Mấy năm trước, khi tới thăm gia đình người bạn là Việt kiều ở Montreal, Canada, tôi được anh chị khoe cô con gái lớn đã rời Deloitte – một trong Big4 toàn cầu – để thi đậu công chức nhà nước.
Khác với Việt Nam, công chức ở đây có thể hưởng lương và quyền lợi còn cao hơn tại các tập đoàn tư nhân; hơn nữa, được xã hội và công chúng đánh giá cao. Tuy vậy khi vi phạm đạo đức và nguyên tắc nghề nghiệp, cái giá mà họ phải trả cũng rất nặng nề, tương tự công chức ở Nhật Bản hay Đức.
Chẳng hạn ở Nhật, một tài xế xe buýt 58 tuổi tại Kyoto với 29 năm thâm niên, mới đây bị phát hiện đút túi 1.000 yên (tương đương 182.000 đồng) tiền vé hành khách. Hành vi tưởng như nhỏ nhặt này khiến ông bị sa thải và mất toàn bộ khoản lương hưu trị giá 84.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng).
Tòa án Tối cao Nhật Bản khẳng định hình phạt này là thích đáng vì hành vi tham ô dù nhỏ cũng làm tổn hại lòng tin công chúng và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Sự việc không chỉ gây chấn động vì số tiền quá nhỏ so với hậu quả quá lớn, mà còn phản ánh triết lý quản trị công vụ nghiêm khắc và nhất quán ở Nhật: công chức, dù cấp thấp, vẫn phải chịu trách nhiệm đạo đức và pháp lý đến cùng. Trong một xã hội coi trọng kỷ cương, tính liêm chính, không có chỗ cho sự nhân nhượng, dù chỉ một đồng tiền công bị chiếm dụng.
Hệ thống pháp luật Đức cũng thể hiện lập trường không khoan nhượng đối với công chức sai phạm, kể cả khi họ đã nghỉ hưu. Luật Kỷ luật công chức Liên bang Đức quy định công chức về hưu nếu bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng khi còn tại chức có thể bị giảm hoặc tước toàn bộ lương hưu. Đây là chế tài đặc biệt, không chỉ trừng phạt bằng pháp lý mà còn chạm vào lợi ích vật chất và danh dự của người từng nắm giữ quyền lực. Cơ chế này phản ánh tư duy nhất quán về trách nhiệm công vụ: công chức là người thay mặt Nhà nước phục vụ nhân dân, nên sự tha thứ không nên dành cho những ai lợi dụng vị trí để tư lợi cá nhân. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tòa án Đức đã tuyên bố truất bỏ toàn bộ quyền hưởng lương hưu và danh hiệu chức vụ từng nắm giữ, như một hình thức đoạn tuyệt với những người đã đánh mất tư cách làm công bộc.
Ở Ba Lan, tinh thần chống tham nhũng cũng được thể hiện rõ nét qua luật pháp. Trong một chiến dịch quyết liệt năm 2018-2019, chính phủ nước này không chỉ truy tố các quan chức sai phạm mà còn áp dụng biện pháp cắt toàn bộ lương hưu đối với những người bị phát hiện vi phạm pháp luật hoặc đạo đức công vụ. Những viên chức hành chính từng tiếp tay cho các hành vi sai trái khi đương nhiệm đã bị điều chỉnh lương hưu xuống mức tối thiểu, bất chấp thời gian công tác dài hay chức vụ cao.
Biện pháp cắt giảm này từng gây tranh cãi nhưng cuối cùng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng Ba Lan. Người dân coi đó là biểu tượng của công lý, của sự chấm dứt bao che và xử lý nửa vời. Bằng cách cắt bỏ đặc quyền hưu trí đối với những người từng lạm quyền, chính phủ Ba Lan gửi đi thông điệp rõ ràng: quá khứ không được che chắn cho những hành vi phi đạo đức. Sự liêm chính phải được bảo vệ ngay cả khi người vi phạm đã không còn nắm quyền.
Từ các quốc gia này có thể rút ra một điểm chung: họ đều xây dựng nền văn hóa công vụ đặt liêm chính làm trung tâm. Trách nhiệm không chấm dứt khi công chức rời vị trí. Việc xử lý vi phạm không chỉ để trừng phạt cá nhân mà còn để giữ vững niềm tin vào thể chế và đạo lý công vụ.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt trong xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu. Hàng loạt cán bộ bị xóa tư cách chức vụ, bị truy tố, xét xử và kết án tù, kể cả đã về hưu nhiều năm. Tuy nhiên, điểm hạn chế dễ thấy là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế điều chỉnh quyền lợi hưu trí với những người vi phạm nghiêm trọng. Hình thức xóa tư cách chức vụ chủ yếu mang tính danh dự, trong khi các lợi ích vật chất – chẳng hạn lương hưu – vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Thực tế này tạo ra một nghịch lý: có người gây thiệt hại lớn cho ngân sách, làm suy giảm uy tín thể chế, nhưng vẫn đều đặn hưởng mức lương hưu và chế độ đãi ngộ cũ. Trong khi đó, việc xử lý hình sự kéo dài, phức tạp và tốn kém.
Việc sửa đổi luật theo hướng cho phép giảm lương hưu với công chức vi phạm nghiêm trọng là cần thiết, tất nhiên phải đi kèm với quy trình chặt chẽ để đảm bảo tính nhân văn và hợp hiến. Một phương án khả thi là áp dụng hình thức xử lý qua quyết định của tòa án, dựa trên mức độ vi phạm, hậu quả gây ra và tính chất tái phạm nếu có. Hình thức này cũng cần xác định rõ phạm vi áp dụng mức điều chỉnh, căn cứ vào thời điểm xảy ra sai phạm của họ trong thời gian đương chức.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế thu hồi tài sản có được từ hành vi sai trái, kể cả khi người đó đã về hưu. Đây là điều không mới trên thế giới và hoàn toàn phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Một nền công vụ trong sạch đòi hỏi không chỉ xử lý nghiêm người đang tại vị mà còn không để người đã nghỉ hưu trở thành “vùng an toàn” trước pháp luật. Việc này sẽ được người dân ủng hộ bởi đồng tiền nộp thuế của họ sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Chủ trương tinh giản bộ máy hiện nay là cơ hội để Nhà nước không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn nâng cao thu nhập cho những công chức còn lại. Khi đãi ngộ đủ tốt, hệ thống công vụ sẽ có thêm cơ sở để yêu cầu sự liêm chính, trách nhiệm và kỷ luật nghề nghiệp cao hơn.
Những ví dụ từ Nhật, Đức, Ba Lan và Canada cho thấy: liêm chính không thể chỉ là kỳ vọng đạo đức, mà phải được bảo vệ bằng quyền lợi và chế tài đủ mạnh. Việt Nam không thiếu quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng, nhưng để hành động thực sự có hiệu quả, cần một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch và có sức răn đe đối với mọi công chức, dù còn tại chức hay đã nghỉ hưu, dù ở chức vụ cao hay thấp.
Lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền được bảo vệ bằng những quy định nghiêm khắc và công bằng, đó mới là nền móng vững chắc cho một nhà nước liêm chính và phát triển bền vững.
Đinh Hồng Kỳ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/liem-chinh-cong-chuc-va-luong-huu-4877815.html