Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả hư cấu nổi tiếng của nền văn chương Anh ngữ, từng nhận được bốn đề cử của Man Booker Prize. Tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn tài năng người Nhật này chính là The remains of the day (Tàn dư ngày ấy). Đó là tiểu thuyết thể hiện tinh hoa văn hóa Anh và đã được đạo diễn James Ivory dựng thành phim năm 1993. Cuốn sách đoạt giải Man Booker năm 1989 được chuyển thể thành phim điện ảnh và nhận tới tám đề cử Oscar.
Tôi thường dè dặt khi đọc những tác phẩm văn học đạt giải danh giá như Nobel hay Pulitzer, sợ rằng mình không có một tâm hồn đủ thanh tao để thấu hiểu và tiếp nhận giá trị nhân văn của tác phẩm. Tôi cũng sợ rằng mình sẽ để thành kiến của số đông ảnh hưởng đến đánh giá của chính mình, đem lại cảm nhận thiếu khách quan.
Đối với The Remains of the Day cũng vậy. Trong suốt quá trình đọc cuốn sách 245 trang này thì đã có 220 trang làm tôi muốn bỏ cuộc và chấp nhận rằng mình vẫn chưa sẵn sàng để đọc những tác phẩm kinh điển. Thật may mắn rằng tôi đã không dừng lại, bởi tinh hoa của cả cuốn sách theo tôi nằm ở 20 trang cuối cùng, khi mọi chuyện được hé mở và tháo nút. Tôi đã hiểu đằng sau tất cả những chi tiết khiến mình hoang mang là sự sắp đặt tài tình của tác giả, không thừa không thiếu.
The Remains of the Day là tự truyện của người quản gia Anh sau thế chiến thứ 2, khi nước Anh đang trải qua những sự đổi mới. Cũng giống như thay đổi của nước Anh, cuộc đời của Mr. Stevens cũng đổi thay khi nay làm việc dưới một người chủ mới, một quý ông người Mỹ. Mr. Stevens chỉ có dịp nhìn lại cuộc đời mình trong chuyến đi tới Cornwall để gặp lại Miss Kenton, người mà ông tin đã ám chỉ mong muốn quay lại Darling Hall làm việc sát cánh bên ông như những ngày hưng thịnh trong lá thư bà gửi.
Mr. Stevens là người đàn ông lấy sự nghiệp của mình làm niềm tự hào. Ông quan niệm cha mình là người có phẩm giá đích thực trong trong suốt sự nghiệp làm quản gia, và luôn lấy đó làm thước đo và tấm gương cho bản thân. Định nghĩa “dignity” hay phẩm giá của người quản gia được Mr. Stevens nhắc lại xuyên suốt cả tác phẩm, trong câu chuyện của cha mình hay khi bàn luận với một anh chàng nông dân.
Với ông, “They wear their professionalism as a decent gentleman will wear his suit: he will not let ruffians or circumstances tear it off him in the public gaze; he will discard it when, and only when, he wills to do so, and this will invariably be when he is entirely alone.”
Người quản gia có phẩm giá chỉ thực sự tháo bỏ đồng phục, hay cái mặt nạ chuyên nghiệp tạo nên trước mặt người khác, khi ở một mình.
Thoạt đầu, tôi khâm phục và có phần ngưỡng mộ người có lương tâm nghề nghiệp như ông, một người nghiêm khắc tuân thủ những khuôn khổ, phục tùng mệnh lệnh từ chủ nhân không những tuyệt đối mà còn vượt xa cả mong đợi. Những tưởng cuốn sách chỉ là chân dung một tấm gương đạo đức nghề nghiệp, cuả người đàn ông có tư cách, nhưng tôi đã nhầm. Điều đó để lại cho ông những gì vào cuối ngày? Ông hoàn toàn cô độc.
Ông gạt bỏ cảm xúc của mình sang một bên để đặt công việc lên trên hết. Ông bỏ qua giây phút lâm chung của cha mình và bỏ lỡ cả người con gái mà ông đã đem lòng yêu. Ông giữ bộ mặt “người quản gia” ngay cả khi cha mình cố gắng nói những lời trăn trối, lần duy nhất ông tháo mặt nạ trước con trai mình, hay là một người khác. Có lẽ khi đối mặt với lưỡi hái tử thần và nhìn lại cuộc đời, cha ông nhận ra mình không còn ai, và ông cũng đã để con trai mình cô độc, ông nói: “I hope I’ve been a good father to you. I suppose I haven’t.” Nhưng tất cả những gì Mr. Stevens làm là xin phép rút lui để phục vụ những người xa lạ, thậm chí không thể vuốt mắt cho cha khi ông lìa đời. Ông vẫn nghĩ rằng, điều đó sẽ làm cha ông tự hào, người có phẩm giá quản gia ấy.
