Saturday, 10 May 2025
Subscribe
Cafe Bệt
  • 🔥
  • Doanh Nghiệp
  • Công Nghệ
  • Thể Thao
  • Thời Sự
  • Người Nổi Tiếng
  • Đời Sống
  • Sức Khỏe
  • Tài Chính
  • Bất Động Sản
  • Xe
Font ResizerAa
Cafe BệtCafe Bệt
Search
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2022 Foxiz News Network. Ruby Design Company. All Rights Reserved.
Cafe Bệt > Blog > Góc Nhìn > ‘Tấm hộ chiếu’ IELTS
Góc Nhìn

‘Tấm hộ chiếu’ IELTS

Last updated: 10/05/2025 1:06 am
VnExpress
Share
SHARE

Nhiều năm trước, tôi không khỏi ngạc nhiên khi điểm viết của mình thấp hơn cô em gái trong một kỳ thi IELTS.

Tôi lúc đó đang giảng dạy tiếng Anh cho một dự án đào tạo của Australia, sử dụng tiếng Anh hàng ngày trong công việc, viết báo cáo, thậm chí viết các nghiên cứu học thuật xuất bản trên những tạp chí quốc tế. Còn em tôi chỉ là một sinh viên ngành sinh học.

Em tôi dành nhiều tháng luyện thi bài bản ở một trung tâm uy tín, quyết tâm giành một học bổng ở Australia, trong khi tôi tham gia kỳ thi mà không mấy luyện tập. Điều này khiến tôi nhận ra có sự khác biệt lớn giữa năng lực ngôn ngữ thực tế và điểm số của một kỳ thi chuẩn hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người thường phân biệt giữa việc học để lấy chứng chỉ và học để sử dụng.

Là người đã dạy và học ngoại ngữ hơn ba thập kỷ, cả ở Việt Nam và nước ngoài, tôi hiểu rằng động cơ học ngoại ngữ của mỗi người rất đa dạng. Có người học vì đam mê, có người học để xin học bổng, xin việc hay để vượt qua một kỳ thi nào đó. Không ai trong số họ là sai cả, vì học ngoại ngữ luôn bắt đầu từ nhu cầu cá nhân – và những nhu cầu ấy là hoàn toàn chính đáng.

Tôi từng giảng dạy tại một số trường công lập ở Việt Nam, nơi việc học tiếng Anh chủ yếu xoay quanh ngữ pháp và luyện đề. Nhiều học sinh giỏi cấu trúc câu, làm đúng bài tập, nhưng không nói được một câu hoàn chỉnh khi gặp người nước ngoài. Trong môi trường đơn ngữ, thật khó để yêu cầu các em “học để giao tiếp”, đặc biệt là khi mọi áp lực xung quanh đều hướng về kỳ thi.

Sau này, khi giảng dạy tại các chương trình dự bị đại học ở Australia và gặp sinh viên đến từ nhiều quốc gia, tôi cũng chứng kiến có những em điểm IELTS khá cao, nhưng vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp học thuật và tư duy phản biện bằng tiếng Anh. Điều đó cho thấy thực tế là nhiều người dạy và người học quá tập trung vào việc đạt điểm, đạt chứng chỉ, thay vì trau dồi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ như một công cụ sống.

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng học ngoại ngữ là để giao tiếp, học tập và làm việc trong một thế giới đang thay đổi.

Tuy nhiên, từ trải nghiệm giảng dạy trong nước, tôi nhận ra việc “học để giao tiếp” – dù lý tưởng – không phải lúc nào cũng khả thi trong nhiều môi trường giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Lớp học đông, thời lượng tiết học ít, chương trình học nặng về ngữ pháp và dịch thuật, cộng thêm việc thiếu môi trường giao tiếp tự nhiên bằng ngoại ngữ khiến cho cả giáo viên lẫn học sinh đều gặp khó khăn trong việc phát triển năng lực ngôn ngữ thực tế. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ở các nước không nói tiếng Anh, mục tiêu học ngoại ngữ để giao tiếp – dù được xem là lý tưởng trong lý thuyết và chính sách – lại rất khó thực hiện trong thực tế. Do đó, “học để giao tiếp” dễ trở thành một khẩu hiệu hơn là một thực tiễn giáo dục hiệu quả và khả thi.

