Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường độ hút tiền trong 2 phiên 12 và 13/10 thông qua chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả, mỗi phiên đều có 10-11 thành viên tham gia trúng thầu, tổng khối lượng là gần 40.000 tỷ đồng và lãi suất trúng thầu tăng mạnh từ 0,68% lên 0,9%.
LÃI SUẤT TÍN PHIẾU VÀ SỐ THÀNH VIÊN TRÚNG THẦU TĂNG MẠNH
Với khối lượng trúng thầu đạt gần 20.000 tỷ/phiên, đây là 2 phiên hút ròng qua tín phiếu mạnh nhất của nhà điều hành kể từ đầu tháng 10. Bên cạnh đó, lãi suất và số lượng thành viên trúng thầu cũng tăng mạnh cho thấy sự quyết liệt hơn của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cân đối các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Riêng trong tuần từ 9 đến 13/10, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 65.000 tỷ đồng, cao hơn 18.200 tỷ so với tuần trước.
Luỹ kế từ 21/9 tới 13/10, Ngân hàng Nhà nước có 17 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu với khối lượng đạt 205.700 tỷ đồng, qua đó hút ra khỏi hệ thống số tiền tương ứng.
Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/2023, chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD khá lớn (gần 5 điểm %) làm rấy lên lo ngại về việc các ngân hàng tăng mạnh nhu cầu nắm giữ đồng USD hơn đồng VND.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sử dụng kênh tín phiếu điều tiết bớt một lượng thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, qua đó giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD, hạn chế hoạt động đầu cơ trên thị trường.
Theo các chuyên gia, thông qua nghiệp vụ này, Ngân hàng Nhà nước có thể đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản trên hệ thống và điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng để cân đối áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất của các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân.
Sau khi bật tăng vào đầu tháng 10, lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh trở lại trong tuần qua.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 11/10 đã giảm về còn 0,37% từ mức 0,66% ghi nhận vào phiên trước đó (10/10) và 0,95% trong phiên 9/10 . So với mức cao điểm ghi nhận vào phiên 5/10 (1,32%), lãi suất qua đêm bình quân liên ngân hàng đã giảm tới gần 1 điểm %.
Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng giảm như: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1,55% xuống 0,9%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,89% xuống 1,4%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,9% xuống 1,75%.
GIÁ USD TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI LẤY LẠI ĐÀ TĂNG
Tuần từ 9 đến 13/10, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đồng USD) tăng 0,57 điểm so với tuần trước đó, lên 106,67 điểm.
Đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục được hỗ trợ bởi số liệu CPI của Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 9, làm gia tăng lo lắng về việc Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn thêm một thời gian.
Cụ thể, trong tháng 9/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ trong ngày 12/10. Hai con số này đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, lần lượt ở mức 0,3% và 3,6%.
Ở trong nước, tỷ giá trung tâm VND/ tăng nhẹ 3 đồng so với phiên 6/10, lên mức 24.077 đồng/USD trong phiên 13/10/2023. Ngân hàng Nhà nước giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23.400 đồng/USD. Trong khi đó, nhà điều hành tăng giá bán giao ngay 3 đồng/USD so với ngày 6/10, lên 25.230 đồng/USD.
Tuy nhiên, giá USD tại các ngân hàng đã leo lên mốc cao nhất kể từ đầu năm. Tại Vietcombank , tỷ giá tăng 65 đồng/USD ở cả 2 chiều, lên mức 24,245 đồng/USD (mua vào) và 24,615 đồng/USD (bán ra) trong phiên 13/10.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 850 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương tăng gần 3,6%.
Trên thị trường tự do, phiên 13/10, đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.570 – 24.620 VND/USD, giá mua và giá bán cùng tăng 70 đồng so với mức ghi nhận cuối tuần trước đó.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định một số yếu tố có thể hỗ trợ tích cực cho việc giảm đà tăng của tỷ giá đó là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút mạnh hơn nguồn kiều hối dịp cuối năm.
Ở khía cạnh khác, ông Huân cho rằng việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khán cũng chưa đến mức đáng quan ngại.
Theo thống kê của Chứng khoán TP Bank, khối ngoại trở lại duy trì đà bán ròng trong tháng 9/2023 với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 5,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đến nay lên con số gần 8 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2023, FDI thực hiện đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. FDI đăng ký mới đạt 10,23 tỷ USD, tăng 44%yoy.
“Tuy nhiên, cần tính đến các kịch bản biến động của tỷ giá để có các phương án ứng phó phù hợp. Trong cả năm nay, tỷ giá USD/VND tăng 5% là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh cần duy trì chính sách lãi suất tương đối thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sau đó, thị trường ngoại hối sẽ tự điều tiết theo cung cầu ngoại tệ khi có các yếu tố thuận lợi”, ông Huân nói.