Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển ổn định, đảm bảo an toàn, góp phần vào sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia, ngày 09/11/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trải qua 24 năm hoạt động, vai trò và quyền hạn được mở rộng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chiến lược, đồng hành với tổ chức tín dụng nhằm tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua thách thức để tiếp tục đổi mới trên mọi mặt hoạt động.
Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 trao cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một số quyền hạn cơ bản như cấp và thu hồi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, thực hiện giám sát, kiểm tra tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, quản lý và sử dụng nguồn vốn, chi trả tiền bảo hiểm, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém, tham gia vào quá trình thu hồi nợ và thanh lý tài sản.
Gần đây, quyền hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngày càng được mở rộng thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 và Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được trao thêm một số quyền hạn như: Thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức đó nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc để hỗ trợ phục hồi theo phương án đã được phê duyệt;
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ dựa trên quyết định của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường khả năng tài chính cho tổ chức tín dụng lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát đặc biệt;
Tham gia phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; Tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là đơn vị cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu phí bảo hiểm tiền gửi; theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp các quỹ có vấn đề, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm. Công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi được triển khai đồng bộ nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi.
Đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn thường xuyên diễn tập, mô phỏng các “kịch bản” chi trả khi có đổ vỡ để luôn chủ động, sẵn sàng trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã cụ thể hóa các quy định về thẩm quyền trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, từ đó nâng cao vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi nói riêng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nói chung giúp xây dựng một hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Cùng với đó, Đề án Củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành cũng đề ra giải pháp tăng cường vai trò và sự phối hợp của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt.
Năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để cử nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhằm chỉ định giữ chức danh Chủ tịch, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, tháng 6/2023, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ban hành quy định tạm thời về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt. Đây là văn bản nội bộ đầu tiên được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành nhằm hướng dẫn việc thực hiện cử nhân sự giữ các vị trí chủ chốt tại quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, hỗ trợ quá trình phục hồi, là tiền đề để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn, trực tiếp hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ngày 20/12/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra cho BHTGVN các mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi bao gồm chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém; tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, chi trả bảo hiểm tiền gửi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho khoảng 8 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, trải qua 24 năm hoạt động, vai trò và quyền hạn ngày càng được mở rộng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chiến lược, đồng hành cùng các tổ chức tín dụng nhằm tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua thách thức để tiếp tục đổi mới trên mọi mặt hoạt động, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người gửi tiền.