Thursday, 22 May 2025
Subscribe
Cafe Bệt
  • 🔥
  • Doanh Nghiệp
  • Công Nghệ
  • Thể Thao
  • Thời Sự
  • Người Nổi Tiếng
  • Đời Sống
  • Sức Khỏe
  • Tài Chính
  • Bất Động Sản
  • Xe
Font ResizerAa
Cafe BệtCafe Bệt
Search
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2022 Foxiz News Network. Ruby Design Company. All Rights Reserved.
Cafe Bệt > Blog > Góc Nhìn > Nói về sự bền vững
Góc Nhìn

Nói về sự bền vững

Last updated: 22/05/2025 1:55 am
VnExpress
Share
SHARE

Hai năm qua, tại một vài cánh đồng ở Đồng Tháp và An Giang, nhiều nông hộ họp nhau lại và ra thống nhất: họ sẽ không đánh cá trong mùa lũ nữa.

Họ hùn tiền, hùn công, quây phần ruộng của mình lại bằng lưới. “Khi lũ về thì mình mới dụ con cá con vô, chờ cho nó lớn rồi mình mới bắt”, ông Sáu Bé nói với tôi. “Lợi nhuận thì cũng không có bao nhiêu nhưng được cái là nó bền vững”.

Đó gọi là “Mô hình trữ cá mùa lũ”. Ngoài việc quây cá con trong tự nhiên lại chờ lớn, người nông dân còn thả thêm cá xuống những chiếc ao thiên tạo khổng lồ này. Họ nhận thức được rằng nguồn thủy sản tự nhiên từ thượng nguồn về đang cạn kiệt. Tiếp tục đánh bắt tự do ngay khi nước về, chính họ sẽ tận diệt sinh thái. Ngoài việc tăng thu nhập, việc trữ cá còn cải thiện chất lượng đất, phân thải của cá trở thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa sau đó (khi nước lũ rút) sinh trưởng tốt hơn, giảm phụ thuộc vào phân bón.

Ông Sáu Bé, cũng như mọi thành viên tổ trữ cá mùa lũ tôi gặp, có dáng điệu điển hình của một nông dân miền Tây. Cái áo sơ mi cũ không rõ màu, gương mặt đen sạm, giọng nói chậm, ngại ngùng trước ống kính, ngập ngừng tìm kiếm trong vốn từ của mình một câu (ngắn) thật chỉn chu. Và ông nói với tôi về “phát triển bền vững”.

Lợi nhuận đúng là không có bao nhiêu. Ở ấp Giồng Bàng, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, mỗi nông hộ, sau một mùa lũ lao động, từ công giăng lưới trữ cá, công bảo vệ vùng nuôi, chia nhau được khoảng một triệu rưỡi.

Bạn phải nhập vai vào tôi lúc đó. Tôi huy động một ê kíp long trọng từ Hà Nội và Sài Gòn, những tay máy sừng sỏ vào miền Tây để làm phim tài liệu về mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên xe xuống ấp, tôi hiệu triệu anh em: xuống đến nơi anh em tìm ngay cho tôi các nhà nào có TV mới, tủ lạnh mới, xe máy mới ngay nhé. Tôi tư duy như một tay viết kịch bản lười nhác. Nông dân + Mô hình sinh kế mới = TV, tủ lạnh, điều hòa. Hết công thức.

Tôi ngồi nói chuyện với ông Sáu Bé nửa tiếng, để cố đi tìm các biểu hiện của sự cải thiện vật chất. Không có. Một triệu rưỡi một mùa lũ thì ngay cả ở miền Tây này cũng không phải là nhiều. Chết rồi, bây giờ làm thế nào để chứng minh động cơ của những người nông dân này và “truyền cảm hứng” bây giờ. Chết rồi, sao ông nông dân lại nói với tôi về “phát triển bền vững”. Chuyện này chỉ có lý khi nó được nói ra bởi các chuyên gia Tây ở Hà Nội và TP HCM thôi chứ. Bảo động lực của người nông dân này khi thay đổi mô hình là “phát triển bền vững” nghe nó cứ không hợp văn cảnh kiểu gì. Mang xuống một đống máy quay kia mà không có cái tủ lạnh mới nào à?

