Làm thế nào để vun đắp mối quan hệ hòa hảo bền chặt hơn giữa người dân Mỹ và Việt Nam?
Tôi đã suy ngẫm nhiều về câu hỏi này sau chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, hồi tháng 2 vừa rồi, để ghi hình cho một bộ phim tài liệu dựa trên cuốn hồi ký của tôi – Because Our Fathers Lied (Bởi cha chúng tôi nói dối).
Nhan đề cuốn sách được gợi cảm hứng từ câu thơ của Rudyard Kipling: “Nếu ai hỏi vì sao chúng tôi chết? Bảo họ rằng: bởi cha ông đã lừa dối chúng tôi”.
Cha tôi, Robert S. McNamara, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, và được xem là kiến trúc sư của cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng nhan đề cuốn sách của tôi mang ý nghĩa rộng hơn. Tôi không phải đứa con duy nhất của nhà lãnh đạo Mỹ, chịu trách nhiệm hoạch định và giám sát cuộc chiến bất công ấy vào thập niên 1960.
Hồi đó, tôi chỉ tìm được sự bình yên trong tâm hồn sau khi đã bỏ đại học và thực hiện hành trình kéo dài hơn hai năm tới Nam Mỹ – nơi tôi trồng mía và vắt sữa bò cùng nông dân bản địa tại các nông trại từ Mexico đến Chile. Richard – con trai của Ngoại trưởng Dean Rusk – thì tìm đến Alaska, làm ngư dân, sau đó trở thành nhà báo. Con trai của Đại tướng William C. Westmoreland cũng từng chia sẻ về những tổn thương tâm lý khi lớn lên trong chính ngôi nhà mình.
Hàng trăm nghìn nam nữ thanh niên Mỹ, trong đó có tôi, đã xuống đường biểu tình. Nhiều trong số họ, lính tráng và các cựu binh, kêu gọi chính phủ chấm dứt hậu thuẫn cho cuộc chiến ở Việt Nam.
Khi còn trẻ, tôi đã nhiều lần đối diện với cha mình, để nói về cuộc chiến. Nhưng ông thường lảng tránh và không bao giờ thừa nhận những tổn thất ông đã gây ra cho cả một thế hệ người Việt và người Mỹ. Trong nỗi bực dọc với ông, tôi đã treo ngược lá cờ Mỹ trong phòng ngủ như một dấu hiệu nổi loạn bất ổn.
Trong lần đầu đến Việt Nam năm 2017, tôi cùng con gái Emily đã gặp gỡ con cháu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở Quảng Trị, tôi gặp Chuck Searcy, đồng sáng lập Dự án RENEW – chương trình đã rà phá hơn 815.000 quả bom mìn còn sót lại, kể từ năm 2001. Sau chuyến thăm, tôi được mời tham gia ban cố vấn của RENEW.
Chuyến đi năm nay mang lại cho tôi những góc nhìn và tình bạn quý giá. Trước đây, tôi luôn lấy làm khó hiểu: vì sao Việt Nam có thể giành chiến thắng trước một đối thủ sở hữu hỏa lực và công nghệ vượt trội.
Thực tế, sự am hiểu công nghệ và khả năng phân tích dữ liệu vốn là thế mạnh của cha tôi, từng được tôi luyện trong Thế chiến II và trong thời gian làm việc tại Tập đoàn Ford. Ông đã áp dụng lợi thế hiểu biết và kinh nghiệm dày dặn này để thiết kế Hàng rào điện tử McNamara (McNamara Line) dọc theo khu phi quân sự, như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện và chống lại sự xâm nhập của quân đội Việt Nam qua khu vực này.
Ngày 4 tháng 3, tôi cùng đoàn làm phim của VTV4 tới Quảng Trị, nơi tôi gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam. Họ chia sẻ những chiến thuật thô sơ để “qua mặt” Hàng rào điện tử McNamara. Ví dụ, họ dùng bi-đông, cốc và đĩa nhôm bỏ lại của quân Mỹ, treo chúng dọc tuyến phòng thủ, lợi dụng gió tạo ra những tiếng động giả đánh lừa hệ thống cảm biến rằng đang có các hoạt động tiếp vận qua khu phi quân sự. Đôi khi, họ cải tiến hơn một chút bằng cách cho chuột hoặc ếch vào trong, tạo ra âm thanh mô phỏng sự di chuyển của quân lính.
Điều khiến tôi bàng hoàng hơn cả là hậu quả từ sự “say sưa” quá mức của cha tôi với các con số và dữ liệu thống kê, dẫn đến việc yêu cầu tướng lĩnh báo cáo số lượng “địch bị tiêu diệt” tăng lên mỗi ngày. Những con số này giúp quân đội dễ dàng hơn trong việc xin thêm ngân sách, binh lính và vũ khí từ Quốc hội Mỹ, và khiến tôi đau đớn gấp bội khi cùng cựu phóng viên ảnh chiến trường Ron Haeberle gặp hai người sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai tại Quảng Ngãi, nghe họ gào khóc như thể cuộc tàn sát gia đình họ vừa mới xảy ra hôm qua.
Haeberle đã giải thích chi tiết về từng bức ảnh ông chụp tại Mỹ Lai. Những bức ảnh này được đăng trên tạp chí LIFE của Mỹ vào tháng 11 năm 1968 và đã góp phần làm thay đổi quan điểm của công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh.
Các báo cáo chính thức của quân đội Mỹ, trong khi đó, vẫn khoe khoang đã tiêu diệt hàng trăm “binh lính”, chứ không phải dân thường, ở Mỹ Lai.
Vậy hôm nay, chúng ta còn lại gì, sau năm mươi năm kết thúc chiến tranh?
Những cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh và du kích Việt Nam đã giúp tôi hiểu về động lực sâu xa của họ: mong muốn giành lại độc lập và thống nhất đất nước, bất chấp tổn thất nặng nề.
Điều quý giá hơn cả là cái ôm rất chặt từ những người từng là cựu thù, bày tỏ với tôi mong muốn hướng tới tương lai. Tôi rời Việt Nam với niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta hoàn toàn có thể, và nhất định phải chung tay – từ chính phủ đến người dân – trên hành trình xây dựng hòa bình và hòa giải thực sự.
Là một nông dân trồng óc chó, hạnh nhân và ô liu hữu cơ tại California suốt bốn thập kỷ qua, tôi tin rằng đất đai là nguồn dưỡng chất và tâm linh nuôi dưỡng chúng ta.
Tôi nhớ đến lời của nhà tiên tri Isaiah: “Hãy rèn thanh gươm thành lưỡi cày”. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có sự hợp tác giữa nông dân và các nhà hoạch định chính sách Việt – Mỹ, để cùng xây dựng những mô hình nông nghiệp bền vững, vì thế hệ con cháu mai sau.
Craig McNamara
Nguồn tin: https://vnexpress.net/loi-noi-doi-cua-cha-toi-4880069.html