Trong quá trình nghiên cứu về tác động của chính sách thuế đối với thuốc lá, một chuyên gia nước ngoài nói với cán bộ dự án chúng tôi rằng: “Thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến nguy hại”.
Việt Nam hiện có 40 nhãn hiệu thuốc lá giá dưới 10.000 đồng một bao. Nghiên cứu của WHO cho thấy, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0,9 USD (22.500 đồng). Giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương.
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá tại Việt Nam được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán ra của nhà sản xuất và thường rất thấp. Điều này làm suy giảm hiệu quả của chính sách thuế, khi thuế thực tế chỉ chiếm khoảng 38,8% giá bán lẻ – bằng một nửa mức khuyến nghị tối thiểu 70% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đạt được tác động rõ rệt về sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, các quốc gia như Vương quốc Anh, Hà Lan hay các nước trong Liên minh châu Âu đã áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, kết hợp giữa một cấu phần thuế tính trên phần trăm giá bán lẻ và một khoản thuế tuyệt đối tính theo số lượng điếu thuốc. Nhờ đó, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của họ thường vượt ngưỡng 80%, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc.
Để tăng cường hiệu quả của chính sách thuế đối với thuốc lá, gần đây, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế TTĐB theo hướng áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp. Cụ thể, có hai phương án được đề xuất: phương án 1 bổ sung thêm 2.000 đồng/bao mỗi năm từ 2026 đến 2030; phương án 2 tăng mạnh hơn phương án 1 với đề xuất bổ sung 5.000 đồng/bao từ năm 2026, sau đó mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng đến năm 2030 bên cạnh thuế suất tỷ lệ hiện hành
Phương án 2 được đánh giá là có khả năng tạo tác động lớn hơn, nhưng các doanh nghiệp thuốc lá thì phản đối – sử dụng các lập luận như: tăng thuế sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu, làm giảm thu ngân sách và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Nhưng tăng thuế có thực sự tác động tiêu cực đến kinh tế và y tế không?
Một nghiên cứu mô phỏng của WHO thực hiện gần đây đưa ra các kết quả có chiều hướng khác. So sánh giữa hai phương án Bộ Tài chính đề xuất, giả lập sau năm đầu tiên áp dụng, nghiên cứu cho thấy phương án 2 không những giúp tăng đáng kể nguồn thu mà còn có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
Nghiên cứu sử dụng Mô hình Mô phỏng Thuế Tiêu thụ Đặc biệt Thuốc lá (TAXSiM) để đánh giá tác động của các thay đổi trong chính sách thuế đến số thu ngân sách và sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Mô hình này phân tích các kịch bản thuế khác nhau, sử dụng dữ liệu đầu vào bao gồm các chỉ số kinh tế vĩ mô (như tổng dân số, tốc độ tăng trưởng thu nhập, tỷ lệ hút thuốc), thông tin về hệ thống thuế thuốc lá hiện hành (thuế suất thuế TTĐB, phần trăm đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, thuế suất thuế giá trị gia tăng), và các dữ liệu về thị trường thuốc lá Việt Nam (tổng lượng tiêu thụ, giá bán lẻ, thị phần theo phân khúc, độ co giãn của cầu theo giá và theo thu nhập).
Tuy nhiên, khi đánh giá tác động của phương án 1 và 2 đến năm 2030 thì tác động chưa đủ để đạt các mục tiêu quốc gia về giảm tiêu dùng thuốc lá đến 2020, và WHO khuyến cáo phương án 3 (tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026, sau đó mỗi năm tăng 2.500 đồng để đến năm 2030 đạt 15.000 đồng/bao) là phương án tối ưu để Việt Nam đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Một quan ngại khác thường được đưa ra là giá thuốc lá trong nước tăng sau khi tăng thuế sẽ làm gia tăng tiêu dùng thuốc lá lậu – lập luận thường được viện dẫn để phản đối việc tăng thuế. Kết quả một nghiên cứu của DEPOCEN (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển) cho thấy khi giá thuốc lá hợp pháp tăng, giá thuốc lá lậu trên thị trường cũng sẽ tăng theo. Mức chênh lệch về giá là không đủ lớn để dẫn tới việc chuyển đổi tiêu dùng. Thực tế quan sát được tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 đến nay, khi chính phủ ngày càng tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống buôn lậu, thị trường thuốc lá lậu bị siết chặt, dẫn đến việc giá thuốc lá lậu còn tăng cao hơn cả hàng hợp pháp.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các quốc gia hoàn toàn có thể kiểm soát buôn lậu hiệu quả song song với chính sách thuế cao. Anh là một ví dụ điển hình: dù từng chứng kiến tỷ lệ thuốc lá lậu tăng mạnh trong những năm 1990 khi thuế tăng, nước này đã thành công khi đưa tỷ lệ buôn lậu từ 20% năm 2000 xuống còn 9% năm 2012 nhờ kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp như tăng hình phạt, giám sát nguồn cung, áp dụng công nghệ kiểm soát và tem chống giả.
Chính sách thuế thuốc lá cần được nhìn nhận không chỉ là công cụ tài khóa mà còn là một chính sách y tế công cộng quan trọng, một công cụ hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của người dân. Xu hướng trên thế giới cho thấy thuế thuốc lá ngày càng được coi là thuế bảo vệ sức khỏe (Health tax). Do đó, Việt Nam cần có một mức thuế đủ mạnh có thể giúp người hút thuốc – đặc biệt là người thu nhập thấp, nhóm dễ bị tổn thương nhất – giảm tiêu dùng, hoặc từ bỏ hoàn toàn việc hút thuốc. Thuốc lá lậu chủ yếu là các sản phẩm nhập lậu, thường có giá ở mức trung bình cao hoặc rất cao, không thuộc nhóm hàng tiêu dùng của những người có thu nhập thấp, cần được kiểm soát bằng chính sách riêng, chứ không thể là lý do để không tăng thuế.
Một điểm cần đặc biệt quan tâm, là tỷ lệ hút thuốc lá cao như hiện nay, ngoài việc gây ra những hệ quả chi phí to lớn như ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam, một yếu tố quan trọng để đảm bảo nền kinh tế có thể tăng trưởng với tốc độ cao một cách bền vững như mục tiêu đã đề ra.
Trong khi nhiều quốc gia đã sử dụng chính sách thuế thuốc lá như một công cụ hiệu quả để vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách, Việt Nam vẫn đang duy trì mức thuế còn quá thấp và áp dụng thuế phần trăm trên giá nhà sản xuất bán ra – còn nhiều bất cập.
Do vậy, Việt Nam không chỉ cần một phương án thuế có mức tăng đủ mạnh như phương án 3 theo khuyến cáo của WHO, mà còn phải đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, kết hợp với các biện pháp tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát biên giới và giám sát hiệu quả chính sách thuế. Nếu làm tốt điều này, Việt Nam sẽ không chỉ gia tăng thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thể hiện cam kết rõ ràng với các mục tiêu phát triển bền vững.
Quan trọng hơn, chúng ta sẽ giảm bớt một trong những gánh nặng y tế – kinh tế lớn hiện nay từ sử dụng thuốc lá.
Nguyễn Ngọc Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tang-thue-giam-hut-thuoc-la-4882992.html