Trước khi thống nhất về chính trị và kinh tế, người Ý đã khởi xướng các hoạt động đồng nhất văn hóa. Quán cà phê được thiết lập như một tổ chức đặc biệt, đặt nền tảng cho các trào lưu xác lập bản sắc Ý.
Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới – Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo ”.
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Không gian khởi chí hướng lớn, vì khát vọng quốc gia vĩ đại
Ý từng là trung tâm những nền văn minh tiêu biểu của nhân loại, dẫn dắt định hình nên văn hóa toàn châu Âu. Trong đó, Đế chế La Mã là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, thống trị vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi và Tây Á. Thế nhưng, khi La Mã sụp đổ, Ý trải qua giai đoạn phân ly thành nhiều lãnh địa, thị quốc lớn nhỏ. Ý suy yếu về mọi mặt, lãnh thổ bị xâm lăng chiếm cứ chỉ còn lại là một biểu hiện địa lý. Dân tộc xung khắc tranh chấp khiến cho đất nước càng bị xâu xé nặng nề. Mất đoàn kết chính trị đã dẫn đến chia rẽ rõ rệt về kinh tế, phong tục và ngôn ngữ từng vùng miền.
Tới thế kỉ 14, những nhà tư tưởng, cá nhân ưu tú, uyên bác nỗ lực vận động phục hưng văn hoá La Mã cổ đại. Trải qua 2 thế kỷ, phong trào Phục Hưng đã tạo nên cuộc cách mạng trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, khơi lên ý niệm phát triển tinh hoa dân tộc. Tuy nhiên, phong trào chỉ đại diện cho giai cấp tư sản mới hình thành, đề cao tự lực của mỗi cá nhân nên Ý vẫn chưa được hợp nhất hoàn toàn. Cho đến khi giới trí thức Ý tiếp cận phong trào Khai sáng, tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ. Trước cục diện ý thức hệ người Ý vẫn đang phân ly, giới trí thức biểu dương những hành động chuyển đổi tư tưởng triệt để, khát khao một lần nữa tái tạo sự huy hoàng của quốc gia.
Những nhà cải cách khởi xướng giai đoạn thống nhất văn hóa, chuyển đổi tư duy làm nền tảng để người Ý “trở thành một và không thể chia cắt”. Nghĩa là, trước khi hợp nhất nước Ý, phải minh định nên bản sắc Ý, phẩm tính dân tộc Ý. Hành trình này không thể chỉ một cá nhân uyên bác hay một nhóm trí thức mà phải là sự thức tỉnh và hành động của mỗi người được sinh ra trên lãnh thổ Ý. Những bài khảo luận trên tạp chí “Il Caffè” – tạp chí tiêu biểu nhất đại diện cho tư tưởng giới trí thức khai sáng Ý, đưa ra quan điểm đổi mới, gieo ý niệm về con người Ý – những người thuộc cùng một quốc gia; có cùng ngôn ngữ, cùng một văn hóa, cùng một truyền thống… và khác biệt với những dân tộc khác.
Tư tưởng đổi mới thúc đẩy và cổ vũ người Ý phải thực sự cùng nhau hành động. Chính trong giai đoạn này, không gian hàng quán cà phê trở thành địa điểm lý tưởng khơi lên chí hướng lớn, hành động vì khát vọng quốc gia vĩ đại.
Khác biệt với những không gian học thuật khác dành cho một vài đối tượng nhất định. Quán cà phê là điểm hội tụ gặp gỡ của triết gia, văn hào, nghệ sỹ, quý tộc, thương nhân, nhà thám hiểm… và cả những người bình thường trong xã hội. Một thế giới đa dạng như vậy mang đến nhiều luồng tư tưởng từ vi mô đến vĩ mô, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của các nhà cải cách. Cũng từ cuộc tham luận bên tách cà phê ở hàng quán cà phê, các tư tưởng lớn gặp nhau và trở thành người anh em cộng sự, cùng theo đuổi chí hướng vĩ đại.
Nơi hiện thực hóa khát vọng lớn
Nhìn nhận việc kiến tạo phẩm tính dân tộc là tiền đề hợp nhất đất nước, giới trí thức thuộc nhiều lĩnh vực đã nỗ lực tái tạo bản sắc dân tộc và định hình phong cách Ý. Quán cà phê – trung tâm hội tụ và lan tỏa tri thức, tư tưởng mới đã đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò: trường học, thư viện, trung tâm phát hành báo chí, nhà hát, trụ sở chính trị, câu lạc bộ văn học – nghệ thuật…
Tại quán cà phê, bất kỳ ai cũng có thể đến tranh luận, tìm kiếm thông tin và cùng nhau làm việc, khởi xướng các trào lưu mới. Đặc biệt, giới trí thức tiên phong đẩy mạnh các phong trào văn học nghệ thuật, đặt nền tảng về nhận thức trước khi thực thi tái thiết đất nước.
