Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
GIẢM THU NGÂN SÁCH 25.000 TỶ ĐỒNG NHƯNG TRỢ LỰC CHO NỀN KINH TẾ
Nhấn mạnh sự cần thiết đề xuất giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết dịch Covid-19 xảy ra gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế – xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ khiến nền kinh tế – xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cũng theo Bộ trưởng, giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Qua 4 tháng thực hiện, từ tháng 7 – 10/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.
Theo đó, năm 2024 tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023. Cùng với đó, tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
Do dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như nội dung chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
“Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024”, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.
Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.
ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG
Qua nghiên cứu hồ sơ tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương, cho rằng tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này, chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ.
Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng.
Đại biểu cũng cho rằng chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% góp phần tích cực tạo công ăn việc làm cho người lao động trong đợt dịch vừa qua.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.
Đại biểu cũng đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.
“Phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chính sách được ban hành, vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng nghị quyết, vừa không ảnh hưởng nhiều đến giảm thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng đề nghị làm rõ ý nghĩa của thuế giá trị gia tăng trong việc giảm giá thành hàng hoá, dịch vụ và kích cầu.
Theo đại biểu, trước đây khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm người dân đang gặp khó khăn nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng mà người dân hay sử dụng. Tuy nhiên, người dân cũng có thể chịu thiệt hại một cách gián tiếp sau này khi nguồn thu ngân sách của Nhà nước không được đảm bảo, thu ngân sách không đảm bảo khiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội toàn đất nước sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Đại biểu cho rằng đánh giá tác động ở đây chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Do đó, cần phân tích một cách tổng thể, có một nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, không thể cảm tính là nên giảm hay không nên giảm một số ngành hàng.
“Người dân thích giảm thuế trước mắt vì mua được hàng giá rẻ và kích cầu nhưng không thể giảm thuế mãi và xem xét chính sách kích cầu sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng nếu áp dụng thì nên áp dụng một cách dài hạn hơn, thay vì áp dụng 6 tháng.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng với một số đối tượng nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước.
“Việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP”, Bộ trưởng khẳng định.
Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này báo cáo Quốc hội.