễn ra. Ngay cả khi không thể hoàn thành OKR mức 1 trong một quý, nhiều người nhận ra rằng họ đã vượt qua ngưỡng rất cao của chính mình trước đây, đưa cả cá nhân và bộ phận họ quản lý tới một mặt bằng mới.
Câu chuyện nhỏ từ chính doanh nghiệp của chúng tôi cho thấy, một mục tiêu dễ hay khả năng đạt được cao không thể dẫn tới sự thay đổi lớn hay một mặt bằng mới và khó có khả năng truyền cảm hứng hoặc huy động tối đa năng lực của những người tài.
Khi tham vấn TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, về mục tiêu Xanh mà cả nền kinh tế đang hướng tới, chúng tôi cũng đặt những câu hỏi về tính khó khả thi của mục tiêu cùng những thách thức, nhưng TS. Trần Đình Thiên khẳng định: “Đất nước cần những thách thức như NET ZERO 2050 để huy động trí tuệ của cả dân tộc cùng vào cuộc!”.
Đó cũng là lý do mà CafeF – một thành viên của VCCorp, tổ chức hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”
Chúng tôi mong muốn các quý vị tới tham dự Hội thảo ngày hôm nay có thể tìm thấy một thông tin, bài học nào đó hữu ích cho cá nhân hoặc tổ chức mà mình đang làm việc từ các bài tham luận, phần thảo luận của các diễn giả. Chúng tôi cũng mong muốn những bài học, điển hình được chia sẻ ở hội thảo này có thể được lan tỏa, phát triển, góp một phần nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu NET ZERO 2050.