Tờ hoá đơn vô lý
Bà Quách sống cùng con trai ở Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc. Cuộc sống của bà vốn vẫn rất yên bình cho đến năm 2018. Tháng 6 năm đó, bà đi đến điểm thu tiền nước để nộp tiền như mọi lần. Điều không ngờ là bà nhận được hoá đơn tiền nước 3 tháng của gia đình lên đến 180.000 NDT (Khoảng 615 triệu đồng).
Bà thực sự không tin vào mắt mình khi cầm tờ hoá đơn. Bởi gia đình chỉ có 2 mẹ con. Những tháng trước, hoá đơn tiền nước chỉ khoảng vài trăm ND. Nên việc tiền nước lên đến con số này là điều không thể tưởng tượng được. Đến chính nhân viên thu tiền cũng thắc mắc lý do hoá đơn tiền nước của gia đình bà bất ngờ tăng cao như vậy.
Thấy điểm bất thường, bà Quách từ chối nộp tiền. Ngay lập tức, bà đã gọi điện cho công ty cấp nước sạch (Trung Quốc) để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, nhân viên cho biết không có sai sót trong thông báo thanh toán. Thêm nữa, họ liên tục gọi điện cho bà để đôn đốc việc đóng tiền nước đúng hạn.
Tuy nhiên, bà Quách nhất quyết không nộp tiền bởi muốn rõ ràng trắng đen. Song do không chịu trả tiền theo đúng quy định, gia đình bà bị ngừng cấp nước. Điều này đã gây ra rắc rối không hề nhỏ cho cuộc sống của 2 mẹ con. Người phụ nữ này buộc phải mượn nước từ nhà hàng xóm.
1 rồi đến 2 tháng, cảm thấy việc này khá phiền phức, lại không nhận hướng giải quyết từ phía công ty nước sạch, bà đã kiện đơn vị này ra toà. Ngay khi nhận được thông tin, cảnh sát khu vực Hà Nam, Trung Quốc đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.
Nguyên nhân đến từ điều không ngờ
Đầu tiên, viên cảnh sát triệu tập người phụ trách đọc đồng hồ nước hàng tháng cho gia đình bà Quách. Bởi hoá đơn có sai sót rất có thể do đồng hồ nước gặp vấn đề.
Tuy nhiên, sau khi được người đại diện của cơ quan chức năng hỏi thông tin, người này khẳng định đồng hồ nước nhà bà Quách không bị hỏng. Thậm chí, nhân viên này đã quay lại để kiểm tra lần nữa sau khi thấy số đồng hồ nước của hộ gia đình tăng cao bất thường nhưng không tìm thấy sai sót nào. Vì vậy, trong trường hợp này, anh chỉ có thể báo cáo dữ liệu một cách trung thực cho công ty.
Cơ quan điều tra tiếp tục tìm gặp người quản lý để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, người này cũng không đưa ra được lời giải thích hợp lý mà chỉ thúc giục bà Quách thanh toán hoá đơn tiền nước.
Vì hoá đơn tiền nước là một khoản tiền rất lớn, vượt xa khả năng chi trả của người phụ nữ này. Bà chỉ có có thể bày tỏ nỗi oan của mình bằng cách ngồi nhà khóc lóc thảm thiết.
Để giúp bà Quách giải quyết vấn đề này đến cùng, viên cảnh sát một lần nữa tìm gặp người phụ trách đọc số đồng hồ nước hàng tháng để hỏi rõ nguyên nhân. Sau một hồi suy nghĩ, người này cho biết có thể đường ống nước của nhà bà Quách bị rò rỉ. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, gia đình bà vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền này. Bởi vì sau khi lắp đặt đồng hồ nước cho từng hộ gia đình, người sử dụng phải có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ và đường ống nước tránh khỏi sự hư hỏng. Nếu xảy ra hư hỏng, chi phí sửa chữa có thể do công ty cấp nước chịu nhưng tiền nước sẽ do người sử dụng phải thanh toán.
Để làm rõ nghi ngờ này, viên cảnh sát đã yêu cầu công ty nước hỗ trợ kiểm tra đường ống nước trong gia đình bà Quách. Trùng hợp là đường ống nước của gia đình bị rò rỉ đến 5 điểm.
Nếu theo đúng luật, gia đình vẫn phải thanh toán khoản tiền khổng lồ này. Tuy nhiên, viên cảnh sát nhận thấy hoàn cảnh bà Quách vô cùng khó khăn và không thể chi trả được. Người này đã đề xuất với công ty nước xem xét trường hợp này.
Để không làm khó bà Quách, công ty nước quyết định không thu khoản tiền nước 180.000 NDT. Thay vào đó, họ chia trung bình tiền nước 6 tháng gần nhất của bà Quách để xuất hoá đơn. Tất nhiên, bà sẵn sàng chấp nhận đề nghị này và nộp tiền theo đúng quy định. Cuối cùng sự việc cũng đi đến hồi kết, cả bà Quách và công ty cấp nước đều nhận được câu trả lời thoả đáng.
Theo 163