Hồi tháng 2 năm nay, bạn tôi ở Anh chuyển tiền về, dặn người nhà chia ra mua vàng và gửi tiết kiệm cho “nhẹ đầu”. Hôm nay, người nhà báo tin, giá vàng đã tăng mạnh.
Giá vàng trong nước lên 124 triệu đồng/lượng vào ngày 22/4, tăng hơn 45% so với mức 85 triệu đồng/lượng đầu năm nay. Trong số các kênh đầu tư truyền thống và không cần quá nhiều tiền như chứng khoán, tiết kiệm, không kênh nào theo kịp đà tăng này.
Cái chữ “nhẹ đầu” của bạn tôi thật ra bao hàm một triết lý đầu tư và quản lý tài sản lâu năm của nhiều người Việt, cũng phù hợp một cách đáng ngạc nhiên với nhiều phương pháp quản lý danh mục đầu tư hiện đại của các quỹ đầu tư, và chương trình tiết kiệm hưu trí của phương Tây.
Những người cứ có dư tiền thì mua một ít vàng chính là để bảo vệ tài sản của họ trước biến động của lạm phát, sự mất giá của tiền tệ và bất ổn kinh tế. Quan trọng hơn, giải pháp này khiến họ “nhẹ đầu” vì không phải suy nghĩ quá nhiều, nếu cần cũng dễ dàng đem đi bán.
Chính nhờ đầu tư dễ, thanh khoản nhanh, có thể nắm giữ dài hạn, lại chứng minh được hiệu quả trong nhiều năm qua, vàng trở thành một phần quan trọng trong danh mục đầu tư và tiết kiệm của nhiều người Việt.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có hai vấn đề nổi lên do việc người Việt đầu tư vào vàng.
Thứ nhất là chuyện lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.
Mỗi đợt vàng tăng giá mạnh, giá trong nước lại tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Khoảng cách này tồn tại từ khi tôi còn đi làm tại một ngân hàng ở Việt Nam đầu những năm 2000 cho đến nay.
Có lúc mức chênh lệch là vài triệu đồng, nhưng cũng có lúc lên tới hơn 10 triệu. Hiện nay, chênh lệch ở mức 12-14 triệu đồng.
Từ năm 2012, Việt Nam thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vàng. Chính sách này có mục tiêu ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nguồn cung vàng chính thức bị hạn chế.
Mỗi khi giá vàng thế giới tăng mạnh, nguồn cung vàng trong nước chưa phản ứng kịp thì giá vàng trong nước sẽ lệch pha với thế giới. Nếu nguồn cung được Nhà nước can thiệp để tăng lên tương ứng, chênh lệch này được thu hẹp.
Ví dụ, năm 2013, Nhà nước tổ chức tổng cộng 76 phiên đấu giá và bán ra 1.819.900 lượng vàng (khoảng 70 tấn), trị giá 3 tỷ USD. Hoạt động này đã giúp thu hẹp chênh lệch vàng trong nước và thế giới.
Hoặc vào thời điểm giá vàng tăng cao và lệch pha lớn với vàng thế giới (có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng), Ngân hàng Nhà nước cũng phải đưa ra các giải pháp bán vàng bình ổn.
Như tôi từng thảo luận vấn đề này trong bài viết “Loay hoay với vàng”, trong một thế giới cổ tích, chỉ cần lần nào biến động lớn, Nhà nước cho phép nhập vàng, gia công để bán ra thị trường cho đến khi giá bằng giá quốc tế, thì sẽ giảm được chênh lệch với giá thế giới.
Tuy nhiên, nhập khẩu vàng nguyên liệu cần ngoại tệ. Một số doanh nghiệp cam kết tự cân đối được ngoại tệ để nhập vàng, không cần hỗ trợ từ dự trữ ngoại hối, nhưng như vậy vẫn có thể ảnh hưởng cung ngoại tệ trên toàn thị trường. Sức ép gia tăng thêm cho tỷ giá ở một số thời điểm nhập nhiều vàng, song song với gia tăng các loại nhập siêu khác là khó tránh. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó lường như hiện nay, mạo hiểm tăng nhập vàng sẽ khiến nền kinh tế dễ tổn thương hơn nếu có cú sốc đối với xuất khẩu, làm tăng nhập siêu nhiều và gây bất ổn lên tỷ giá.
Còn nếu chỉ nhập vàng cầm chừng, không để ảnh hưởng lớn đến tỷ giá thì sao? Thì mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế cũng “cầm chừng” như vậy. Giống như chúng ta năm ngoái hạ được chênh lệch giá vàng so với quốc tế từ 18 triệu xuống còn vài triệu, nay lại vọt lên 14 triệu vậy.
