Ngày 24/7, tại phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh Thanh Hoá đánh giá kinh tế – xã hội tháng 7 tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, trong đó nông nghiệp phát triển bền vững. Tính đến ngày 12/7, toàn tỉnh đã gieo trồng 143.200 ha vụ Thu Mùa, đạt 88% kế hoạch năm.
Hoạt động trồng rừng tiếp tục được đẩy mạnh với 300 ha rừng tập trung, 100.000 cây phân tán; khai thác đạt 3.000 m3 gỗ, 1 triệu cây tre, luồng và 3.000 tấn giấy nguyên liệu. Chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát hiệu quả.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh này tiếp tục tăng trưởng khá. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 của Thanh Hoá tăng 17,05%, lũy kế 7 tháng tăng 15,17% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước trong tháng 7 ước đạt 4.273 tỷ đồng, đưa tổng thu 7 tháng lên 33.814 tỷ đồng, đạt 74,3% dự toán và bằng 99,9% cùng kỳ.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tính đến ngày 17/7, toàn tỉnh đã giải ngân 5.755 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch cả năm.
Trong tháng, Thanh Hoá thu hút thêm 15 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 953 tỷ đồng và 213,1 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá có 2.069 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 69% kế hoạch và tăng 7,54% so với cùng kỳ, xếp thứ 8 cả nước. Tổng vốn đăng ký ước đạt 18.375 tỷ đồng, tăng 19,4%; bình quân 8,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 11%.
Doanh nghiệp mới tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (733 doanh nghiệp, chiếm 35,4%), công nghiệp chế biến, chế tạo (14,3%), giáo dục và đào tạo (16,2%), xây dựng (13,1%). Trong số này, 94,5% có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Cùng thời gian, có 507 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,52%), nhiều nhất ở các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, xây dựng và chế biến chế tạo. Có 1.295 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 27,1%) và 412 doanh nghiệp giải thể (tăng 31,2%).

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ phát triển kinh tế – xã hội. Đáng chú ý, tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng và giá cả tăng cao đã làm chậm tiến độ nhiều công trình, dự án. Việc chuyển tiếp, bàn giao các dự án đầu tư công về cấp xã sau khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện vẫn chưa đảm bảo tiến độ.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng cao, khối lượng công việc hành chính ở cấp xã tăng nhanh, trong khi năng lực cán bộ chưa đồng đều, nhất là tại khu vực miền núi. Một số cán bộ, công chức chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong tham mưu, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp do ảnh hưởng bão số 3, các ngành và địa phương cần triển khai đồng bộ phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng cứu hộ, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, phải khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập, hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc để bảo đảm an toàn mùa mưa lũ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư thêm trạm bơm thoát nước cho các địa bàn thường xuyên ngập úng; yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-thu-ngan-sach-dat-gan-34-000-ty-dong.htm