Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói lao động mức lương 10 triệu đồng, phải lo điện nước, sinh hoạt, học tập và y tế cho con cái nên “khó mơ” sở hữu nhà xã hội.
Thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển nhà xã hội ngày 24/5, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) nói người lao động ai cũng ước mơ có mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc.
Tuy nhiên nhìn vào thị trường bất động sản và mức tiền lương cũng như chi phí tiêu dùng tăng liên tục thì hy vọng sở hữu nhà xã hội đối với họ rất xa vời. “Luật Nhà ở đã ban hành chính sách, nhưng với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, cộng với tiền ăn, tiền học cho con, viện phí, điện nước, tiền thuê nhà, việc được tiếp cận nhà ở xã hội là ngoài tầm với”, bà Trân nói.
Cùng với đó, tiêu chí, quy trình, thủ tục được xét duyệt đưa ra không dành cho những người có mức thu nhập thấp. Bà Trân nói nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Trân kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ thiết thực như trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia, đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động. Cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo từng khu vực.
Nữ đại biểu kiến nghị phân biệt giữa các vùng có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau. Trong đó, dự thảo cần phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao, trung bình, thấp theo mật độ dân số để phân bổ nguồn lực quỹ phù hợp, tránh dàn trải.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội, dự đoán sau khi hoàn thành sáp nhập tỉnh thành, nhu cầu nhà ở xã hội lại tăng lên. Tuy nhiên, do phần cung hạn chế nên giá nhà ở vẫn quá cao so với thu nhập của người thuộc diện được mua nhà ở xã hội.
“25 triệu một m2 với người thu nhập thấp từ 15 hoặc dưới 15 triệu là rất khó. Hay giá thuê nhà hiện nay cao nhất là lên mức 200.000 đồng/m2 thì một nhà 30 m2 phải 6 triệu/tháng”, ông Hạ nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đại biểu Hạ, người cần nhà ở xã hội chủ yếu là lao động trẻ vừa mới ra trường. Lương thấp, nghề nghiệp công việc bấp bênh họ rất khó khăn tiếp cận. Vì vậy, cần tăng cường xây dựng các dự án nhà xã hội cho thuê. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động thực sự tiếp cận nhà cho thuê với giá phù hợp.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, cũng đồng tình giá bán và giá thuê nhà ở xã hội chưa thực sự hợp lý. Pháp luật quy định không tính tiền sử dụng đất vào giá bán nhà ở xã hội nhưng trên thực tế giá bán vẫn cao, không phù hợp với thu nhập của nhiều người lao động. Mà nguyên nhân, theo đại biểu là cơ chế kiểm soát giá thiếu hiệu quả.
Ví dụ, nhà ở xã hội tại một số đô thị lớn giá gần 25 triệu đồng mỗi m2, cao hơn khả năng chi trả của đa số người lao động. Việc kiểm soát chuyển nhượng nhà ở xã hội còn lỏng lẻo, một số kẽ hở trong thời hạn và điều kiện chuyển nhượng đã để nảy sinh tình trạng trục lợi chính sách, đầu cơ nhà ở xã hội tinh vi. Bên cạnh đó, báo cáo của Kiểm toán nhà nước năm 2022 cũng chỉ ra có dấu hiệu gộp khống chi phí vào giá nhà ở xã hội tại một số địa phương.
Đại biểu Bình đề nghị dự thảo bổ sung cơ chế minh bạch hóa quy trình xác định giá, tăng cường giám sát độc lập để đảm bảo đúng chi phí đầu tư và đúng đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, cần bắt buộc công khai chi tiết phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư và người lao động trước khi phê duyệt.
Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vào 29/6, ngày cuối cùng của kỳ họp.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gia-nha-xa-hoi-thap-van-vuot-qua-kha-nang-cua-nguoi-lao-dong-4890066.html