Đọc “Thế giới trong bạn”, ta sẽ thấy rằng trước mọi câu hỏi, lời hồi đáp của Krishnamurti đều giúp cho người đọc tự nhìn thấy các vấn đề của họ bằng cách hãy tự biết mình.
Thế giới trong bạn (tựa gốc: “The World Within”) tổng hợp những cuộc hỏi đáp giữa Jiddu Krishnamurti với những người đã tìm đến ông vào giai đoạn ông sống “lánh đời” hồi Thế chiến thứ 2. Dù vậy, cuốn sách vẫn mang tính thời đại và có liên hệ trực tiếp với cuộc sống ngày nay.
Người ta tìm đến để hỏi Krishnamurti về mọi thứ: sinh kế, mối quan hệ, nuôi dạy con, mâu thuẫn hàng ngày, bế tắc trong cuộc sống, nỗi đau đang xiềng xích họ, tình trạng trống rỗng, chán nản nghề nghiệp, những giấc mơ lộn xộn, xung đột với tổ chức, chiến tranh và thậm chí là cách để thay đổi thế giới…
Đọc “Thế giới trong bạn”, ta sẽ thấy rằng trước mọi câu hỏi, lời hồi đáp của Krishnamurti đều giúp cho người đọc tự nhìn thấy các vấn đề của họ bằng cách hãy tự biết mình. Bởi mọi niềm vui và đau khổ của thế giới đều là sự phản ánh của niềm vui và đau khổ trong ta, vì ta chính là thế giới, nên mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ chính mình. “Giống như cái cây sẽ chết nếu các cành và lá của nó bị cắt cụt nhiều lần, sự vô minh và đau khổ phải bị triệt hạ ngay khi chúng xuất hiện, thông qua nhận thức không ngừng và sự hiểu biết”, ông nói.
Nhưng, tự biết mình bằng cách nào và tự nhận thức như thế nào là sâu sắc? Câu trả lời sẽ được lật mở chậm rãi qua 80 bài đối thoại trong cuốn sách “Thế giới trong bạn”. Tựu trung, theo Krishnamurti, sự hiểu biết trọn vẹn về chính mình bắt đầu từ việc xem xét triệt để các suy nghĩ và cảm xúc, vượt lên trên kiến thức, không so sánh, không phán xét, không lệ thuộc vào người khác và nhất là không tuân theo bất cứ khuôn mẫu nào.
“Tự biết mình là việc không dễ dàng”, Krishnamurti nói, “Nó giống như một bộ sách dày trang. Bạn không thể bỏ qua một trang nào, bởi vì mỗi trang đều đưa ra gợi ý về sự khám phá và trải nghiệm”. Một khi ta biết cách đọc cuốn sách chính mình, ta cũng sẽ biết về thế giới xung quanh và mọi vấn đề của nó. “Bạn chính là thế giới”, Krishnamurti nói.
Cách đối thoại của Krishnamurti trực diện và tỉnh táo, lập luận của ông đôi khi sắc như dao, có lúc lại uyển chuyển với hình ảnh cái cây, con sông, đám lửa… Cứ thế, qua từng đoạn đối thoại ngắn, ông đã khiến cho người xem thời xưa lẫn người đọc hiện tại choáng váng, như lời của một người được giải đáp đã chia sẻ: “Điều ông vừa nói dường như đã mở ra những triển vọng lớn lao, tôi phải suy nghĩ về nó”.
Không khuyên bảo hay dạy dỗ, điều Krishnamurti làm là gợi mở cho người ta tự chiêm nghiệm, tự suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời. Ông không ngừng nhắc nhở mọi người nhìn vào nội tâm, nhìn thế giới qua chính mình, để tự giải thoát bản thân khỏi những sự khuôn định, khỏi những tư tưởng và thẩm quyền. Và để bắt đầu hành trình đó, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa cũng không cần cầu viện bất kỳ ai, chúng ta có thể bắt đầu từ chính mình, bằng thiền định đúng và tư duy đúng.
Về Krishnamurti
Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông thường bàn về các chủ đề: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.
Krishnamurti khẳng định rằng ông không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông cũng không tán thành trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Ông dành phần lớn quãng đời của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, dành trọn cuộc đời cho sứ mệnh vì nhân loại và dùng sự hiểu biết của mình để mở ra con đường giải thoát con người khỏi khổ đau và muộn phiền trong cuộc sống. Những lời dạy của ông luôn vượt lên trên mọi biên giới và ranh giới do con người tạo ra.
Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, “Bạn đang nghịch gì với đời mình”, “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Tự do vượt trên sự hiểu biết”.
BẢN ĐỌC THỬ