Với nhân vật là những nghiên cứu sinh trẻ tuổi, tập truyện “Ở lại để chờ nhau” của nhà văn Hồ Anh Thái là câu chuyện dành cho những người trẻ tuổi muốn khám phá về chính bản thân và những người xung quanh, cùng những kinh nghiệm sống mà đôi khi phải trải qua thời gian, thậm chí cả tổn thương người ta mới rút lại được cho mình.
Những câu chuyện của tuổi trẻ
“Ở lại để chờ nhau” mở đầu bằng hai truyện ngắn đậm chất tuổi trẻ: “Cho bạn vay tiền” và “Cách một trời mưa”.
Trong truyện ngắn “Cho bạn vay tiền”, nhân vật tôi kể chuyện mình bị nhập học muộn và buộc phải ở chung phòng với một gã sinh viên người Mali tên là Modi, chuyên hỏi vay tiền của hết người này đến người khác trong ký túc xá để tiêu xài hoang phí, rồi lờ tịt chuyện trả lại.
May được bạn bè cảnh báo trước, nên nhân vật tôi đã từ chối cho Modi vay nửa tháng học bổng đầu tiên của mình. Tuy nhiên người bạn đồng hương tên Thắng của anh thì không “may mắn” như vậy. Modi đã hỏi vay tiền của Thắng ngay khi anh vừa chân ướt, chân ráo đến ký túc xá; và chưa có ai kịp cảnh báo cho anh.
Từ câu chuyện vay tiền của Modi, nhân vật tôi lại kể thêm vài câu chuyện vay tiền của những người bạn sinh viên, thậm chí cả chuyện cô bạn gái dùng cớ vay tiền để đuổi bớt “ong bướm vây quanh”.
“Cách một trời mưa” thì kể lại câu chuyện của một nhóm bạn đi du lịch cùng nhau. Những đúc kết của tác giả về những chuyến đi kiểu này là kinh nghiệm không phải người trẻ nào cũng biết:
“Có kinh nghiệm du lịch thì rất thận trọng với việc rủ người nào cùng đi. Có những người mà sau một chuyến đi sẽ càng quý nhau hơn. Có những người thì sau một chuyến đi sẽ càng ghét. Ghét đến mức không bao giờ rủ nhau đi đâu nữa. Ghét đến mức tuyệt giao.
Có những nhóm vừa lên xe có bao nhiêu gan ruột đã phơi bày hết cả ra với bạn đường. Những là chuyện nhà chuyện cửa chuyện chồng chuyện vợ. Những là chuyện người yêu chính thức cho đến bồ bịch dấm dúi. Người có kinh nghiệm du lịch thấy thế thì chỉ cười thầm: cứ tâm sự thổ lộ phơi bày ra cho hết đi, đường còn dài, rồi đến ngày cuối cùng trở về sẽ lấy làm hối tiếc: sao mình lại có thể kể hết mọi sự với một kẻ như thế.
Có những nhóm thì vừa lên xe đã hát đồng ca, hân hoan như thế giới đại đồng, bốn biển là anh em. Xe đi thì như thế. Mấy ngày sau, trên chuyến xe trở về thì không ai nói gì với ai, cả xe lặng phắc lạnh tanh như nấm mồ di động.
Thì đã nói đường đi bao giờ cũng rất dài và rất xa. Hôm nay hân hoan cởi mở thì phải nghĩ đến ngày mai có còn hân hoan cởi mở được nữa hay không.”
Cứ thế, Ở lại để chờ nhau là tập hợp của nhiều truyện ngắn về cuộc sống và mối quan hệ của những nghiên cứu sinh, những người trẻ tuổi khi sống gần nhau. Có nhân vật trong truyện ngắn này là nhân vật phụ, truyện ngắn sau lại thành nhân vật chính. Có truyện ngắn có nút thắt cao trào; có truyện ngắn lại chỉ có chút đỉnh gợn như nhiều câu chuyện vẫn diễn ra trong cuộc sống. Nhưng khi đặt cạnh nhau trong một cuốn sách, thì tổng thể tập truyện lại giống như một cuốn tiểu thuyết về cuộc sống của những người trẻ tuổi đã cùng trải qua một đoạn thanh xuân eo hẹp tiền bạc nhưng ngập tràn kỷ niệm.