Quán cà phê đóng vai trò trực tiếp trong việc thúc đẩy cuộc cách mạng đọc – học tập và truyền bá lý tưởng. Tại đây, người thưởng thức cà phê có thể tìm thấy sách, báo và những tờ tạp chí khai sáng như “Il Caffè”, “Gazzetta Veneta”, “L’osservatore Veneto”, “Il Sognatore Iataliano”, “Giornale Veneto de ‘Letterati”, “La Minerva”, “La Frusta Letteraria”… được phổ biến rộng rãi, đôi khi là miễn phí. Những tạp chí văn học quan trọng của Ý cũng được hình thành từ các cuộc đàm luận trong quán cà phê. Quán Caffè Giubbe Rosse là nơi khai sinh tạp chí “Lacerba” và “Solaria”. Quán Caffè Florian là nơi thành lập và phát hành tạp chí “Gazzetta Veneta”, đồng thời cũng là nơi hoạt động thường xuyên của những nhà thơ yêu nước Ugo Foscolo, Silvio Pellico, Giovanni Berchet…
Văn hóa đọc đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa tư tưởng khai sáng. Đồng thời, thông qua các tác phẩm văn học, báo chí, nghệ thuật, những khuôn mẫu ngôn ngữ, văn hóa, hành vi lối sống đậm đà bản sắc Ý đã được chấp nhận trên khắp lãnh thổ Ý. Từ đây, tinh thần dân tộc thấm nhuần trong quảng đại quần chúng, trở thành một khát vọng chính trị cụ thể để đổi mới, hợp nhất dân tộc, thống nhất quốc gia, cùng nhau tái lập nước Ý hùng cường.
Không gian hàng quán cà phê cũng đã phát triển một số thiết chế văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của Ý. Chính tại quán Antico Caffè Greco, Hiệp hội các học giả và các chuyên gia về lịch sử văn hóa Rome “Gruppo dei Romanisti” đã tổ chức cuộc họp hàng tháng để đưa ra giải pháp quan trọng về vấn đề văn hóa Ý. Quán Caffè dell’Ussero là nơi tổ chức “Đại hội các nhà khoa học Ý” đầu tiên vào năm 1839, nhằm khuyến khích chuyên nghiệp hóa khoa học Ý.
Tại quán Gran Caffè Renzelli, Domenico Frugiuele cùng Gianfelice Petrassi đã thúc đẩy cuộc nổi dậy chống lại Vương quốc Bourbons vào năm 1844 và quyết định tuyên bố chính phủ lập hiến, đây cũng là sự kiện đầu tiên thức tỉnh lòng yêu nước của người Venice. Quán Caffè Pedrocchi là một trong những nơi gặp gỡ quan trọng nhất đối với những người yêu nước trong cuộc nổi dậy Thống nhất Ý (Risorgimento). Cuộc đàm thoại của bác sĩ – nhà văn Filippo Mazzei và Tổng hống Hoa Kỳ Thomas Jefferson tại Caffè dell’Ussero đã truyền cảm hứng cho tư tưởng vĩ đại “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, được đưa vào Tuyên ngôn Độc lập năm 1776…
Tư tưởng tiến bộ và những cải cách sáng tạo được khởi xuất trong hàng quán cà phê đã đặt nền tảng quan trọng tạo nên các hội nhóm, tổ chức cộng đồng về văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế… Và từ những cộng đồng được hình thành trong quán cà phê đã dần mở rộng ra quần chúng lớn hơn. Hiệu ứng lan tỏa đó tạo nên sức mạnh không tưởng, thu hút, đoàn kết con người ở nhiều lĩnh vực, mọi giai cấp, tôn giáo, không phân biệt xuất thân hay vai trò xã hội. Chính sự đồng nhất về văn hóa, tư tưởng, chí hướng đó đã tạo nên tiền đề vững chắc cho phong trào Thống nhất Ý, tạo nên một nước Ý toàn vẹn về lãnh thổ, khác biệt về văn hóa như ngày nay.
*Đón đọc kỳ sau: Cà phê và những “Thanh niên Italia” thống nhất nước Ý