Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đây là dịp tất cả các thế hệ học trò đều mong muốn được trở về mái trường xưa để gặp lại những người thầy cô giáo cũ của mình.
Ngay từ cuối tháng 10, lớp trưởng lớp tôi đã nhắn trên nhóm của lớp thông báo lịch tụ tập sắp tới. Năm nay trường cấp 3 của chúng tôi tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập và vinh dự đón nhận cờ thi đua thành phố và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với dịp lớn như thế này, làm sao lớp tôi có thể vắng mặt được chứ.
Sau khi biết được tin này, hầu như ngày nào trong đầu tôi cũng nghĩ về ngày gặp lại bạn bè và thầy chủ nhiệm. Niềm vui cũng có nhưng trong lòng không thiếu băn khoăn, ngại ngùng. Nếu như tôi của 3 năm trước từng khiến bản thân tự hào bao nhiêu thì bây giờ tôi xấu hổ bấy nhiêu.
Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện của đời mình.
3 năm cấp 3, tôi không phải tuýp học sinh giỏi, ngoan ngoãn. Sức học của tôi chỉ ở hạng trung bình khá, thỉnh thoảng lại nhận án phạt vì nghịch ngợm, đánh lộn với bạn bè. Nhưng nhờ có tài ăn nói khéo léo, lại hay xung phong nhận tất cả các công việc chung của lớp nên tôi vẫn được thầy chủ nhiệm thương hơn là trách.
Thầy thường bảo tôi rằng, con thi vào trường đại học nào cũng được vì chắc chắn sau này con sẽ không đi làm văn phòng đâu. Cá tính của con, cộng với cái mồm dẻo quẹo này chỉ hợp đi kinh doanh, bán hàng thôi.
Vậy mà đúng như thầy tiên đoán, 4 năm đại học không quá giúp ích được cho tôi trên con đường khởi nghiệp, có chăng cũng chỉ là một vài kiến thức nền mà thôi. Từ khi là sinh viên, tôi đã bắt đầu tìm cách kiếm tiền. Lần đầu tiên là tôi mượn tiền bố mẹ thuê toàn bộ một căn nhà 5 tầng rồi chỉ ở 1 phòng, còn lại tôi cho những người khác thuê.
Sau đó, tôi bỏ ra 50 triệu làm vốn đi săn sale đồ hiệu giảm giá để về bán ăn tiền chênh lệch. Có những ngày tôi phải nghỉ cả học để đi xếp hàng tại các store từ sáng sớm, sau đó về nhà tự mặc, tự chụp ảnh để giới thiệu đến khách. Công việc này khá suôn sẻ, nó đã giúp tôi kiếm được không ít và trở thành “tỷ phú” nơi trường học – theo cách gọi của bạn bè tôi.
Tuy nhiên, tôi ham kiếm tiền bao nhiêu thì việc học cũng giảm sút bấy nhiêu. Càng ngày tôi càng nợ nhiều môn, thầy cô dọa sẽ đuổi học nếu tôi không thay đổi. Quá lo lắng cho con trai, bố mẹ tôi bắt cam kết bỏ nghề bán quần áo, bao giờ cầm được cái bằng tốt nghiệp đại học về nhà thì bấy giờ muốn làm gì thì làm, bố mẹ không cản nữa. Vậy là, tôi lại trở về với bóng dáng của một thằng sinh viên chính hiệu.
Kết thúc 4 năm học, tôi về làm tại một doanh nghiệp do bố sắp xếp. Ngày làm 8 tiếng, sáng xách xe đi, chiều lại về phòng nấu cơm, ăn tối rồi ngủ. Tiền lương đâu đó khoảng 20 triệu, một mình tôi chi tiêu là thoải mái nhưng công việc này khiến tôi cảm thấy mình mình chỉ đang sống chứ không được sống.
2 năm sau tôi cãi lời bố và quyết định nghỉ việc. Tôi theo chân một người anh gia nhập vào công ty bán bất động sản. Nhờ vào tất cả kinh nghiệm bao năm buôn bán, bản tính chịu thương chịu khó và một chút may mắn, tôi nhanh chóng đạt được nhiều thành tích nổi bật. Gần như bất cứ căn nhà nào đưa vào tay tôi đều được bán đi ngon lành. Tôi bắt đầu tích cóp để ấp ủ một dự định lớn lao hơn.
2 năm tiếp theo, tôi nghỉ việc và về quê mở công ty môi giới nhà đất do chính mình làm chủ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa chính là những gì tôi đang có, thắng lợi cứ nối tiếp thắng lợi, dù chưa đến 30 tuổi tôi đã mua nhà, mua xe khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Nhưng thành công đâu có dễ dàng và kéo dài mãi mãi. Vũ trụ bắt đầu gửi đến tôi những “cú tát” trời giáng khiến tôi thực sự gục ngã.
Đầu tiên là 2 năm dịch Covid-19 khiến mọi thứ điêu đứng, toàn dân chỉ lo bảo vệ sức khỏe chứ làm gì có ai đâm đầu vào mua đất cát. Nhưng tôi vẫn có thể chèo lái được công ty và không bỏ rơi nhân viên của mình.
Sau đó khi mọi thứ dần bình thường hóa trở lại, bất động sản bắt đầu bùng nổ ở khắp nơi thì cũng là lúc tôi bị chính người anh em kề vai sát cánh bao lâu nay lừa gạt. Bao nhiêu giấy tờ anh ta quản lý trở thành giấy lộn với gã giám đốc như tôi. Để trả nợ, tôi bán hết những gì mình có, và vay lãi khắp nơi để chỗ nọ bù vào chỗ kia.
30 tuổi, tôi chính thức phá sản. Một lần nữa tôi rời quê hương ra Hà Nội kiếm sống, vừa là để thay đổi môi trường vừa là để trốn tránh ánh nhìn của bố mẹ và mọi người xung quanh. Tôi cần một không gian không ai biết tôi là ai.
Tôi quay trở lại với cái mác nhân viên văn phòng của 8 năm trước nhưng mức lương chỉ có 10 triệu. Nếu số tiền này đối với một sinh viên mới ra trường thì có thể khiến bạn thỏa mãn, nhưng với gã đàn ông trưởng thành cần chăm lo cho gia đình thì số 10 tròn trĩnh chỉ giống như muối bỏ bể. Để kiếm thêm, buổi sáng tôi dậy từ 6h đi chạy xe ôm, 8 giờ đến cơ quan làm việc, 5 rưỡi chiều tan lại chạy xe đón khách đến 10h khuya mới về.
Trên mỗi quãng đường những ngày gần đây, tôi luôn băn khoăn chẳng biết đối diện với bạn bè và thầy cô như thế nào. Tôi bật khóc vì cuộc sống khắc nghiệt quá, tôi đã từng tiêu xài hoang phí đến nhường nào để giờ đây phải tiết kiệm từng cuốc xe 20-30 nghìn đồng.
Đã có lúc tôi muốn từ chối họp lớp, nhưng suy cho cùng tôi đâu có làm gì sai, tôi cũng chẳng phải là gã vô dụng ăn bám bố mẹ. Thất bại này sẽ khiến tôi trưởng thành hơn để đừng vội đặt hết lòng tin của mình vào người khác. Tôi sẽ đến gặp thầy chủ nhiệm như một cột mốc để bắt đầu một trang mới. 30 tuổi chỉ vừa mới bắt đầu!