Tôi thấy tôi tồi tệ thật, với cái cuộc tìm kiếm TV tủ lạnh theo thói quen đó. Tôi thật xấu hổ, khi nghĩ rằng cứ phải lợi ích vật chất hiển hiện, ngắn hạn thì mới thuyết phục được người nông dân. Thực tế là họ đã làm. Và thực tế, là họ làm điều đó vì sự phát triển bền vững: ở khắp các vùng quê, tôi nghe người nông dân kể về sự thoái hóa đất đai, về sự đi xuống của hệ sinh thái bằng ngôn ngữ chất phác của mình. Bằng sự gắn bó với cánh đồng mấy mươi năm, họ nhận thức rõ hơn ai hết về quá khứ, về tương lai, về lợi ích của thế hệ trước và thế hệ sau trên những mảnh đất này. Họ có đầy đủ tư cách nói về “phát triển bền vững”. Và hơn tất cả, họ hành động.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh P4G tháng trước tại Hà Nội, Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm “Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững”. Sự thịnh vượng của dân tộc, theo khẳng định của Tổng Bí thư, phải dựa trên nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”.

Tại sao chúng ta cần nhấn mạnh nguyên tắc này? Nó thường xuyên bị đe dọa về mặt lý thuyết, nếu ta đuổi theo tốc độ tăng trưởng. Đơn cử, trong khu vực tư nhân, mô hình công ty cổ phần được sinh ra để theo đuổi lợi nhuận. Đó là nghĩa vụ của mô hình này với xã hội, qua đó tạo việc làm và đóng thuế. Một vị CEO làm thuê cho cổ đông và có hai trách nhiệm quan trọng nhất: tăng giá trị cổ phiếu và tối ưu hóa lợi nhuận. Mọi nghĩa vụ khác đều kém ưu tiên so với quyền lợi cổ đông. Đó là nguyên tắc sòng phẳng, không thể và không nên thay đổi (vì nó sẽ làm méo mó những sự ưu việt khác của mô hình này, như khả năng tối ưu các quy trình sản xuất, kinh doanh, hay khả năng sáng tạo).

Trách nhiệm của họ với xã hội chỉ có thể được điều chỉnh thông qua quy định luật pháp. Nói như nhà kinh tế học Ha Joon-chang, “Thứ tốt cho General Motors chưa chắc đã tốt cho nước Mỹ”. Ông chỉ ra ba xung đột cơ bản: Quyền lợi của một công ty tư nhân không nhất thiết là quyền lợi của quốc gia; Quyền lợi của cổ đông chưa chắc là quyền lợi của các bên liên quan khác, như người lao động hay nhà cung cấp; Và cuối cùng, quyền lợi ngắn hạn của một công ty thậm chí có thể gây hại lâu dài cho chính công ty đó. Ha Joon-chang thậm chí tin rằng nhiều quy định pháp luật, rào cản kỹ thuật trong kinh doanh là để bảo vệ tương lai của chính các công ty tư nhân, chứ không chỉ bảo vệ xã hội.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nhiều thập niên đã chịu nhiều thiệt thòi về mặt chính sách. Tôi thuộc về một thế hệ trẻ, mà nếu phải xem phim cũ, như Hà Nội mùa chim làm tổ chẳng hạn, sẽ thấy rất khó chịu khi người đi buôn bán trong mấy phim thời đó bị kỳ thị (bị gọi là “phe phẩy”, “con buôn”). Giá trị của khu vực tư nhân là không thể phủ nhận nữa. Thế hệ chúng tôi ngày nay, thông qua thị trường chứng khoán và thị trường vốn tư nhân, đầu tư vào khu vực này theo mọi cách.

Nay, khi đặt khu vực kinh tế tư nhân lại làm trọng tâm cho nền kinh tế, với tôi là một lẽ công bằng. Nhưng tôi phát hiện ra một thiểu số doanh nghiệp và trí thức đang diễn dịch đường lối của Đảng và Chính phủ một chiều: khuyến khích sự phát triển nhanh của kinh tế tư nhân. Thực chất, trong Nghị quyết 68, không có một chỗ nào chữ “nhanh” không đi với “bền vững”. Chữ “bền vững” được lặp lại 7 lần trong Nghị quyết. Hai nhiệm vụ khác nhau. “Phát triển nhanh và bền vững” khác với “phát triển nhanh”. Nó giống như trong thể thao, “Vô địch” khác với “Vô địch bằng thực lực vậy” – Juventus có thể vô địch Serie A bao nhiêu lần bằng doping cũng vô nghĩa.

