Hà TĩnhĐược hỗ trợ hơn 300 tấn xi măng để làm đường nông thôn, song xã Lộc Yên, huyện Hương Khê sử dụng không hết, để hơn 200 tấn ngoài trời gây hư hỏng.
Ngày 16/5, ông Thái Phúc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, đã ký ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, để kiểm tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc để xi măng từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn bị hư hỏng.
Quyết định tạm đình chỉ đối với ông Hưng sẽ có hiệu lực từ ngày 17/5. Ông Nguyễn Văn Hưng có trách nhiệm bàn giao công việc đang đảm nhận cho UBND xã Lộc Yên; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan, báo cáo UBND huyện Hương Khê và các cơ quan theo quy định.
Hơn 200 tấn xi măng được tập kết tại sân vận động thôn Bình Phúc, xã Lộc Yên, phía trên phủ bạt bảo quản sơ sài. Ảnh: Đức Hùng
Năm 2024, UBND xã Lộc Yên tiếp nhận hơn 300 tấn xi măng nhãn hiệu Sông Lam PCB 40 theo cơ chế hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh. Thời điểm trên một tấn xi măng giá thị trường gần 1,5 triệu đồng.
Xã Lộc Yên sau đó sử dụng khoảng 100 tấn xi măng để thi công một đoạn đường bêtông trên địa bàn, số vật liệu còn lại không sử dụng đến, đem tập kết tại sân vận động thôn Bình Phúc. Hàng trăm bao xi măng được xếp chồng lên nhau theo 3-4 hàng, mỗi hàng cao gần 2 m, dài hàng chục mét, phía trên phủ bạt cỡ lớn.
Do tập kết ngoài trời nhiều tháng, chịu ảnh hưởng của mưa nắng, hơn 200 tấn xi măng tồn đọng đã bị hư hỏng, đa số bị “đông đá”, không thể sử dụng.
Ông Trần Văn Toản, trú thôn Bình Phúc, xã Lộc Yên, cho biết số xi măng trên đáng lẽ nên đưa vào nhà kho để bảo quản nhằm sử dụng lâu dài. Tập kết tại sân vận động là sai quy trình, vì thường xuyên bị ngập nước, gây hư hỏng lãng phí. “Chúng tôi rất tiếc của, bởi số xi măng hiện tại gần như là hỏng hết, nếu đem sử dụng để xây các công trình thì rất khó để đảm bảo chất lượng”, ông Toản nói.
Một số bao xi măng bên trong đã hỏng, đông cứng lại. Ảnh: Đức Hùng
Lãnh đạo xã Lộc Yên cho biết chính sách hỗ trợ xi măng từ cấp trên chỉ thực hiện trong năm 2024, thời điểm đó là lần hỗ trợ cuối, vì vậy xã muốn tận dụng nguồn này nên đăng ký nhằm nhận vật liệu để đưa về xây dựng nông thôn mới.
Sau khi thi công một đoạn đường, do thiếu nguồn lực mua cát, sỏi để làm tiếp các công trình khác nên hơn 200 tấn xi măng bị tồn đọng.
Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh trích ngân sách tỉnh số tiền 26,6 tỷ đồng từ nguồn chính sách nông thôn mới cấp cho UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng. Thời điểm đó huyện Hương Khê được cấp 6,5 tỷ đồng.
Đức Hùng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hon-200-tan-xi-mang-xay-dung-nong-thon-moi-bi-hu-hong-4887040.html