Bố của Tuấn bị một tài khoản giả mạo, lừa chuyển 200 triệu đồng tiền mua hàng.
Trong khi đang hoang mang, ông nhận được liên hệ từ một trang Facebook tích xanh, có tên giống một văn phòng luật sư, cam kết tư vấn và hỗ trợ thu hồi tiền từ các vụ lừa đảo, với mức phí 25% số tiền thu hồi được.
Tuấn chỉ biết chuyện khi bố anh đã bị lừa lần hai. Tuấn kết thúc câu chuyện với tôi bằng câu cảm thán: “Lừa đảo còn có hậu mãi”.
Chấp nhận mất tiền, chúng tôi chẳng còn biết làm gì khác ngoài một vài nỗ lực nhỏ nhoi để góp phần ngăn những người khác khỏi rơi vào bẫy. Tuấn cung cấp thông tin cho công an địa phương, còn tôi “report” (báo cáo) trang Facebook đã giăng bẫy với bố anh.
Nhà chức trách hứa tìm hiểu sự việc, còn Facebook phản hồi rằng nội dung trang này được xem là đáng tin cậy.
Vậy làm thế nào để người dùng Internet tránh được cái bẫy bài bản như vậy?
Theo báo cáo tháng 12/2024 của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cứ mỗi 220 người dùng smartphone thì có một người bị lừa, gây thiệt hại 18 nghìn tỷ đồng trong cùng năm. Hy vọng thu hồi được tiền khiến nhiều nạn nhân dễ rơi vào bẫy lần hai.
Kiến thức quan trọng cần nắm được ở đây là: việc thu hồi và trả lại các khoản tiền xuất phát từ hành vi lừa đảo đòi hỏi quy trình điều tra, xét xử và thi hành án phức tạp. Nên các cam kết “lấy lại tiền nhanh” chỉ có thể là một cái bẫy.
Tài khoản Facebook có dấu tích xanh là tài khoản được Facebook bảo chứng nhưng không có nghĩa mọi hành vi từ tài khoản đó là an toàn. Chỉ cần tìm kiếm “tích xanh Facebook giá rẻ” trên Google, ta sẽ có vô vàn hướng dẫn với chi phí rẻ đến bất ngờ. Yếu tố “đáng tin cậy” mà Facebook trả lời với tố cáo của tôi có lẽ cũng do nền tảng này đã không kiểm soát được quá trình mua bán trên.
Một điều lưu ý khác là người dùng luôn có thể dễ dàng kiểm tra thông tin liên lạc của các cơ quan chức năng. Mọi vấn đề về pháp lý sẽ được xử lý dựa trên văn bản chính thống do nhà nước ban hành. Khi những yếu tố này chưa được xác thực, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các hành động khác theo yêu cầu.
Về mặt quản lý nhà nước, nhà chức trách cần yêu cầu nền tảng mạng xã hội như Facebook áp dụng quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các tài khoản tích xanh, đặc biệt là những tài khoản sử dụng tiếng Việt hoặc nhắm đến người dùng Việt Nam. Nền tảng cần xây dựng cơ chế cho phép truy ra danh tính thực sự của chủ tài khoản được bảo chứng. Điều này giúp cơ quan chức năng dễ dàng xử lý khi xảy ra vi phạm, thay vì để các tài khoản giả mạo hoạt động tự do. Gần đây, TikTok Việt Nam cam kết xử lý video vi phạm bản quyền trong 48 giờ sau khi nhận báo cáo. Đây là minh chứng cho thấy sự can thiệp của cơ quan quản lý có thể thúc đẩy các nền tảng hành động nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng 2018 chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cho các nền tảng. Trong khi đó, chính các nền tảng – dưới sự tiếp sức của trí tuệ nhân tạo – đã lắng nghe người dùng và đề xuất các quảng cáo phù hợp xu hướng (trong đó có những quảng cáo đúng chủ đề nhưng nội dung lừa đảo). Vì vậy, Luật An ninh mạng cần bổ sung những quy định đối với trách nhiệm của các nền tảng số xuyên biên giới – vốn cũng được hưởng lợi từ những quảng cáo lừa đảo. Để hiện thực hóa điều này, chính phủ cũng cần có những hợp tác mang tính quốc tế về việc phòng chống tội phạm công nghệ cao. Hiện nay, liên minh châu Âu EU đã áp dụng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) để buộc các nền tảng lớn như Facebook chịu phạt nếu không kiểm soát nội dung bất hợp pháp.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) có thể thiết lập cơ chế cho người dùng Internet tố giác lừa đảo dễ dàng và nhanh chóng. Cũng theo báo cáo vào tháng 12/2024, chỉ khoảng 45% nạn nhân các vụ lừa đảo có báo cáo với cơ quan chức năng. Đây hiện là một hạn chế của nhà quản lý trong tiếp cận người sử dụng nền tảng số. Trong khi đó, mỗi trang của các đối tượng lừa đảo đều thu hút hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người theo dõi.
Sau cú sốc, bố của Tuấn cảnh giác đến mức cực đoan. Cụ chuyển sang điện thoại “cục gạch”, cự tuyệt với smartphone.
Thời đại số cho phép mỗi người dân trở thành một công dân số nhưng đồng thời cũng nâng cấp “năng lực nghiệp vụ” của tội phạm lừa đảo. Câu hỏi tôi đặt ra đầu bài, chỉ có thể trả lời bằng việc nâng cao “trình độ số” của người dân và khả năng “quản lý số” của cơ quan quản lý.
Võ Nhật Vinh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lua-dao-con-co-hau-mai-4880675.html