
Vừa qua, TS Sang là người Việt duy nhất tại Úc được nhận tài trợ toàn phần của Viện Hàn lâm Khoa học Úc (AAS) để tham dự Hội nghị những người đoạt giải Nobel Lindau năm 2025.
Tuổi thơ “gió bụi”
Sinh ra ở xã EaTôh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk – nơi mùa nắng bụi đỏ, mùa mưa lầy lội, anh Sang không có tuổi thơ ngập tràn đồ chơi hay sách vở mới tinh như bạn bè phố thị. Thay vào đó, mỗi khi mùa mưa tới, anh cùng các bạn quanh xóm đều phải đi ủng để tới trường.
“Tôi quen với chuyện thiếu thốn, thiếu điện, thiếu sách, thiếu cả điều kiện học tập. Nhưng chính những thiếu thốn đó lại dạy cho tôi cách kiên trì, tự học hỏi và không dễ bỏ cuộc. Chính tuổi thơ đó, hơi gió bụi một chút, lại dạy tôi biết nỗ lực và không bao giờ ngừng ước mơ , thứ mà tôi mang theo suốt cả hành trình làm khoa học”, anh Sang chia sẻ.
Đến với Hóa học từ sự tò mò bản năng, ngay từ nhỏ, anh đã thích thú với các thí nghiệm đơn giản trong sách khoa học thiếu nhi, như làm pin từ củ khoai tây hay là thổi bong bóng xà phòng… Lớn lên một chút, anh lại hay tò mò về cách hoạt động của mọi thứ xung quanh, từ bột giặt cho tới pin, bình ắc-quy…
Thế rồi, anh chợt nhận ra có cả một bầu trời Hóa học trong những bong bóng xà phòng. Dần dần, chính niềm tò mò ấy dẫn anh đến với Hóa học, nơi đi tìm lời giải cho nhiều hiện tượng tưởng như rất bình thường trong cuộc sống.
Khi vào đại học, anh có cơ hội tiếp xúc với lĩnh vực kỹ thuật hóa học và vật liệu và đặc biệt ấn tượng với tiềm năng của vật liệu mới trong việc giải quyết các vấn đề lớn như năng lượng, môi trường , và sức khỏe. Từ đó, anh quyết định gắn bó lâu dài với con đường này.

TS. Trần Tuấn Sang sinh ra ở xã EaTôh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk.
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TPHCM, anh Sang nhận học bổng nghiên cứu sau đại học của Đại học ME Gachon, Hàn Quốc, rồi nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học RMIT, Úc. Sau một hành trình học thuật, tâm thế của một tiến sĩ được hun đúc từ vùng đất nắng gió Tây Nguyên thật đúng với tinh thần, sự kiên cường vốn có của người dân nơi đây.
“Mỗi khi gặp khó khăn trong nghiên cứu, thí nghiệm thất bại, bị từ chối bài báo, hay áp lực công việc, tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Nên sau này, khi đối mặt với thử thách lớn hơn, tôi không thấy sợ. Khó khăn không còn là vật cản, mà trở thành “trọng lượng” để tôi rèn ý chí”, anh Sang chia sẻ.
Hành trình “nảy mầm”
Trong suốt hành trình học tập và nghiên cứu xuyên quốc gia (từ Việt Nam sang Hàn Quốc rồi đến Úc), anh Sang nhận thấy, thời điểm anh thực sự trở thành một người làm nghiên cứu, là khi bắt đầu chương trình cao học tại Hàn Quốc. Trước đó, dù rất yêu thích khoa học, nhưng anh vẫn nhìn nghiên cứu như một việc học nâng cao, học để hiểu, để làm theo.
“Lần đầu tôi được tiếp cận với thiết bị hiện đại, phải tự thiết kế thí nghiệm từ A đến Z, phải học cách đặt ra câu hỏi nghiên cứu cho riêng mình. Và khoảnh khắc không còn chờ đề tài được giao, mà chủ động tìm kiếm những vấn đề khoa học thú vị, tôi đã thực sự bước vào thế giới của một nhà nghiên cứu thực thụ”, anh Sang cho biết.
Graphene vốn nổi tiếng là “vật liệu kỳ diệu” có thể làm thay đổi tương lai của xe điện và các thiết bị điện tử công nghệ cao, nhưng vẫn còn khó tiếp cận do quy trình sản xuất phức tạp và tốn kém. Nhóm nghiên cứu đã tìm ra một hướng đi khác tiết kiệm hơn, dễ triển khai hơn mà vẫn giữ được chất lượng vật liệu.
Trong số các công trình gần đây, anh Sang tâm đắc nhất nghiên cứu về sản xuất vật liệu graphene dạng bột ở quy mô công nghiệp. Đây là một dự án mà anh và nhóm nghiên cứu đã nộp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu sử dụng lực căng bề mặt trong dòng chảy rối của chất lỏng, giống như xay sinh tố, để sản xuất graphene – một phương pháp đơn giản, hiệu quả, và đặc biệt là có tính thực tiễn rất cao.

