Một nghiên cứu mới vừa tiết lộ một sự thật bất ngờ: 26 loài vi khuẩn “cực đoan” hoàn toàn mới đã được phát hiện trong phòng sạch (hay phòng vô trùng) – nơi từng chứa tàu đổ bộ Phoenix của NASA trước khi nó được phóng lên sao Hỏa vào năm 2007. Những sinh vật siêu bền bỉ này có thể chịu đựng môi trường khắc nghiệt đến mức có khả năng sống sót trong điều kiện chân không ngoài không gian.
Phòng sạch tại Cơ sở Xử lý Tải trọng Nguy hiểm (Payload Hazardous Servicing Facility) thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy – nơi Phoenix được cách ly trước khi rời Trái Đất – vốn được thiết kế để ngăn ngừa mọi nguy cơ nhiễm khuẩn. Không gian này được khử trùng liên tục, duy trì áp suất dương, sử dụng hệ thống lọc không khí loại bỏ tới 99,97% hạt bụi trong không khí. Bất kỳ ai ra vào cũng phải mặc “bunny suit” và trải qua quy trình tắm khí để đảm bảo vô trùng tối đa.

Tàu thăm dò Sao Hỏa đang được lắp ráp trong phòng thí nghiệm
Tuy nhiên, các biện pháp này không hoàn toàn loại bỏ được mọi dạng sống. Khi các nhà khoa học phân tích lại mẫu DNA thu thập được trước, trong và sau khi Phoenix lưu lại phòng sạch, họ phát hiện ra hàng chục loài vi khuẩn chưa từng được biết đến – đặc biệt có 26 loài mang đặc điểm sinh tồn cực đoan, bao gồm khả năng chống lại bức xạ, nhiệt độ cao/thấp, áp suất khắc nghiệt và các hóa chất độc hại. Một số loài sở hữu gen sửa chữa DNA, giải độc tế bào và thậm chí có thể tồn tại trong điều kiện chân không ngoài không gian.
Kết quả nghiên cứu được công bố ngày 12/5 trên tạp chí Microbiome.
“Chúng tôi muốn đánh giá nguy cơ vi sinh vật cực đoan có thể bị đưa ra ngoài vũ trụ trong các sứ mệnh không gian, cũng như xác định xem loài nào có thể sống sót trong điều kiện đó,” nhà vi sinh học Alexandre Rosado, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học KAUST (Ả Rập Xê Út), cho biết. “Nỗ lực này cực kỳ quan trọng để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm sinh học ngoài ý muốn trong hành trình khám phá các hành tinh khác.”
Theo nhóm nghiên cứu, số loài mới phát hiện chiếm gần 25% tổng số vi sinh vật được tìm thấy trong phòng sạch, và phần lớn còn lại cũng mang đặc điểm “cực đoan”. Điều này cho thấy môi trường phòng sạch – tưởng chừng vô trùng – thực tế lại là “điểm nóng” cho việc phát hiện các dạng sống siêu bền bỉ.
Khám phá này không chỉ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về nguy cơ lây nhiễm vi sinh ngoài Trái Đất, mà còn mở ra những cơ hội to lớn cho nghiên cứu sinh học, công nghệ sinh học và y học. Nhiều loài trong số này có khả năng tạo ra biofilm – vật liệu sinh học có ứng dụng tiềm năng trong bảo quản thực phẩm, y học tái tạo và sản xuất vật liệu sinh học trong môi trường khắc nghiệt.
“Chúng tôi đang dần hé lộ bí mật về những vi sinh vật có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt nhất của không gian – những sinh vật có thể làm thay đổi cả ngành khoa học sự sống, kỹ thuật sinh học và khám phá liên hành tinh,” tiến sĩ Kasthuri Venkateswaran, đồng tác giả và cựu chuyên gia cao cấp tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, chia sẻ.
Anh Việt
Nguồn tin: https://genk.vn/tai-sao-phong-vo-trung-cua-nasa-van-khong-ngan-duoc-26-loai-vi-khuan-sieu-ben-an-minh-quanh-tau-do-bo-sao-hoa-20250523083559803.chn