Thất lạc món đồ đắt giá
Tháng 5 năm 2023, Chị Trần – một nhà thiết kế trang sức ở Thượng Hải, Trung Quốc đã tìm đến Đồn Cảnh sát La Nam thuộc Phân cục Công an Bảo Sơn (Thượng Hải) để cầu cứu. Chị cho biết gói hàng chứa trang sức đặt làm riêng trị giá khoảng 500.000 NDT (khoảng 1,8 tỷ đồng) của chị đã bị thất lạc trong quá trình vận chuyển.
Bên trong kiện hàng không chỉ có trang sức được gắn ngọc lục bảo được cắt từ khoáng thô, mà còn có một viên ngọc ốc giác quý hiếm vô cùng giá trị. Chị Trần chia sẻ, sản lượng ngọc ốc mỗi năm vô cùng hạn chế, toàn thế giới chỉ khai thác được vài chục viên, nên việc mất mát này là tổn thất vô cùng lớn đối với chị.

3 món trang sức thiết kế bị thất lạc. Ảnh: QQ
Do không có đủ chứng cứ chứng minh có người cố ý thực hiện hành vi trộm cắp, cảnh sát không thể tiếp tục can thiệp điều tra. Bên cạnh đó, chị Trần chỉ mua dịch vụ bảo hiểm hàng hoá với giá 200 NDT (khoảng 720.000 đồng), nên cuối cùng chị chỉ nhận được khoản bồi thường hơn 16.000 NDT (hơn 58 triệu đồng) từ công ty chuyển phát.
Bước ngoặt bất ngờ
Thế nhưng không ngờ, một năm sau, vụ việc lại bất ngờ rẽ sang một bước ngoặt đầy kịch tính. Trong lúc lướt mạng xã hội, chị Trần sững sờ khi phát hiện một blogger đã đăng tải hình ảnh chiếc nhẫn gắn ngọc lục bảo trông giống y đúc món trang sức quý giá mà chị đã từng bị mất trước đây.
Điều đáng lưu ý là chiếc nhẫn này do chính chị Trần thiết kế, cho nên từ hình dáng, trọng lượng carat, cho đến bản vẽ thiết kế và quy trình chế tác cuối cùng, tất cả đều mang dấu ấn cá nhân của chị, gần như không thể sao chép hay làm giả. Chính vì vậy, chị Trần tin chắc rằng đây chính là chiếc nhẫn mà mình đã mất hơn một năm trước.
Sau khi tiếp nhận manh mối, cảnh sát nhanh chóng liên hệ với người đăng tải thông tin và lần theo dấu vết mà người đó cung cấp, họ phát hiện chiếc nhẫn thực chất được một thương nhân kinh doanh trang sức ở Quảng Châu thu mua lại từ một tiệm cầm đồ ở Thượng Hải.

Lần theo từng manh mối, lực lượng chức năng đã xác định được tiệm cầm đồ đầu tiên thu nhận số trang sức này. Chủ tiệm cho biết, vào thời điểm đó, một người đàn ông ngoài 30 tuổi đến cầm cố 3 món trang sức, cho biết đây là di vật của mẹ để lại. Do người này không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, chủ tiệm yêu cầu anh ta ký giấy cam kết về xuất xứ tài sản và đánh dấu vào mục “quà tặng của người thân, bạn bè”. Sau khi giám định, tiệm đồng ý thu mua 2 chiếc nhẫn trong số đó, với tổng giá trị 10.000 NDT (tương đương 36 triệu đồng).
Cảnh sát kiểm tra giấy cầm đồ thì phát hiện một cái tên rất quen thuộc – Vương Kiệt. Đây chẳng phải chính là nhân viên giao nhận bưu phẩm của điểm giao hàng nơi chị Trần thường gửi đồ hay sao? Ngay sau đó, công an quận Bảo Sơn đã về quê của Vương Kiệt, tiến hành bắt giữ và áp giải đối tượng về quy án.
Vậy rốt cuộc, kiện hàng chứa số trang sức giá trị này đã rơi vào tay Vương Kiệt bằng cách nào?
Hóa ra, để tránh phải làm việc vất vả, Vương Kiệt thường cố tình đến kho lấy hàng muộn nhất. Bởi khi những người giao hàng khác đã lấy hết kiện hàng thuộc phạm vi của họ, phần còn lại đều chỉ còn của anh ta nữa thôi. Thế nhưng do đồng nghiệp trước đó sơ suất phân loại nhầm, kiện trang sức của chị Trần vốn không thuộc tuyến giao của Vương Kiệt lại vô tình rơi vào tay anh ta.
Thế nhưng Vương Kiệt vốn làm việc rất thiếu trách nhiệm. Anh ta chỉ liếc mắt thấy kiện hàng không thuộc khu vực mình phụ trách, hơn nữa hộp đựng trông to mà nhẹ, trông chẳng giống đồ giá trị gì, cho nên anh ta đã tiện tay vứt luôn ra bãi đất trống chuyên chất đống bưu kiện tồn cạnh văn phòng ban quản lý tòa nhà.

Ảnh minh họa
Nào ngờ hơn 20 ngày sau, Vương Kiệt tình cờ nhìn thấy lại chiếc hộp đó, tim anh ta suýt nhảy ra khỏi lồng ngực. Bởi vì trước đó trong nhóm chat của các nhân viên giao hàng, tin tức về việc một kiện hàng giá trị rất lớn bị thất lạc đã lan truyền chóng mặt. Mọi người còn bàn tán rằng nếu ai bị phát hiện lén lấy trộm, chắc chắn sẽ phải đối mặt mức án tù ít nhất mười năm.
Nhìn chằm chằm vào kiện hàng trước mặt, Vương Kiệt vừa muốn trốn tránh trách nhiệm, vừa nảy sinh lòng tham. Để giải quyết dứt điểm mối phiền phức này, anh ta đã đem toàn bộ số trang sức đi cầm cố và nhận về 10.000 NDT (36 triệu đồng).
Cơ quan công an cho biết, thực tế trước đó Vương Kiệt vẫn còn cơ hội để sửa sai. Sau khi cầm cố, thì người bán vẫn có thể chuộc lại tài sản trong vòng một tháng. Nếu trong khoảng thời gian đó, Vương Kiệt kịp thời tỉnh ngộ, mang tiền chuộc và hoàn trả trang sức lại cho chủ nhân thì mọi chuyện đã không đi xa đến mức này. Thế nhưng cuối cùng anh ta đã không làm vậy.
Đến thời điểm hiện tại, đối tượng Vương Kiệt đã bị cơ quan công an áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, sau khi thương lượng, Vương Kiệt còn buộc phải bồi thường cho chị Trần số tiền 250.000 NDT (khoảng 900 triệu đồng), tương đương giá vốn của toàn bộ số trang sức đã bị chiếm đoạt.
Theo QQ
Nguồn tin: https://cafef.vn/ntk-gui-trang-suc-18-ty-dong-qua-shipper-nhung-that-lac-cong-ty-van-chuyen-chi-den-56-trieu-dong-1-nam-sau-sung-so-phat-hien-danh-tinh-thu-pham-188250709101722236.chn