THÀNH VIÊN DUY NHẤT ĐẾN TỪ VIỆT NAM
Trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt trên thế giới, nhu cầu tài chính bền vững để đẩy nhanh quá trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 đã trở nên cấp thiết. Giai đoạn 2017-2021 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các giao dịch tài chính bền vững được dán nhãn theo tiêu chuẩn thị trường, tác động lớn đến sự phát triển của Ngành Năng lượng tái tạo.
Ở châu Á, việc phát triển các sản phẩm tài chính bền vững truyền thống vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, cần có cơ chế hỗ trợ các lĩnh vực có hàm lượng carbon cao thực hiện quá trình “chuyển đổi” sang hướng phát thải ròng bằng 0. Các hình thức tài chính bền vững truyền thống không phải lúc nào cũng phù hợp với các giai đoạn chuyển tiếp này.
Ví dụ, một công ty hàng không có thể sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho nghiên cứu nhiên liệu máy bay phản lực sinh học. Nhưng các nhà đầu tư có thể không sẵn sàng chấp nhận tài trợ cho một đội máy bay mới, ít thải carbon hơn do phần chi phí đầu tư cao, rủi ro công nghệ lớn.
Nhận thấy tầm quan trọng của tài chính chuyển đổi với các quốc gia châu Á, ATF SG được thành lập vào năm 2021 với thành viên chính là các ngân hàng đang hoạt động tại thị trường này. ATF SG xác định mục tiêu của nhóm là thúc đẩy quá trình chuyển đổi “công bằng và có trật tự” trong khu vực, nghiên cứu vai trò của tài chính chuyển đổi trong việc hỗ trợ các nền kinh tế châu Á hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. ATF SG cũng tập trung tìm hiểu các thách thức trong việc tài trợ các dự án chuyển đổi, tìm tiếm giải pháp hỗ trợ và đưa ra các khuyến nghị thực tiễn cho các tổ chức tài chính.
Với mục tiêu trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ phát triển bền vững, VietinBank đã tham gia ATF SG ngay từ khi tổ chức này được thành lập, với vai trò là thành viên duy nhất đến từ Việt Nam.
SÁNG KIẾN ĐÓNG GÓP CHO CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Năm 2023, sau nhiều cuộc thảo luận giữa các thành viên nòng cốt, các cuộc đối thoại công tư, các buổi học tập với các công ty năng lượng và doanh nghiệp, ATF SG đã xuất bản Báo cáo thường niên 2023.
Ngày 25/9/2023, tại Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển Xanh châu Á được tổ chức tại Nhật Bản, ATF SG đã công bố Báo cáo thường niên 2023. Báo cáo này cùng với Hướng dẫn Tài trợ Chuyển đổi châu Á và Báo cáo hoạt động của nhóm nghiên cứu ATF SG đã báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Tăng trưởng Xanh Châu Á (AGGPM) trong năm 2022. Đây được xem như là một trong những nỗ lực hỗ trợ các sáng kiến khí hậu của nhóm nghiên cứu ATF SG.
Báo cáo thường niên năm 2023 của ATF SG phác thảo những bước tiến của tài chính chuyển đổi ở các quốc gia trong khu vực châu Á. Với sự phát triển của các nguyên tắc phân loại ở châu Á, báo cáo mô tả các bước áp dụng các nguyên tắc phân loại trong các kịch bản giả định và nêu bật những thách thức thực tế mà các tổ chức tài chính phải đối mặt với các bên tham gia khác như: Ngân hàng phát triển, cơ quan tín dụng xuất khẩu, cơ quan công quyền tài chính và năng lượng.
Các nghiên cứu về quá trình nhà máy điện than loại bỏ dần than tại Indonesia trong bối cảnh hệ thống phân loại quốc gia không đề cập hay hướng dẫn việc loại bỏ than, hay các nghiên cứu về việc triển khai sản phẩm mới tài chính liên kết bền vững tại công ty phát điện của Thái Lan… đã giúp các tổ chức tài chính có định hướng triển khai tài chính chuyển đổi phù hợp tại từng quốc gia hay từng ngân hàng.
Việt Nam đang ở giai đoạn dự thảo quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. VietinBank kỳ vọng sau khi quy định này được phê duyệt, các kịch bản cho thị trường Việt Nam sẽ được đưa ra nghiên cứu và thảo luận tại ATF SG. Qua đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho thị trường tài chính chuyển đổi tại Việt Nam, đóng góp vào lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Xem Báo cáo thường niên Tài chính Chuyển đổi châu Á 2023 tại: https://www.enecho.meti.go.jp/category/others/aggpm/ATFSG_Annual_Report_2023.pdf
(*) Lưu ý: Các báo cáo của nhóm nghiên cứu Tài chính Chuyển đổi châu Á không mang tính ràng buộc. Các quyết định về việc áp dụng, tham khảo các hướng dẫn, khuyến nghị, kết quả nghiên cứu này do đối tượng sử dụng tự quyết định.