Trong một bài viết trước, tôi từng kể ra ba câu chuyện liên quan đến những khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, mong muốn xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam là một tham vọng táo bạo nhưng cần thiết để định hình tư duy phát triển cho đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Khác với việc dựa vào giá nhân công thấp để tạo nên một khu vực sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu như hiện tại, trung tâm tài chính là nơi các nhà đầu tư từ khắp thế giới lưu giữ, giao dịch, lưu thông vốn, và những người có ý tưởng tìm đến để huy động vốn cho dự án của mình. Để làm được điều này, trung tâm tài chính phải xây dựng cho mình một hệ thống dịch vụ tài chính hoàn chỉnh, có sức cạnh tranh cao để thu lợi từ đó, bao gồm các dịch vụ như: ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán và các loại tài sản khác, kiểm toán, tài chính công nghệ, thuế, luật và giải quyết tranh chấp.
Lý thuyết là vậy. Tất cả chính phủ từng theo đuổi giấc mơ trung tâm tài chính đều hiểu điều này. Họ đều dựng mô hình tổ chức, làm quy hoạch, ban hành chính sách ưu đãi thuế, kêu gọi đầu tư. Nhưng thành – bại của một trung tâm tài chính lại nằm ở một yếu tố trừu tượng nhưng then chốt: niềm tin của nhà đầu tư. Niềm tin ấy không phải là sản phẩm của các chiến dịch truyền thông, cũng không đến từ những tuyên bố hùng hồn. Thực tế thành công của thế giới chứng minh rằng, niềm tin được xây dựng một cách bền bỉ qua thể chế và pháp luật.
Trong lĩnh vực tài chính, pháp luật chính là nơi nhà đầu tư gửi gắm sinh mạng của mình. Một hệ thống pháp luật tốt là lời cam kết vững chắc của quốc gia, rằng mọi hoạt động đầu tư sẽ được bảo vệ, mọi tranh chấp sẽ được phân xử công bằng, và không ai – kể cả chính phủ – có thể xâm phạm đến những nguyên tắc đã được thỏa thuận trước đó. Nếu thiếu một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, không nhà đầu tư nào dám để lại một đô-la, cho dù thuế có miễn 100% hay cơ sở hạ tầng có hiện đại tới đâu.
Chính vì vậy, các quốc gia muốn xây dựng trung tâm tài chính thường chọn giải pháp tách biệt trung tâm này khỏi hệ thống luật pháp nội địa, và xây dựng một cơ chế pháp lý độc lập, hiện đại, dễ hiểu, dễ áp dụng. Đáng chú ý là hầu hết mô hình trung tâm tài chính thành công đều dựa trên nền tảng của common law – thông luật Anh quốc. Đây là một hệ thống pháp lý dựa trên tiền lệ xét xử, vô cùng uyển chuyển và linh hoạt nhưng cũng rất ổn định, đặc biệt là tính minh bạch cao và được các nhà đầu tư phương Tây – những người kiểm soát phần lớn dòng vốn toàn cầu – tin tưởng sâu sắc.
Ví dụ rõ nhất là Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) ở Kazakhstan. Quốc gia này không chỉ dịch thuật lại luật của Anh mà còn mời thẩm phán người Anh sang làm việc, vận hành một hệ thống tòa án hoàn toàn độc lập, không chịu sự chi phối của tòa án nội địa Kazakhstan. Mọi văn bản được ban hành bằng tiếng Anh, mọi tranh chấp được xử lý theo logic và phương pháp của common law. Dù kết quả của AIFC còn nhiều tranh cãi, khó có thể phủ nhận rằng niềm tin về pháp lý mà họ tạo dựng đã giúp thu hút nhiều định chế tài chính toàn cầu bước đầu đặt chân vào khu vực Trung Á vốn bị xem là xa lạ và rủi ro.
Tương tự, Dubai International Financial Centre (DIFC) ở UAE cũng áp dụng mô hình common law, có tòa án riêng, luật riêng, quy tắc xử lý tranh chấp riêng – tách biệt hoàn toàn với luật Hồi giáo và bộ máy tư pháp nội địa vốn khá nghiêm khắc và khó dự đoán. Đây là yếu tố then chốt khiến DIFC trở thành trung tâm tài chính số một Trung Đông, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tài chính và ngân hàng đa quốc gia.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao phải làm luật riêng, mà không dùng luật hiện hành của quốc gia mình?
Câu trả lời nằm ở sự ổn định của luật pháp – điều kiện sống còn đối với niềm tin của nhà đầu tư. Trong môi trường tài chính, một hợp đồng có thể kéo dài 5-10, thậm chí 30-100 năm. Nhà đầu tư không chỉ muốn biết quyền lợi hôm nay mà còn muốn chắc chắn rằng những cam kết hiện tại sẽ không bị thay đổi vì lý do chính trị, thay đổi lãnh đạo, hay diễn biến xã hội bất thường. Một nền pháp luật đáng tin cậy là nền pháp luật không bị điều chỉnh tùy tiện, không đổi theo từng nhiệm kỳ, không bị lạm dụng bởi ý chí hành chính.
Ở nhiều nước, ngành luật tài chính – vốn là lĩnh vực rất kỹ thuật và chuyên sâu – thường bị “kéo về” bởi các toan tính chính trị ngắn hạn. Chính phủ thay đổi, luật thay đổi. Lãnh đạo mới lên, chính sách đảo chiều. Trong khi đó, dòng vốn cần một môi trường pháp lý có thể tiên đoán được, chứ không phải một hệ thống phải “giải thích từng năm một”.
Vì lý do đó, các quốc gia nghiêm túc trong chiến lược trung tâm tài chính đều chọn cách tách luật của trung tâm ra khỏi luật chung, và trao quyền cho một hệ thống tòa án độc lập vận hành theo thông luật. Điều này không chỉ giúp hệ thống pháp luật tài chính nhanh nhạy hơn, chuyên nghiệp hơn, mà còn đảm bảo niềm tin dài hạn cho các nhà đầu tư.
Nếu Việt Nam muốn đi trên con đường đó, thì không thể chỉ nói về chính sách tài khóa ưu đãi hay xây các khu trung tâm hiện đại. Việc quan trọng trước tiên là cần xem xét kỹ càng phương án xây dựng một hệ thống luật riêng biệt, độc lập, hiện đại, được quốc tế công nhận và có tính ổn định cao, đặt nền tảng trên hệ thống thông luật Anh. Khi ấy, trung tâm tài chính của Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh trong một thế giới mà sự tin tưởng là đơn vị tiền tệ quan trọng nhất.
Bùi Phú Châu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/luat-rieng-cho-trung-tam-tai-chinh-4884480.html