Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ là điều ai cũng mong muốn. Nhưng thực tế, có những món đồ nhìn ngoài thì sạch bong kin kít nhưng lại chính là ổ chứa vi khuẩn, nấm mốc và chất bẩn tích tụ theo thời gian. Nếu không vệ sinh đúng cách, chúng có thể gây ra hàng loạt rắc rối về sức khỏe cho cả gia đình.
Dưới đây là 8 thiết kế quen thuộc nhưng thường bị bỏ quên trong việc làm sạch.
1. Viền cao su của máy giặt
Phần viền cao su ở cửa máy giặt thường xuyên ẩm ướt và bám cặn bột giặt, là nơi nấm mốc, vi khuẩn phát triển cực nhanh. Nếu thấy có mùi hôi từ quần áo sau khi giặt, nhiều khả năng là từ khu vực này mà ra.
Cách xử lý: Mỗi tháng nên định kỳ vệ sinh viền sao cu của máy giặt. Bạn có thể thoa gel tẩy mốc chuyên dụng lên khu vực này rồi lau lại bằng khăn sạch.

2. Nút xả bồn cầu
Dù nhìn có vẻ sạch, nhưng nút xả bồn cầu lại là một trong những điểm dễ tích tụ vi khuẩn nhất trong nhà vệ sinh. Mỗi lần bạn nhấn xả, tia nước từ bồn cầu có thể bắn ngược lên, mang theo vi khuẩn và bám vào bề mặt nút nhấn. Thêm vào đó, khu vực này cũng thường bị bỏ quên khi vệ sinh, lâu ngày sẽ đóng bụi và mảng bẩn, đặc biệt là quanh viền nút và các khe hở nhỏ.
Cách xử lý: Nên đóng nắp bồn cầu trước khi nhấn xả để hạn chế vi khuẩn phát tán. Định kỳ lau kỹ khu vực nút xả bằng khăn sạch thấm dung dịch chứa cồn hoặc clo loãng, chú ý làm sạch cả các rãnh và viền nút để hạn chế vi khuẩn phát triển.

3. Màng lọc điều hòa
Khi điều hòa hoạt động thường xuyên, màng lọc sẽ nhanh chóng bám đầy bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc và lông thú. Nếu không được vệ sinh định kỳ, những hạt bụi siêu mịn này sẽ theo luồng gió phát tán vào không khí, làm tăng nguy cơ dị ứng, viêm mũi, thậm chí gây các bệnh về hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già.
Cách xử lý: Nên tháo màng lọc ra vệ sinh định kỳ hoặc ít nhất 2 lần vào đầu và cuối mùa nắng. Có thể dùng vòi nước xịt nhẹ để làm sạch, tránh dùng bàn chải cứng làm rách lưới lọc. Để khô hoàn toàn rồi mới lắp lại vào máy.

4. Rổ lọc rác trong bồn rửa
Chiếc rổ nhỏ dùng để lọc vụn thức ăn tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại là nơi tích tụ lượng lớn vi khuẩn, nấm mốc nếu không được làm sạch thường xuyên. Lâu ngày, đây còn có thể trở thành nam châm thu hút ruồi giấm, kiến và cả gián.
Cách xử lý: Mỗi tuần nên ngâm rổ lọc trong nước nóng pha loãng với dung dịch tẩy rửa để làm sạch cặn bẩn và mảng bám. Nếu xuất hiện mùi hôi hoặc lớp nhớt, hãy dùng muối hạt hoặc giấm trắng để chà rửa, giúp khử mùi và diệt khuẩn hiệu quả.
5. Thớt dùng thái thịt
Thớt dùng để thái/chặt thịt thường có nhiều vết rãnh sâu do lực dao tác động mạnh. Những khe nứt này dễ giữ lại mảnh vụn thịt sống, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn như E.coli hay Salmonella sinh sôi nếu không được làm sạch kỹ.
Cách xử lý:
– Sau mỗi lần sử dụng, hãy rửa thớt bằng nước lạnh để tránh làm protein bám dính, sau đó chà kỹ bằng muối hột để loại bỏ cặn bẩn và khử khuẩn.
– Nên dựng thớt theo chiều đứng ở nơi khô thoáng để tránh ẩm mốc.
– Tốt nhất nên tách riêng thớt dùng cho đồ sống và đồ chín để hạn chế lây nhiễm chéo.

6. Gia vị đã mở nhưng không bảo quản lạnh
Nhiều người có thói quen để các loại gia vị như tương cà, dầu hào, sốt ướp… ở nhiệt độ phòng sau khi mở nắp. Tuy tiện lợi, nhưng nếu để quá lâu, chúng rất dễ bị mốc và sản sinh aflatoxin – một loại độc tố có khả năng gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm vì không bị phân hủy bởi nhiệt khi nấu ăn.
Cách xử lý:
– Sau khi sử dụng, hãy lau sạch miệng chai để tránh cặn đọng gây mốc.
– Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đặc biệt với những loại sốt có thành phần đường, tinh bột hoặc nước ép thực vật.
– Ưu tiên mua chai nhỏ, dùng hết trong thời gian ngắn để tránh giảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

7. Bát ăn và khay nước của thú cưng
Nhiều người nuôi thú cưng không để ý đến việc vệ sinh bát ăn, khay nước của chó mèo. Tuy nhiên, nếu bạn sờ vào bề mặt bát mà thấy trơn nhớt thì đó không chỉ là nước miếng mà chính là lớp màng sinh học – nơi vi khuẩn và nấm tích tụ dày đặc. Khi thú cưng liếm hoặc ăn phải, chúng có nguy cơ cao mắc các bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là đường ruột.
Cách xử lý:
– Dùng nước nóng và nước rửa bát chuyên dụng cho thú cưng để làm sạch sau mỗi lần sử dụng.
– Rửa bát ít nhất từ 3 đến 4 lần mỗi tuần, tốt nhất là nên rửa hằng ngày để đảm bảo an toàn cho vật nuôi.
– Với khay nước, nên thay nước sạch thường xuyên, không để nước đọng quá lâu.

8. Gối cao su hoặc gối mút dùng quá lâu
Gối làm từ cao su hoặc mút xốp rất được ưa chuộng vì độ êm và khả năng nâng đỡ tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các loại gối này sẽ bị oxy hóa, bắt đầu mục vụn như bánh bông lan. Những mảnh vụn nhỏ, dù không nhìn thấy bằng mắt thường, vẫn có thể bị hít vào khi ngủ, gây kích ứng phổi hoặc ảnh hưởng đến đường hô hấp, đặc biệt với người có bệnh nền như viêm mũi dị ứng hay hen suyễn.
Cách xử lý:
– Kiểm tra định kỳ độ đàn hồi và tình trạng bề mặt gối.
– Nếu gối có dấu hiệu bị vỡ vụn, xẹp méo hoặc biến dạng, nên thay mới ngay.
– Trung bình, gối cao su và gối mút nên được thay sau mỗi 2 đến 3 năm để đảm bảo an toàn sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.

Theo Toutiao
Nguồn tin: https://cafef.vn/bac-si-vach-tran-8-o-vi-khuan-gay-benh-ngay-trong-nha-khuyen-moi-nguoi-tien-chung-di-ngay-188250711161951114.chn