Nhiều năm trở lại đây, vào mùa đông, loạt thiết bị làm ấm, phục vụ nhu cầu gia tăng nhiệt độ trong phòng, trong nhà xuất hiện và được ưa chuộng. Một trong số đó có thể kể tới là thiết bị mang tên đèn sưởi, thường được lắp đặt bên trong các nhà vệ sinh, nhà tắm, đặc biệt là ở những gia đình có người già hay trẻ nhỏ.
Cũng bởi vị trí lắp đặt thường là những khu vực ẩm ướt, có thể tiếp xúc nhiều với nước, nên nếu đèn sưởi không được sử dụng đúng cách hoặc là loại kém chất lượng, nguy cơ xảy ra chập cháy nguy hiểm là rất lớn. Video sau là một ví dụ.
Video được một người dùng có tài khoản mạng xã hội tên Nguyễn Anh đăng tải vào khoảng tháng 1 năm 2023, ghi lại cảnh chiếc đèn sưởi của gia đình đang bốc cháy.
Chiếc đèn sưởi trong nhà tắm gia đình đột ngột bốc cháy (Ảnh Nguyễn Anh)
Đầu năm 2021, một người dùng khác cũng từng chia sẻ về sự cố tương tự với đèn sưởi trong nhà tắm nhà mình. Cụ thể, người dùng này viết: “Nhà bác nào lắp thì kiểm tra lại nhé. Nhà em lắp được khoảng 3 tháng nay mà hôm qua sáng ngủ dậy vào bật lên đang đánh răng thì nó nổ. May không phải là lúc đang tắm cho trẻ”. Kèm theo dòng trạng thái là hình ảnh bóng đèn sưởi nhà tắm vỡ vụn trên sàn nhà.
Một sự cố khác xảy ra với đèn sưởi cũng được người dùng chia sẻ trên mạng xã hội hồi đầu năm 2021 (Ảnh FBNV)
Sử dụng đèn sưởi nhà tắm sao cho an toàn?
Đèn sưởi là thiết bị được thiết kế dưới dạng từ 2-4 bóng đèn. Khi khởi động, không chỉ cung cấp ánh sáng vàng, những bóng đèn này còn mang lại cảm giác ấm áp hơn cho không gian cũng như con người. Hiện nay trên thị trường phổ biến 2 loại đèn sưởi là đèn tia hồng ngoại và đèn sưởi sợi đốt (đèn halogen). Thiết bị có thể lắp đặt theo dạng gắn tường hoặc âm trần.
Cũng theo các đơn vị sản xuất và phân phối, hầu hết các loại đèn sưởi đều đã được thiết kế chuyên dụng cho phòng tắm với các tiện ích như chống cháy nổ, chịu nước, chịu nhiệt hay chế độ tự ngắt điện… Tuy nhiên trên thực tế, những vụ việc được người dùng chia sẻ đã thể hiện, việc xảy ra sự cố hoàn toàn vẫn có thể xảy ra. Chúng có thể bắt nguồn từ thói quen sử dụng sai lầm của chính người dùng hoặc do người dùng đã mua phải loại đèn sưởi kém chất lượng.
Đèn sưởi nhà tắm là thiết bị làm ấm được ưa chuộng trong vài năm trở lại đây (Ảnh minh họa)
Đầu tiên, xét trên thói quen sử dụng đèn sưởi của người dùng, có một số điều sau cần lưu ý. Khi mua về và lắp đặt đèn sưởi, cần thợ kỹ thuật có tay nghề và kinh nghiệm về điện, sao cho lắp đặt theo phương pháp chuẩn, kiểm tra kỹ về công suất, điện áp, vị trí đặt cùng các yếu tố khác như ổ cắm, dây dẫn, phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Ngoài ra, cần đảm bảo lắp đặt rơ le ngắt điện tự động cho đèn sưởi để phòng khi thiết bị cháy, nổ sẽ tự động ngắt điện. Đây cũng là điều được Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP Hà Nội khuyến cáo vào năm 2021, khi các gia đình sử dụng đèn sưởi nhà tắm nói riêng cũng như các thiết bị sưởi khác nói chung.
Vị trí lắp đặt đèn sưởi cũng rất quan trọng. Nếu là đèn gắn tường, không nên đặt quá cao, sát với trần nhà, hoặc quá thấp, sát với sàn nhà. Nhiều thợ kỹ thuật cho biết, vị trí lý tưởng dành cho việc lắp đèn sưởi là cao khoảng 1,8 – 2m, cao hơn vòi hoa sen. Đây là khoảng cách an toàn nhất, giúp thiết bị phát huy tối đa công suất, đồng thời hạn chế tối đa việc bị nước bắn vào. Gần đèn sưởi không được đặt các vật dụng khác, đặc biệt là vật dụng dễ bắt lửa, dễ cháy như quần áo. Giải thích cho vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội phân tích với An Ninh Thủ Đô: “Đèn sưởi là vật phát nóng sinh nhiệt độ cao, có thể làm cháy các vật dụng để sát nó”.
Đèn sưởi nên lắp cao hơn hẳn, cách xa so với vòi hoa sen để tránh nước bắn vào thiết bị (Ảnh minh họa)
Trong suốt quá trình sử dụng, người dùng cũng cần tránh để nước trực tiếp bắn vào thiết bị. Dù đã được thiết kế chịu nước, tuy nhiên nếu phải tiếp xúc trong thời gian dài, cường độ lớn, nguy cơ chập cháy là rất cao. Thời gian bật đèn sưởi lý tưởng không nên kéo dài quá lâu, xuyên suốt cả ngày bởi thiết bị sở hữu công suất và bức xạ nhiệt cao. Nếu bật quá lâu, nhiệt độ thiết bị có thể gia tăng đến mức rất nóng, dẫn đến nguy cơ chập cháy. Tốt hơn hết, chỉ nên bật thiết bị trong khoảng 30 – 40 phút/lần khi có nhu cầu và để thiết bị có thời gian “nghỉ”.
Tiếp đến là vấn đề nguồn gốc xuất xứ của thiết bị. Khi chọn mua, người dùng phải kiểm tra kỹ thương hiệu sản xuất hay phân phối thiết bị, lựa chọn những cái tên uy tín, có chế độ bảo hành rõ ràng. Không nên mang tâm lý “ham rẻ”, từ đó mua phải những thiết bị đèn sưởi kém chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Chúng thường có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng, nhưng có thể đã bị thay đổi các kết cấu an toàn làm giảm chất lượng, hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy cao hơn, tuổi thọ cũng ngắn hơn.
Ngay khi chọn mua thiết bị, người dùng cần xem xét kỹ về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn chất lượng ăn toàn khác… (Ảnh minh họa)
Bên cạnh thương hiệu, người dùng cũng có thể nhìn vào một chi tiết trên thiết bị để chọn được loại đèn sưởi chất lượng. Đó là sản phẩm có dán tem hợp quy (CR). Việc dán tem thể hiện đây là sản phẩm đã được kiểm định an toàn về chất lượng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Trong trường hợp đèn sưởi nhà tắm của gia đình gặp phải một số dấu hiệu như đèn chập chờn lúc bật lúc tắt, nhấp nháy bất thường, đèn xuất hiện mùi khét hay đèn có tiếng động lạ như bụp hay phát tiếng ò è, người dùng cần ngưng sử dụng ngay và gọi thợ kỹ thuật tới kiểm tra kịp thời.