Cùng Silicon Valley giải mã “công nghệ tỷ đô”
Chủ nhật vừa qua, không khí lễ hội dường như nhường chỗ cho tinh thần học thuật tại Đại học Huế. Hơn 100 sinh viên và 20 giảng viên từ Khoa Kỹ thuật và Công nghệ đã có mặt đông đủ tại điểm cầu trực tiếp, cùng hàng trăm người tham gia trực tuyến qua webinar do VISEMI Foundation tổ chức với chủ đề: “Giải mã Bán dẫn – Hành trình từ hạt cát đến công nghệ tỷ đô”.

Sự kiện là nơi hội tụ của các chuyên gia gốc Việt hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu: TS. Minh Trần (Phó Chủ tịch R&D tại Nexus Photonics), ThS. Tiến Dương (Kỹ sư Staff tại Samsung Hàn Quốc), và TS. Công Trịnh (Manager tại Applied Materials, kiêm người dẫn chương trình).
Dưới góc nhìn thực tiễn từ những người trong cuộc, hội thảo mang đến kiến thức cập nhật, đồng thời tạo ra cơ hội kết nối quý báu cho các bên đang quan tâm đến ngành công nghiệp trọng tâm của thời đại mới.

Đại học Huế chủ động “gỡ nút thắt” nhân lực
Không đơn thuần là người nghe, sinh viên và giảng viên Đại học Huế đã tích cực thảo luận, đặt ra những câu hỏi mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong bối cảnh ngành bán dẫn Việt Nam đang khan hiếm nhân lực chuyên môn cao. Trong phần chia sẻ tại điểm cầu Huế, PGS.TS Nguyễn Quang Lịch – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ – công bố kế hoạch triển khai chuyên ngành Công nghệ Thiết kế Vi mạch, dự kiến ra mắt ngay trong tháng 5 năm 2025.
Đáng chú ý, các học phần trong chương trình này sẽ được xây dựng với sự tham gia trực tiếp từ các kỹ sư, chuyên gia hiện đang làm việc tại các tập đoàn vi mạch hàng đầu thế giới. Trọng tâm đào tạo sẽ đặt vào thiết kế Front-end và kiểm định vi mạch tích hợp (IC Design & Validation) – những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ cũng được đặt ra. Nhiều giảng viên bày tỏ lo ngại về việc phát triển các lĩnh vực mới nổi như Photonics (quang tử) – hướng đi đầy hứa hẹn nhưng đòi hỏi đầu tư lớn về trang thiết bị thực hành. Các chuyên gia của VISEMI cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của lĩnh vực này, cho rằng nếu sớm nắm bắt cơ hội, Việt Nam có thể đi tắt đón đầu
Trao đổi sau hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Lịch thẳng thắn chia sẻ: “Tham gia webinar cùng với các chuyên gia do VISEMI tổ chức là cơ hội quý báu để chúng tôi cập nhật thêm kiến thức, những kinh nghiệm cũng như việc kết nối chuyên gia để có được định hướng tốt hơn trong đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, mọi quyết định mở chuyên ngành đều dựa trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến từ các trường đại học và chuyên gia quốc tế. Cũng bởi thách thức về chất lượng giảng dạy và kỹ năng đầu ra vẫn luôn hiện hữu, Đại học Huế xác định cần tổ chức các hội thảo thường xuyên, kết nối doanh nghiệp, đồng thời đề xuất mô hình Fablab – phòng thí nghiệm dùng chung, giúp tối ưu nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện cho sinh viên thực hành thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Tín hiệu mở cho các trường và tổ chức khác
Câu chuyện của Đại học Huế là minh chứng rõ ràng cho giá trị của việc tham gia trực tiếp vào hệ sinh thái tri thức mà VISEMI đang xây dựng. Không chỉ là lắng nghe, việc đối thoại trực tiếp với chuyên gia giúp các trường xác định rõ nhu cầu nhân lực và định hình chương trình đào tạo sát thực tế.

Tại webinar, các chuyên gia của VISEMI đã đưa ra nhiều khuyến nghị thiết thực:
– Thiết kế (Design): Việt Nam có thể bắt đầu với các mảng như kiểm thử (verification) hoặc tham gia vào các công đoạn thiết kế cụ thể (outsourcing), cần nguồn nhân lực lớn.
– Đóng gói tiên tiến (Advanced Packaging): Dễ tiếp cận hơn khi vốn đầu tư ban đầu chỉ khoảng 100 triệu USD/dây chuyền, lại đang được Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ. Thị trường này được dự báo tăng trưởng vũ bão lên 80-100 tỷ USD vào 2030.
– Photonics (Quang tử): Lĩnh vực mới nổi, chưa đi quá xa, không yêu cầu công nghệ node quá cao, có ứng dụng rộng. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón đầu xu hướng.
– Mô hình Fab Lab: Các trường có thể hợp tác xây dựng phòng lab dùng chung (chi phí khoảng vài chục đến 100 triệu USD), phục vụ đào tạo, nghiên cứu và cả các khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ.
Đừng bỏ lỡ chuyến tàu tỷ đô
Ngành bán dẫn không chờ đợi ai. Trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là điểm đến tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sự chủ động của Đại học Huế chính là tín hiệu tích cực, gợi mở cách làm cho các trường, viện nghiên cứu và tổ chức khác trên cả nước.
Để không lỡ cơ hội, hãy cùng theo dõi các hoạt động của VISEMI Foundation qua YouTube, Fanpage và website VISEMI.ORG, những cổng thông tin kết nối cộng đồng tri thức Việt với tương lai bán dẫn toàn cầu.
Toàn bộ nội dung của buổi webinar có tại đường link này.
Nguồn tin: https://genk.vn/chuyen-gia-goc-viet-mang-cong-nghe-tu-thung-lung-silicon-ve-dai-hoc-hue-khoi-dong-nhan-luc-chat-luong-cho-mien-trung-20250508114033522.chn