Được kỳ vọng là điểm sáng của dòng phim khoa học viễn tưởng (sci-fi) trong năm, Arrival lại gây thất vọng vì đã làm méo mó nguyên tác của nhà văn tài năng Ted Chiang.
Dù giành đến tám đề cử Oscar, bao gồm cả giải Phim chuyển thể xuất sắc nhất, Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn) vẫn không tránh khỏi “lời nguyền” rằng phim chuyển thể làm tầm thường hoá nội dung và thông điệp của truyện/tiểu thuyết gốc. Tác phẩm chuyển thể của nó – truyện ngắn Story of Your Life (tạm dịch: Câu chuyện cuộc đời con) là một hiện tượng trong giới văn học với giải Nebula cho Truyện ngắn xuất sắc nhất.
Truyện kể về hành trình của tiến sĩ ngôn ngữ học Louise Banks và người đồng hành của cô, tiến sĩ vật lý Gary Donnelly (tên trong phim: Ian) trong công cuộc tìm hiểu mục đích chuyến viếng thăm Trái Đất bất ngờ của người ngoài hành tinh Heptapod. Thông qua việc học và nghiên cứu ngôn ngữ viết của chúng, Louise đã có khả năng nhìn thấy tương lai. Trong bối cảnh ấy, tác giả Ted Chiang đã đặt nhân vật của mình vào một lựa chọn lớn: thay đổi hay giữ nguyên tương lai của mình.
Yếu tố đầu tiên dẫn đến thất bại của Arrival chính là sự thêm thắt màu sắc chính trị. Trong phim, do sinh vật ngoài hành tinh Heptapod hạ cánh mười hai phi thuyền tại mười hai địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, mỗi nước có phần lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ cử một đội chuyên gia riêng để giao tiếp với chúng. Sự hợp tác đa quốc gia này dẫn đến một hậu quả tất yếu: xung đột xảy ra do sự khác biệt về quan điểm và cách tiếp cận.
Không có gì ngạc nhiên khi bộ phim Hollywood này sa đà vào việc tuyên truyền vai trò học thức và nhân đạo của Mỹ trên chính trường quốc tế trong khi xây dựng hình ảnh Nga và Trung Quốc như những kẻ nóng vội và hiếu chiến. Trong khi đó, tác giả Ted Chiang không hề đả động đến chính trị thế giới trong truyện của mình. Vô hình chung, việc đan xen yếu tố này không những không hợp lý hoá câu chuyện trong bối cảnh toàn cầu mà còn đánh đồng Arrival với hàng loạt những phim có đề tài người ngoài hành tinh khác bằng câu chuyện cuộc chiến giữa các quốc gia, mà trong đó người Mỹ chắc chắn là anh hùng của nhân loại.
Trái với việc tập trung vào những toan tính quốc gia ích kỷ trên, truyện ngắn nhấn mạnh vào một thông điệp nhân sinh sâu sắc: Nếu nhìn thấy tương lai, bạn có lựa chọn thay đổi nó hay không? Trong nguyên tác, câu chuyện về sự ghé thăm của Heptapod chỉ là hoán dụ cho lý thuyết về thời gian phi tuyến tính [1] và cũng chính là cơ hội để Louise gặp người chồng tương lai – người đồng đội của cô. Vì vậy, cuộc hội ngộ với những-kẻ-quan-sát Heptapod chỉ có nhiệm vụ làm nổi bật tính quyết đoán và tầm quan trọng trong lựa chọn của Louise đối với cuộc đời mình.
Tuy nhiên, biên kịch Eric Heisserer đã làm lệch trọng tâm của kịch bản khi biến mục đích cuộc viếng thăm thành một nhiệm vụ mang tính sống còn đối với giống loài Heptapod 3000 năm sau. Do đó, trong hầu hết thời lượng phim người xem bị nhồi nhét thông điệp tẻ nhạt về sự đoàn kết giữa các dân tộc cùng chủ nghĩa anh hùng cũ rích, nhưng chỉ tới cuối phim mới có chút hình dung lờ mờ về câu hỏi và quyết định của Louise – điểm sáng tạo đã làm nên thành công của nguyên tác.
Cảm nhận của một số khán giả sau khi xem Arrival là mạch phim rời rạc, và đây chính là vấn đề mấu chốt của bộ phim. Ngoài thông điệp mạnh mẽ về sự lựa chọn, truyện ngắn còn đào thêm một tầng sâu ý nghĩa với thông điệp “Không nhất thiết phải có lý do cho mọi việc.” Đối lập với tình tiết trong phim rằng Ian và Louise ly hôn chính bởi khả năng nhìn trước tương lai của cô, việc chia tay của hai nhân vật trong truyện diễn ra tự nhiên như câu chuyện của mọi cặp đôi bình thường khác. Bằng cách gán cho nó một lý do gượng ép với mọi nỗ lực móc nối các chi tiết, đạo diễn Denis Villeneuve đã không những nông cạn hoá nhân sinh quan của tiến sĩ Banks mà còn làm phim thêm rườm rà và khó hiểu.
Ngoài ra, Arrival mắc một lỗi logic vô cùng lớn. Trong truyện, chính Gary dưới vai trò của nhà vật lý học đã phát hiện ra góc nhìn về thời gian phi tuyến tính của Heptapod qua cách chúng hiểu về sự khúc xạ ánh sáng, và trên nền tảng đó Louise đã giải mã được ngôn ngữ viết Heptapod B. Tuy nhiên, vai trò của Ian trong phim bị đẩy xuống mức gần như phụ tá của Louise, dẫn đến việc tự khám phá của cô trở nên không hợp lý vì khái niệm thời gian phi tuyến tính là khái niệm vật lý. Hơn nữa, việc này khiến cho mối quan hệ lãng mạn giữa hai người trở nên không tự nhiên, bởi trong phim không có nhiều phân đoạn hội thoại để phát triển mối quan hệ này.
Tóm lại, Arrival đáng lẽ đã có thể thành công hơn và gây dấu ấn hơn nếu tuân theo nguyên tác và không thêm thắt những chi tiết chính trị hời hợt và giải thích thừa thãi. Bằng cách cố gắng đáp ứng kỳ vọng của thị trường về một bộ phim về người ngoài hành tinh đúng chuẩn giải trí Hollywood nhàn nhạt, đạo diễn Villeneuve đã làm biến chất ý tưởng đột phá của nhà văn Ted Chiang bằng cách đẩy con người vào những toan tính chính trị hẹp hòi và cuộc chơi vũ trụ, thay vì coi nhân vật của mình và nỗi dằn vặt của họ là trung tâm của những đổi thay mang tính quyết định nhất. Arrival vẫn là một bộ phim đáng xem, nhưng nếu là không phải là một khán giả xem phim giải trí đơn thuần, tôi chân thành khuyên bạn nên tìm đọc truyện ngắn Stories of Your Life.
[1] Thông thường, thời gian là một đường thẳng trong đó quá khứ xảy ra trước và tương lai xảy ra sau hiện tại. Tuy nhiên, trong lý thuyết thời gian phi tuyến tính, cả ba đại lượng này diễn ra đồng thời. Điều này giải thích vì sao Louise nhìn thấy tương lai, bởi vì trong suy nghĩ của cô tương lai đang đồng thời tồn tại với hiện tại.
Trang Sâu
Trạm Đọc