Có người cho rằng sửa đổi Nghị định 24 sẽ giải quyết vấn đề. Tôi thì nghĩ, còn tùy vào việc sửa đổi như thế nào, và quan trọng là áp dụng ra sao.
Bản chất sâu xa nằm ở chỗ: nhu cầu tích trữ vàng trong dân vẫn ở mức cao, trong khi nguồn lực quốc gia không thể dồn toàn bộ vào nhập khẩu vàng mỗi khi giá tăng mạnh. Do đó, để xóa bỏ hoàn toàn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là điều khó khả thi. Giải pháp hợp lý là kiểm soát mức chênh lệch này trong phạm vi có thể chấp nhận được. Khi giá vàng thế giới giảm, độ vênh giữa giá trong nước và quốc tế cũng sẽ theo đó mà hạ nhiệt.
Vấn đề thứ hai, là có ý kiến cho rằng ai cũng đi mua vàng, không lo sản xuất, thì nguồn lực của nền kinh tế sẽ bị chôn trong vàng. Điều này cũng giống như họ nói về tiền đi vào đất, không vào sản xuất nữa.
Những lập luận này có lý, nhưng bỏ qua hai vấn đề. Thứ nhất, tỷ lệ tiết kiệm của người Việt Nam cao, vì tính lo xa, dự phòng cho những bất trắc. Những khoản tiết kiệm và dự phòng đó là một tấm đệm an sinh xã hội tự tạo của người dân để lo cho tuổi già, bệnh tật. Thứ hai, những lựa chọn đầu tư thay thế trong nền kinh tế không thật nhiều và không phù hợp cho số đông. Ví dụ, không nhiều người có thể hiểu biết đầy đủ về thị trường chứng khoán để đi đầu tư chứng khoán, trong khi niềm tin vào quỹ đầu tư chưa đủ lớn, và chính sách thuế đối với đầu tư vào quỹ chưa được như một số nước mà chứng khoán phổ biến (ví dụ có tài khoản đầu tư chứng khoán được miễn thuế cho mục đích tiết kiệm hưu trí).
Cuối cùng, không phải ai cũng phù hợp mà thay vì lấy tiền mua vàng lại đi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sản xuất, kinh doanh vốn rủi ro, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đánh vật với nhiều khó khăn trong và ngoài nước, chủ quan lẫn khách quan. Ví dụ, những biến động bất ngờ về thuế quan vừa rồi có thể gây rất nhiều khó khăn và thua lỗ nếu chủ doanh nghiệp không khéo chèo chống. Vì vậy, không phải ai cũng có khả năng đưa tiền vào sản xuất, cho dù trực tiếp kinh doanh hay góp vốn, thậm chí mua cổ phiếu công ty niêm yết.
Chính cái chữ “nhẹ đầu” bạn tôi nêu ở đầu bài đã phản ánh chuyện đó. Bạn không muốn gia đình đầu tư tiền mình gửi về vào những gì quá khả năng phân tích và quản lý của họ.
Nhưng dân nhẹ đầu thì cơ quan quản lý lại đau đầu với biến động trên thị trường vàng. Áp lực đến từ nhiều phía: vừa kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, phải đảm bảo cân đối với nguồn lực hiện có, rồi cần tính toán cả ảnh hưởng đến biến động tỷ giá, dự trữ ngoại hối. Nhà quản lý còn phải đối mặt với yêu cầu tìm giải pháp ‘huy động vàng trong dân’, một bài toán chưa từng dễ dàng.
Mấu chốt là người dân đã quen với việc tích lũy tài chính theo cách “nhẹ đầu”, ít phải suy tính. Để thuyết phục họ đưa nguồn lực đó vào một kênh đầu tư khác thì phải có chính sách thích hợp tương ứng, khuyến khích các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn, dễ dàng tiếp cận hơn; hoặc làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Suy nghĩ “chỉ cần sửa Nghị định 24” dễ dẫn đến tư duy đơn giản hóa vấn đề, hoặc chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Bạn tôi nói, nếu ai đầu tư bán phở, xuất khẩu nông sản, hàng hóa ra nước ngoài cũng có lời, thì dân đã không đổ đi mua vàng.
Nhẹ đầu hay đau đầu với vàng là tùy cách tiếp cận, quan trọng là phải thuận theo lý lẽ, bản chất vấn đề để giải quyết.
Hồ Quốc Tuấn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khi-dan-van-chon-vang-4877438.html