Đường dây phân phối hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả
Cảnh sát tư pháp đặc biệt của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (cảnh sát thương hiệu) đã bắt giữ một nhóm liên quan đến việc phân phối mỹ phẩm giả, trang tin Chosun Biz đưa tin.
Ngày 19/06, cảnh sát thương hiệu Hàn Quốc cho biết họ đã chuyển hồ sơ bốn cá nhân, bao gồm một người họ A (42 tuổi), sang Viện kiểm sát với đề nghị truy tố vì vi phạm luật thương hiệu.
Theo cảnh sát thương hiệu, ông A bị tình nghi đã phân phối hơn 87.000 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo, được ngụy trang thành hàng nhập khẩu của các thương hiệu nổi tiếng quốc tế như SK-II, Kiehl’s và Estée Lauder, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024. Giá trị của các sản phẩm chính hãng tương đương khoảng 7,9 tỷ won (khoảng 150,3 tỷ đồng), và lợi nhuận bất chính mà nhóm nghi phạm thu được vào khoảng 2,1 tỷ won (gần 40 tỷ đồng).

Các sản phẩm mỹ phẩm giả bị tịch thu trong chiến dịch. (Ảnh: Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc)
Điều tra cho thấy nhóm này bán mỹ phẩm giả cho các nhà phân phối và đối tác kinh doanh tại gia. Ngay cả những nhà phân phối chuyên về mỹ phẩm cũng bị lừa, do sản phẩm giả được làm tinh vi đến mức rất khó phân biệt với hàng thật.
Cảnh sát thương hiệu phát hiện ra hành vi phạm tội trong quá trình các nhà phân phối chuẩn bị xuất khẩu những sản phẩm này ra nước ngoài. Cảnh sát đã thu giữ hơn 40.000 sản phẩm mỹ phẩm giả được cất giữ trong một kho hàng tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, chuẩn bị để giao cho các đối tác kinh doanh tại gia.
Nghi phạm A phụ trách hoạt động bán hàng ra nước ngoài và quản lý nhập khẩu, ông B (40 tuổi) chịu trách nhiệm về các giấy tờ liên quan đến nhập khẩu, trong khi ông C (43 tuổi) và ông D (38 tuổi) phụ trách phân phối trong nước – cho thấy đây là một tổ chức có sự phân công vai trò rõ ràng.

Sản phẩm giả được làm tinh vi đến mức rất khó phân biệt với hàng thật. (Ảnh: Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc)
Trong quá trình kiểm định các sản phẩm mỹ phẩm giả bị thu giữ, chủ sở hữu thương hiệu đã tiến hành phân tích và xác nhận rằng thành phần của các sản phẩm giả không giống với hàng chính hãng. Mặc dù không phát hiện ra chất gây hại trong các sản phẩm, nhưng các thành phần chính và dung tích đều thấp hơn tiêu chuẩn.
Cụ thể, sản phẩm làm giả thương hiệu SK-II không phát hiện ‘niacinamide’ – một thành phần chức năng chính có tác dụng làm trắng, còn sản phẩm làm giả thương hiệu Estée Lauder thì có dung tích trung bình thấp hơn mức ghi trên bao bì (50ml). Các sản phẩm giả mạo này được phân phối trên thị trường với giá chỉ bằng một phần ba giá gốc.
Xóa bỏ hàng giả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Sử dụng mỹ phẩm giả có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm kích ứng da, nhiễm trùng, dị ứng, và thậm chí là các bệnh lý nguy hiểm như ung thư da, rối loạn nội tiết, và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Ông Shin Sang-gon, Giám đốc Bộ phận Hợp tác Bảo vệ Sở hữu Công nghiệp của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc, đưa ra khuyến cáo: “Người tiêu dùng thông thường rất khó phân biệt giữa hàng thật và hàng giả đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như mỹ phẩm, do đó cần đặc biệt cẩn trọng khi mua các sản phẩm có giá thấp hơn giá thông thường, và nên mua từ các nhà bán lẻ chính thức.”
Ông cũng nhấn mạnh: “Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc sẽ tăng cường các cuộc điều tra có kế hoạch để xóa bỏ hàng giả – những thứ gây tổn hại lớn đến quyền lợi người tiêu dùng và đe dọa đến an toàn, sức khỏe cộng đồng.”
Theo Chosun Biz
Nguồn tin: https://cafef.vn/triet-pha-duong-day-phan-phoi-87000-my-pham-gia-thu-loi-bat-chinh-40-ty-dong-han-quoc-dua-ra-khuyen-cao-188250711221234541.chn