TS. Sang trong phòng thí nghiệm.
Theo anh Sang, điều khó hơn trong quá trình làm nghiên cứu không phải là những thất bại kỹ thuật, bởi lỗi kỹ thuật thì còn có cách khắc phục bằng cách làm lại, thử hướng khác, học từ sai lầm. Nghiên cứu là công việc đôi khi khá cô đơn.
“Có những thời điểm mình tự hỏi liệu mình đang đi đúng hướng chưa, có ai thật sự hiểu điều mình đang theo đuổi không. Nhưng rồi Đư ờng phố vốn có trăm đường /Đ ường đời lẽ nào không thế /N gã chỗ nào thì đứng lên chỗ đấy /R a đời ngã cái chả nhẽ lại bỏ v ề… ”, anh Sang nói.
Đặc biệt, khi làm nghiên cứu về vật liệu nano cho năng lượng tái tạo, tiến sĩ trẻ nhận ra rằng, nếu chỉ biết mỗi hóa học thì không thể đi xa. Anh phải học thêm về điện tử, cơ khí, cả lập trình, những thứ trước đây từng rất ngại “chỉ nhìn thôi đã thấy chóng mặt”.
Anh Sang nói vui, cũng mất một thời gian để anh học được tính “không biết ngại”, không phải giỏi nhiều thứ mà phải biết mở lòng để học và làm việc cùng nhau.

Theo anh Sang, làm khoa học giống như trồng cây, mỗi mầm non hiểu biết mọc lên đều làm anh thấy đáng sống hơn.
“Có lẽ điều khiến mình hạnh phúc nhất là khoảnh khắc mình hiểu ra một điều gì đó sau nhiều ngày bế tắc. Lúc đó cảm giác cứ như bắt được sóng Wi-Fi mạnh sau nhiều ngày mất mạng. Có khi chỉ là một thí nghiệm chạy thành công, một phản ứng xảy ra đúng như dự đoán, vậy thôi mà vui không ngủ được. Làm khoa học giống như trồng cây, mỗi mầm non hiểu biết mọc lên đều làm mình thấy đáng sống hơn” – TS. Trần Tuấn Sang.
Mới đây, TS. Trần Tuấn Sang là người Việt duy nhất (tại Úc) được Viện Hàn lâm Khoa học Úc (AAS) trao học bổng để tham dự Hội nghị những người đoạt giải Nobel Lindau năm 2025 tại Đức.
Hội nghị những người đoạt giải Nobel lần thứ 74 tại Lindau, dành riêng cho lĩnh vực Hóa học dự kiến sẽ quy tụ hơn 30 người đoạt giải Nobel và 630 nhà khoa học trẻ từ 84 quốc gia.
Theo đó, nhà khoa học trẻ nhận được khoản tài trợ để có thể tham dự sự kiện và tham gia chuyến tham quan đổi mới nghiên cứu sẽ được giới thiệu một số cơ sở nghiên cứu và phát triển nghiên cứu liên quan đến Hóa học tốt nhất của Đức.
Hiện tại, TS. Sang đã có hơn 20 công bố khoa học tập trung nghiên cứu, thiết kế các tương tác giữa các vật liệu nano để cho phép ứng dụng trong các cảm biến linh hoạt, thiết bị điện tử hiệu suất cao và năng lượng tái tạo.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chang-trai-tay-nguyen-to-mo-voi-bong-bong-xa-phong-den-hanh-trinh-thanh-tien-si-188250421161936876.chn