Trong bối cảnh ấy, việc học để lấy chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL hay Cambridge English vẫn có thể là một giải pháp tình thế, thậm chí là một lựa chọn có tầm nhìn và thiết thực. Bởi lẽ, các kỳ thi chuẩn hóa này – nếu được dạy và học đúng cách – vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho người học. Nhiều học sinh, sinh viên khi ôn luyện IELTS cho kỳ thi cuối cấp hoặc tốt nghiệp đại học chia sẻ rằng quá trình luyện thi bốn kỹ năng – đặc biệt là đọc và viết – giúp họ lần đầu tiên tiếp cận nghiêm túc với tư duy lập luận và phản biện quan điểm một cách logic. Đây là những năng lực mà họ ít khi được phát triển một cách bài bản trong chương trình phổ thông hay thậm chí đại học. Vì vậy, hành trình luyện thi IELTS đối với họ không chỉ đơn thuần là chinh phục một kỳ thi, mà còn là một quá trình khai phá trí óc đầy thách thức và hứng khởi. Nhiều người thậm chí cho rằng, so với mục tiêu ban đầu là chỉ “lấy chứng chỉ”, việc được phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ sâu sắc hơn khiến trải nghiệm học trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Sau khi đã hoàn tất kỳ thi, những kiến thức kỹ năng ấy không hề bị bỏ lại mà tiếp tục phát huy tác dụng trong công việc, học tập và trong cuộc sống hàng ngày. Một số nghiên cứu trong khu vực cũng chỉ ra rằng các kỳ thi chuẩn hóa có thể đóng vai trò như một “tác nhân thúc đẩy” giúp người học có định hướng cụ thể, đồng thời tạo động lực để cải thiện năng lực sử dụng ngôn ngữ một cách toàn diện – miễn là quá trình luyện thi không bị giản lược thành học mẹo, học tủ.

Chứng chỉ quốc tế, trên thực tế, cũng là chiếc “hộ chiếu học thuật”, là điều kiện cần cho nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận những cơ hội học tập và làm việc toàn cầu.

Hơn nữa, trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nơi mà sự đánh giá thường gắn chặt với kết quả thi cử, thì việc sở hữu một chứng chỉ ngôn ngữ đáng tin cậy có thể giúp người học giảm bớt áp lực từ các kỳ thi trong nước, mở ra những lựa chọn tiến thân linh hoạt hơn. Nếu chúng ta xác định được cách tiếp cận, chuyển từ việc “luyện để đối phó với đề” sang “học để hiểu, để sử dụng được ngôn ngữ trong thực tế”, thì chứng chỉ không còn là cái đích cuối cùng, mà trở thành cột mốc đánh dấu một chặng đường nỗ lực nghiêm túc và có định hướng.

Vấn đề trong việc dạy và học ngoại ngữ không đơn thuần nằm ở mục tiêu “học để thi”, “lấy chứng chỉ” hay “học để giao tiếp”. Câu hỏi cốt lõi cần được đặt ra là: Chúng ta đang làm điều đó như thế nào?

Là nhà giáo hay nhà hoạch định chính sách, điều quan trọng không nằm ở việc chọn phe giữa “học để giao tiếp” hay “học để thi lấy chứng chỉ”, mà ở chỗ chúng ta có thể đồng hành như thế nào với người học trong hành trình khám phá động cơ thực sự của họ – dù đó là mục tiêu trước mắt hay tầm nhìn lâu dài.

Phạm Hòa Hiệp


Nguồn tin: https://vnexpress.net/tam-ho-chieu-ielts-4883941.html

Share This Article
X Email Copy Link Print
Previous Article Cơ thủ Quốc Hoàng thắng đậm thần đồng Philippines
Next Article Ba tài tử đóng Đường Tăng ‘Tây du ký’ ngày ấy, bây giờ

Nhịp sống trẻ mỗi ngày!

Cùng cập nhật những tin tức nóng hổi, đa dạng về kinh tế, xã hội, văn hóa và giải trí. Đón nhận nhịp sống trẻ, năng động, và sáng tạo mỗi ngày.
FacebookLike
XFollow
PinterestPin
InstagramFollow
YoutubeSubscribe
TiktokFollow
- Advertisement -
Ad image

Đang được quan tâm

‘A Minecraft Movie’ hai tuần dẫn đầu doanh thu phòng vé

"A Minecraft Movie" - chuyển thể trò chơi sinh tồn kinh điển - vượt "Captain…

By Cafe Bệt

Váy áo cảm hứng 'ánh sáng miền nhiệt đới'

NTK Đỗ Long ra bộ sưu tập hè phong cách bay bổng, họa tiết sắc…

By Cafe Bệt

Alcaraz thay đổi tư duy cho mùa đất nện

Sau khi đăng quang ở Monte Carlo Masters, Carlos Alcaraz tiết lộ anh học được…

By Cafe Bệt

Tin liên quan

Góc Nhìn

Ai cứu bác sĩ?

By VnExpress
Góc Nhìn

Ai xoa dịu bác sĩ bị đánh?

By VnExpress
Góc Nhìn

Tăng thuế, giảm hút thuốc lá

By VnExpress
Góc Nhìn

‘Khoán 10’ cho kinh tế tư nhân

By VnExpress
Go to mobile version
Welcome Back!

Sign in to your account

Username or Email Address
Password

Lost your password?