Những lời tuyên bố và hứa hẹn (kèm theo ngân sách quảng cáo), rằng một công ty đang thực sự vì tương lai dân tộc hoặc không vì lợi nhuận, cũng đáng quý. Nhưng đó đều là những điều cần cam kết bằng văn bản, bằng quy định.

Thoạt nghe có vẻ hơi vô lý, khi tôi tin ông nông dân hơn các thiết chế kinh tế khi nói về “phát triển bền vững”, “không phải vì lợi nhuận”. Nhưng ở câu chuyện đầu tiên, có một ông già miền Tây đang nghĩ về những đứa con, đứa cháu sẽ thừa hưởng mảnh ruộng đang cằn đi của mình. “Nghĩ cho con cháu sau này” gần như là một sứ mệnh được quy định của người đàn ông khắc khổ đó. Với doanh nghiệp, sứ mệnh đó chắc chắn phải là “nghĩ cho cổ đông hiện tại”.

Thực lòng, tôi cũng rất muốn tin các doanh nghiệp tư nhân khi họ nói về những mục tiêu bền vững, mục tiêu cộng đồng. Nhưng điều đó sẽ phải được thực thi thông qua một cuộc trường chinh pháp lý và quy định, chứ không thể là lời tuyên bố. Ngay cả bà con miền Tây, trước khi mở miệng nói về “phát triển bền vững”, cũng đã minh chứng bằng một cam kết của mấy chục hộ dân, bằng những ngày quây lưới, thả cá, canh đồng.

Cuộc lập pháp và hành pháp trước mắt, để môi trường kinh doanh Việt Nam thực sự “bền vững, bao trùm, hài hòa”, để mọi thành phần kinh tế đều chung tay hướng đến một xã hội thịnh vượng hơn, còn rất nhiều thử thách. Khi lãnh đạo cao nhất của quốc gia khẳng định mục tiêu này, tôi tin rằng chúng ta sẽ quyết liệt đi con đường đó.

Đức Hoàng


Nguồn tin: https://vnexpress.net/noi-ve-su-ben-vung-4888638.html

Share This Article
X Email Copy Link Print
Previous Article Ronaldo sút hỏng và ghi bàn phạt đền trong một trận
Next Article Ca sĩ Lệ Hải qua đời

Nhịp sống trẻ mỗi ngày!

Cùng cập nhật những tin tức nóng hổi, đa dạng về kinh tế, xã hội, văn hóa và giải trí. Đón nhận nhịp sống trẻ, năng động, và sáng tạo mỗi ngày.
FacebookLike
XFollow
PinterestPin
InstagramFollow
YoutubeSubscribe
TiktokFollow
- Advertisement -
Ad image

Đang được quan tâm

John Terry: ‘Chạy marathon khổ nhọc hơn cả đá bóng’

AnhCựu đội trưởng Chelsea và tuyển Anh John Terry xem hoàn thành London Marathon ngày…

By Cafe Bệt

13 thành viên trong nhóm lừa đảo cờ thế bị bắt

Trung QuốcMột nhóm lừa đảo gồm 13 thành viên trong gia đình bị bắt vì…

By Cafe Bệt

Đảo xanh không khói xăng

Tôi đến Phú Quý đơn giản vì… Sài Gòn nóng và đông quá. Sau khi…

By VnExpress

Tin liên quan

Góc Nhìn

Trục ‘xương sống’ quốc gia

By VnExpress
Góc Nhìn

Y tế miễn phí

By VnExpress
Góc Nhìn

Liên kết để lớn mạnh

By VnExpress
Góc Nhìn

‘Núi’ thủ tục, chờ gỡ

By VnExpress
Go to mobile version
Welcome Back!

Sign in to your account

Username or Email Address
Password

Lost your password?