Chính cái sự “chuyên nghiệp” ông đặt lên vai mình đã ngăn ông được cất lên những lời yêu thương, những tiếng lòng không bao giờ có cơ hội được bày tỏ.
Trong suốt hồi ký của mình, ông không để lộ cảm xúc cá nhân ngay cả trong những đoạn đối thoại nội tâm. Cái chuyên nghiệp, lạnh lùng dường như đã ăn sâu vào tiềm thức. Ông do dự khi muốn an ủi Miss Kenton khi dì của bà mất, cũng không giữ bà lại khi bà nói sẽ chấp nhận lời cầu hôn của người khác. Ta không biết được ông thực sự cảm thấy thế nào. Ông không bao giờ nhìn vào cảm xúc của chính mình, cho tới lần cuối cùng gặp mặt Miss Kenton để biết được rằng mình đã bỏ lỡ những gì. Dù cho bà đã có những lúc muốn chạy tới bên ông trong cuộc hôn nhân của mình, thì nay bà cũng đã là vợ người khác, là mẹ của hai người con gái, và sắp lên chức bà ngoại.
Cuối cùng, ông cũng tự nói “At that moment, my heart was breaking.” Đó là lần duy nhất ông đối diện với cảm xúc của chính mình. Ông đã phải dồn nén bao lâu, phải đánh đổi những gì, để nhận ra trái tim mình tan vỡ.
Ông chưa bao giờ thú nhận mình yêu Miss Kenton, cũng không nói rõ trái tim mình tan vỡ vì lẽ gì, nhưng những hồi ký đẹp đẽ về những buổi tối uống sôcôla nóng và trò chuyện cùng Miss Kenton cho ta biết Miss Kenton mang một vị trí đặc biệt trong tim ông. Và giờ, bà sẽ không bao giờ trở lại.
Cũng chính sự chuyên nghiệp hay lòng tin tuyệt đối của ông với chủ nhân đã khiến ông mù quáng. Ông không nghi ngờ chủ nhân của mình dù chỉ một chút, không tò mò, không phán xét, không bao giờ nghĩ xấu về chủ nhân dù cho miệng lưỡi thế gian có thế nào. Ông tuyệt đối làm theo chỉ thị sa thải những người làm Do Thái trong nhà không một câu hỏi, hay hết lòng phục vụ những người khách được mời tới dù cho họ là Đức phát xít, những người tạo nên tội lỗi ngoài kia. Ông không cảm thấy xấu hổ khi những người khách lấy ông làm trò đùa, chế nhạo những con người tầng lớp dưới là ngu muội và chẳng hiểu gì về thế sự hay chính trị. Và ông tin vào những gì chủ nhân nói. Việc của ông là hoàn thành tốt những gì được giao.
Mr. Stevens vẫn giữ nguyên tôn chỉ của mình và tuyệt đối không bày tỏ nỗi lòng thầm kín với Miss Kenton ngay cả ở lần gặp mặt cuối cùng. Cả cuộc đời ông đã đặt niềm tin mù quáng vào người chủ nhân ông kính mến, bỏ lỡ người con gái đời mình, và bỏ lỡ cả những cơ hội được sống như một con người bình dị.
Mr. Stevens không khỏi làm tôi nhớ đến Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu. Cũng như Nhĩ bị cuốn vào vòng xoay cuộc đời đi khắp thế gian, Mr. Stevens cũng dành trọn những năm tháng đẹp đẽ nhất đời mình phục vụ sự nghiệp. Nhưng khác với sự hối hận và tiếc nuối của Nhĩ, Mr. Stevens vẫn quyết định quay trở lại làm việc cho quý ông người Mỹ bằng những gì còn sót lại của mình. Vì đó là tất cả những gì ông còn – The Remains of the Day.
Theo Thao Nguyen
Trạm Đọc giới thiệu