Đời sinh viên, nghiên cứu sinh ở đâu thì cũng nghèo, cũng vui; thế nên đọc Ở lại để chờ nhau độc giả trẻ thấy bóng hình mình trong rất nhiều câu chuyện. Họ nghèo về vật chất nhưng “giàu về cảm xúc, thẳng thắn và quyết liệt trong lựa chọn (lựa chọn cách sống, lựa chọn lý tưởng, lựa chọn tình yêu), trong thể hiện thái độ và nhận biết bản thân mình”. Đồng thời độc giả cũng có thể nhận được nhiều kinh nghiệm sống mà đôi khi phải trải qua thời gian, thậm chí cả tổn thương người ta mới rút lại được cho mình.
Ấn Độ qua từng trang sách
Tác giả tập truyện, nhà văn Hồ Anh Thái là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng được bổ nhiệm làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Ông từng viết một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả lấy bối cảnh và nhân vật chính là người dân ở đất nước có nền văn hóa nghìn năm kỳ lạ và cuốn hút đến mê đắm này.
Bối cảnh chính của tập truyện “Ở lại để chờ nhau” cũng diễn ra ở Ấn Độ. Và nền văn hóa cũng như con người Ấn Độ lại tiếp tục được tác giả kể lại với nhiều màu sắc khác nhau.
Nếu như trong truyện “Cuộc đổi chác” nó hiện ra đầy hài hước, thì trong “Họ ở lại để chờ nhau” nó lại đầy chất liêu trai. Một cô gái Pháp lấy chồng Ấn, theo chồng về Ấn, rồi ly dị mà vẫn không rời Ấn. Chàng trai người Ý, đến Ấn để tu nghiệp, rồi trở về; nhưng tình yêu với Ấn Độ và người con gái Pháp ấy có lẽ sẽ kéo cậu trở lại với đất nước huyền bí này.
Chân dung người Ấn cũng được tác giả phác họa đa sắc như chính nền văn hóa nhiều sắc màu của họ. Có người mạnh mẽ, dịu dàng, nhân hậu; nhưng cũng có người ong bướm lả lơi như cô vũ nữ devadasi được cậu nghiên cứu sinh người Đức cứu về từ một cuộc đấu giá và lấy làm vợ ( truyện “Cuộc đổi chác”); lại có người không bao giờ biết hai chữ “tự trọng” viết như thế nào như Vivek trong “Chuyên gia ăn tiệc”.
Lại có bức biếm họa về tính cách đặc trưng của người Ấn: chỉ đường sai và luôn hứa hẹn ngày mai. Thậm chí chuyện cưới xin cũng được người Ấn đưa vào câu chuyện làm quà “ngày mai” của mình (truyện “Shame”).
Đối mặt với kiểu chỉ đường bừa phứa và hứa hẹn ngày mai không bao giờ đến ấy của người Ấn thì không một người nước ngoài nào không tức giận. Nhưng câu xác nhận của chính người Ấn sẽ làm mọi người dịu lại: “Người Ấn là thế đấy, chỉ muốn làm người khác vui khi đối diện, còn sau đấy người ta có tức điên lên vì bị lừa thì cũng mặc. Họ không coi đấy là lừa. Đấy chỉ là làm cho người khác vui lòng” (tr. 158)”.
Với ngôn ngữ tối giản, cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, tiết chế cảm xúc mà vẫn không thiếu phần dí dỏm cuốn hút hấp dẫn, tác giả Hồ Anh Thái khiến độc giả bị cuốn theo, cứ lật giờ đọc hết truyện ngắn này đến truyện ngắn khác; để rồi thực sự đồng tình rằng: “Ở lại để chờ nhau” là một tập truyện hấp dẫn dành cho những người trẻ tuổi và cả những người muốn hoài niệm về tuổi trẻ, hay muốn tìm hiểu về Ấn Độ để lên kế hoạch cho một chuyến khám phá đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa này trong một ngày không xa.
VH