Ông Lý là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sinh sống tại Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc). Những năm đầu lập nghiệp, ông đi lại thường xuyên, mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để tiện gửi tiền theo từng địa phương. Tuy nhiên, khi công việc ngày càng ổn định và công ty ngày càng mở rộng, ông quyết định gom toàn bộ tiền tiết kiệm về một mối để tiện quản lý.
Lúc đó, lựa chọn của ông là Ngân hàng Bình Đỉnh Sơn – một chi nhánh ngân hàng nhỏ gần nhà mẹ ông. Nghe lời mẹ khuyên “gửi gần cho tiện, ngân hàng nhỏ nhưng nhân viên niềm nở, không làm khó dễ như ngân hàng lớn”, ông Lý gật đầu đồng ý.
Trong suốt thời gian dài, ông lần lượt gửi vào đây nhiều khoản lớn, gồm cả tiền mặt lẫn chuyển khoản, tất cả đều dưới hình thức tài khoản vãng lai – cho phép rút bất cứ khi nào có nhu cầu. Đến năm 2020, tổng số tiền ông gửi tại đây đã lên tới 80 triệu nhân dân tệ (hơn 290 tỷ đồng).

Người đàn ông đã gửi vào ngân hàng một khoản tiền lớn trong suốt 20 năm.
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của thị trường, chuỗi vốn của công ty ông Lý bắt đầu trục trặc. Nhận thấy cần bổ sung gấp dòng tiền để duy trì hoạt động, ông quyết định rút toàn bộ khoản tiết kiệm 80 triệu tại Ngân hàng Bình Đỉnh Sơn.
Thế nhưng, cú sốc đầu tiên ập tới khi nhân viên ngân hàng từ chối yêu cầu rút tiền với lý do: “Số tiền quá lớn, cần làm đơn hẹn trước từ 1 đến 3 ngày làm việc để xin cấp trên phê duyệt”.
Dù khó hiểu, ông Lý vẫn đồng ý. Ông đặt lịch, chờ đợi đúng quy trình. Nhưng đến ngày thứ ba, ngân hàng vẫn lắc đầu. Lý do lần này là “giấy phê duyệt chưa được cấp”.
Tình hình công ty ngày càng căng thẳng. Nhân viên liên tục gọi điện thúc giục ông nhanh chóng xoay vốn. Trong khi đó, ngân hàng vẫn tiếp tục im lặng. Khi ông quay lại yêu cầu rút tiền lần nữa, họ chỉ đồng ý tạm thời cho rút 10 triệu nhân dân tệ (hơn 36 tỷ đồng), số còn lại… chờ tiếp.
“Lúc gửi, không ai hỏi hay cản tôi. Giờ rút lại bắt hẹn, rồi trì hoãn, rồi chỉ được rút một phần. Tiền của tôi, giờ lại phải đi xin?” – ông Lý bức xúc chia sẻ.


Nam doanh nhân bức xúc vì ngân hàng từ chối cho mình rút tiền.
Không thể chịu thêm được nữa, ông Lý tìm đến một cơ quan truyền thông địa phương. Sau khi nghe ông trình bày, phóng viên đồng tình rằng: hành vi của ngân hàng đã vi phạm quyền cơ bản của người gửi tiền.
Họ cùng ông quay lại ngân hàng. Lần này, sự có mặt của máy quay, micro và phóng viên khiến tình hình lập tức chuyển biến.
Ngân hàng mời ông vào phòng VIP, đóng cửa, thay đổi người tiếp chuyện. Nhưng lời giải thích vẫn như cũ: “Cuối tháng là thời điểm đánh giá hiệu quả hoạt động. Rút số tiền lớn lúc này sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu nội bộ, nên không thể xử lý được”.
Đến đây, ông Lý thẳng thắn chỉ rõ: “Chẳng phải ngân hàng đang cố giữ tiền vì sợ ảnh hưởng lương, thưởng của nhân viên hay sao? Đây là tiền của tôi, không phải tiền ngân hàng”.
Trước áp lực từ truyền thông và sự kiên quyết của ông Lý, chủ tịch chi nhánh Ngân hàng Bình Đỉnh Sơn tại Trịnh Châu đã phải có mặt. Tại cuộc gặp, ông thừa nhận sự việc là sơ suất của ngân hàng, đồng thời cam kết sẽ hoàn tất việc rút toàn bộ 80 triệu nhân dân tệ cho ông Lý trước 10 giờ sáng hôm sau.


Trước áp lực của dư luận, ngân hàng đã phải nhanh chóng hoàn tất việc rút tiền.
Sáng hôm sau, ông Lý vui mừng gọi điện báo tin: “Tôi đã rút được toàn bộ tiền. Cuối cùng cũng xong”.
Sự việc của ông Lý là ví dụ điển hình cho rủi ro khi gửi tiền vào ngân hàng mà không cân nhắc kỹ về độ uy tín và khả năng thanh khoản. Ngân hàng nhỏ có thể có lãi suất cao hơn, dịch vụ thân thiện hơn, nhưng không phải lúc nào cũng xử lý linh hoạt được các tình huống “cấp cứu”.
Giả sử hôm đó ông Lý không cần tiền để xoay vốn, mà cần để đưa người thân đi cấp cứu? Liệu ngân hàng có tiếp tục “xin chờ vài ngày”?
Theo Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/doanh-nhan-soc-nang-khi-gui-290-ty-vao-ngan-hang-suot-20-nam-den-luc-rut-lai-bi-tu-choi-tien-cua-toi-gio-lai-phai-di-xin-188250706151434684.chn