Nhiều người nghĩ nếu theo đuổi chế độ ăn ít cholesterol để hạ mỡ máu sẽ cần từ bỏ các món sử dụng dầu ăn để xào nấu. Trên thực tế, điều bạn cần chú ý là tìm loại dầu phù hợp với thực phẩm và chứa các chất béo lành mạnh không bão hoà.
Một số loại dầu thực vật khi dùng một lượng vừa đủ trong các bữa ăn hàng ngày đã được chứng minh có lợi cho tim mạch, giảm cholesterol “xấu” (cholesterol LDL) và tăng cholesterol lành mạnh (cholesterol HDL), ngừa bệnh tim và các biến chứng nguy hiểm khác.
Dầu ô liu
Dầu ô liu là một phần trong chế độ ăn Địa Trung Hải nổi tiếng tốt cho tim mạch, kéo dài tuổi thọ. Dầu ô liu nguyên chất chứa lượng chất béo không bão hòa đơn có lợi cho sức khỏe cao hơn so với các loại dầu khác. Theo MedlinePlus, chất béo không bão hòa đơn có thể giúp giảm mức cholesterol “xấu”, ngăn chặn sự gia tăng của lipid máu, bảo vệ sức khỏe của tim và các mạch máu.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ cho thấy nếu ăn hơn ½ muỗng canh dầu ô liu mỗi ngày có khả năng giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp.
Vì điểm bốc khói của dầu ô liu nguyên chất không cao nên loại dầu này là lựa chọn hoàn hảo khi nấu các món ăn ở lửa vừa, trộn với salad hoặc mì ống.
Dầu mè
Dầu mè giàu chất chống oxy hoá, giảm tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra và có đặc tính chống viêm mạnh, cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Loại dầu này rất giàu axit béo omega-6 – chất béo không bão hoà đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim.
Dầu mè còn được chứng minh làm chậm sự phát triển của mảng bám trong động mạch, giảm mức cholesterol “xấu” khi sử dụng thay thế các loại dầu khác. Loại dầu này có khả năng giúp giảm tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Dầu mè có thể hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu, đặc biệt là với người mắc bệnh tiểu đường nhờ lượng magie, vitamin E.
Dầu lạc (Dầu đậu phộng)
Dầu lạc chứa nhiều vitamin E, hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do có hại và các bệnh mãn tính. Vitamin E giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, chống lại vi khuẩn và virus. Loại dầu này chứa nhiều chất béo không bão hoà, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Chất béo không bão hòa đơn trong dầu đậu phộng cũng có thể giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol “xấu”), theo Webmd. Khi cholesterol LDL cao có thể làm tắc nghẽn động mạnh, dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Loại dầu này còn bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa huyết khối, cải thiện trí nhớ của não.
Dầu lạc có điểm bốc khói cao nên có thể dùng ở nhiệt độ cao cho các món xào, áp chảo. Nhưng chỉ nên dùng với một lượng vừa đủ để an toàn cho sức khoẻ do vấn đề liên quan đến dị ứng đậu phộng.
Dầu bơ
Trong tất cả các loại dầu, dầu bơ có nồng độ chất béo không bão hòa đơn cao nhất, giàu omega-3 và các chất chống oxy hóa, mang lại lợi ích chống viêm và tốt cho sức khỏe tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy dầu bơ có khả năng giảm huyết áp và mức cholesterol “xấu” trong máu.
Ngoài ra, dầu bơ còn có các chất chống oxy hóa lành mạnh như lutein mà cơ thể không thể tạo ra một cách tự nhiên, giúp tăng cường sức khỏe của mắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác. Loại dầu này còn là nguồn cung cấp vitamin A và E dồi dào, thúc đẩy quá trình lành vết thương và cải thiện làn da.
Điểm bốc khói của dầu bơ cao nên có thể nấu thức ăn ở nhiệt độ cao mà không ảnh hưởng đến hương vị, hoặc dùng để trộn salad, làm nước sốt.
Dầu hướng dương
Dầu hướng dương được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa vào danh sách những loại dầu ăn tốt cho tim mạch. Loại dầu này chứa nhiều chất béo không bão hoà như axit oleic, có tác dụng làm giảm mức cholesterol LDL có hại và chất béo trung tính.
Theo Express, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất béo không bão hoà đơn như axit oleic giúp giảm mức cholesterol cao, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Dầu hướng dương cũng là nguồn cung cấp vitamin E tuyệt vời, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như chống oxy hoá, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện bệnh Alzheimer.
Theo Healthline, Everyday Health