Năm 1932, Tối cao Pháp viện Anh đưa ra một phán quyết, mang tính bước ngoặt trong lịch sử pháp luật Anh, về vụ Donoghue v. Stevenson.
Câu chuyện về vụ án và kết luận của thẩm phán được khắc lên bia đá ở nhiều nơi, như một lời răn dạy, vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Án lệ này đặt nền móng cho khái niệm “nghĩa vụ cẩn trọng” (duty of care) trong pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort).
Vụ án có thể tóm tắt như sau:
Vào một ngày tháng 8 năm 1928 ở Scotland, bà Donoghue đến quán và được người bạn mua cho một chai bia gừng của nhà sản xuất Stevenson. Chai bia có vỏ thủy tinh đục, không nhìn thấy bên trong. Sau khi uống gần hết, bà Donoghue mới thấy chảy ra từ trong chai một con ốc sên đã phân hủy. Bà Donoghue bị sốc, sau đó đau bụng dữ dội nên đã khởi kiện Stevenson đòi bồi thường.
Vấn đề pháp lý tưởng như khá đơn giản: bà Donoghue không có hợp đồng mua bán với Stevenson (bởi người mua chai bia là bạn của bà), thì Stevenson có phải bồi thường không?
Trong Thông luật, trước vụ án này, việc bồi thường mà không có hợp đồng chỉ xảy ra nếu nhà sản xuất cố tình che giấu và chủ động đưa chai bia có con ốc sên cho bà Donoghue, hoặc giả sử tất cả chai bia hãng này sản xuất đều có vấn đề.
Tối cao Pháp viện muốn trả lời câu hỏi rộng hơn: nếu giữa hai người không hề có hợp đồng, thì quan hệ nào, khái niệm nào hay làm cách nào để xác định người này phải bồi thường cho người kia nếu một bên có hành vi gây ra thiệt hại.
Lord Atkin – thẩm phán của vụ án – đã mượn khái niệm “người láng giềng” trong Kinh Thánh, để quy định thành khái niệm pháp lý. Kinh Tân ước bảo rằng: “Hãy yêu thương người láng giếng như yêu thương bản thân mình”, nghĩa là đừng bao giờ làm gì gây hại cho người gần gũi với mình nhất.
Trong pháp lý, “nguyên tắc Người láng giềng” được hiểu như thế nào? Bạn phải yêu người hàng xóm của mình – tức là, bạn có trách nhiệm cẩn trọng đối với những người mà bạn có thể dự đoán là sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi của bạn. Từ đó, thẩm phán Lord Atkin đi đến kết luận: dù có hợp đồng hay không, một người phải có nghĩa vụ cẩn trọng, suy xét và đánh giá hậu quả đối với tất cả những người có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi của mình.
Tòa tuyên bà Donoghue thắng kiện về mặt pháp lý. Năm 1931, nhà sản xuất Stevenson qua đời, vụ kiện kết thúc sau đó bằng dàn xếp ngoài tòa. Tuy nhiên, phán quyết của Tối cao Pháp viện đã trở thành án lệ mang tính nền tảng cho khái niệm “trách nhiệm ngoài hợp đồng” (negligence liability) trong Thông luật Anh.
Tôi nhớ đến án lệ này khi nghĩ về hiện tượng người nổi tiếng tham gia livestream bán hàng trên mạng. Trước đây, nhiều người bình thường bỗng dưng nổi tiếng vì livestream bán hàng. Nay thì vì lợi nhuận, người nổi tiếng cũng tham gia ngành công nghiệp này.
Giống như câu chuyện trong vụ án trên, người tiêu dùng mua hàng trên các nền tảng, mua trực tiếp từ công ty sản xuất, chứ không mua từ người nổi tiếng. Không có hợp đồng mua bán hàng hóa nào giữa khách hàng và các ngôi sao livestream cả.
Câu hỏi đặt ra là: những người nổi tiếng khi tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm – đặc biệt là những sản phẩm họ không trực tiếp sản xuất, không chịu trách nhiệm phân phối – thì có phải chịu trách nhiệm gì không, nếu sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng?
Nếu theo lập luận từ vụ Donoghue v. Stevenson, câu trả lời có thể là: có. Bởi lẽ, người nổi tiếng, với tầm ảnh hưởng của mình, có thể khiến hàng triệu người đặt niềm tin vào hành vi tiêu dùng và những lời giới thiệu của họ. Trong khoảnh khắc họ cầm sản phẩm lên, nói rằng “tôi đã dùng thử và rất hài lòng”, hoặc “sản phẩm này rất tốt cho sức khỏe”, thì hành động đó không đơn thuần là một phần của một hợp đồng quảng cáo nữa – nó là hành vi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người khác.
Người tiêu dùng nếu bị tổn hại – ví dụ dùng phải thực phẩm gây ngộ độc, mỹ phẩm gây dị ứng nặng, hoặc bị lừa mua hàng giả – hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: người nổi tiếng đã thực sự thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng chưa? Họ có kiểm tra nguồn gốc sản phẩm? Họ có biết rõ thành phần, tác dụng phụ? Họ có đặt câu hỏi về tính xác thực của sản phẩm mình giới thiệu?
Pháp luật hiện hành ở Việt Nam hay nhiều nơi khác chưa hoàn toàn định danh trách nhiệm pháp lý cụ thể của người nổi tiếng trong những trường hợp như vậy. Nhưng logic của “Nguyên tắc Người láng giềng” mà thẩm phán Atkin đưa ra vẫn còn nguyên giá trị áp dụng. Khi hành vi của anh có thể gây thiệt hại cho một người ở gần, không phải về mặt địa lý, mà về mặt quan hệ nhân – quả, thì anh phải suy xét kỹ hậu quả trước khi hành động.
Đó chính là nghĩa vụ cẩn trọng – không cần hợp đồng, không cần mối quan hệ cụ thể, chỉ cần một hành vi có thể gây ảnh hưởng là đủ để kích hoạt nó. Và nếu như vậy, thì phải chăng người nổi tiếng cần cân nhắc: trong thời đại mà một câu nói có thể khiến hàng trăm nghìn người rút ví, họ có đang hành xử như một người “láng giềng” đúng nghĩa pháp lý?
Pháp luật luôn đi sau thực tế một bước, nhưng những nguyên lý nền tảng như “nghĩa vụ cẩn trọng” lại giúp nó bắt kịp và điều chỉnh hành vi xã hội. Từ chai bia gừng có con ốc sên rữa trong quán nhỏ ở Scotland năm 1932, đến buổi livestream trăm nghìn đơn hàng ở Việt Nam năm 2025 – khoảng cách gần một thế kỷ và gần nửa vòng trái đất không làm thay đổi một điều: khi hành vi của một người có thể gây ảnh hưởng đến người khác, thì người đó phải cân nhắc hậu quả và có trách nhiệm liên đới.
Những người nổi tiếng, bằng sức ảnh hưởng của mình, không thể chỉ là người qua đường trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và sản phẩm. Họ có thể không ký hợp đồng với người mua, nhưng họ có “láng giềng” gần gũi là hàng triệu người đang theo dõi và tin tưởng họ. Và vì thế, người nổi tiếng cần bị ràng buộc bởi “nghĩa vụ cẩn trọng”, sẽ dẫn đến những trách nhiệm pháp lý tương ứng.
Bùi Phú Châu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/con-oc-sen-rua-trong-chai-bia-4876822.html