Tỉnh Quảng Nam đang triển khai dự án chống xói lở với tổng vốn hơn 980 tỷ đồng, xây dựng 7 đoạn đê ngầm ngắt quãng dọc bờ biển Cửa Đại dài gần 3,4 km.
Bờ biển Hội An dài khoảng 7,5 km, trong đó hơn 6 km bị xói lở nghiêm trọng suốt từ năm 2014. Mỗi năm sóng biển cuốn trôi hàng trăm mét đất, làm sập nhà dân, hàng quán và nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển.
Từ tháng 6/2020 đến tháng 9/2024, tỉnh Quảng Nam triển khai ba dự án với tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng để xây dựng tuyến đê ngầm dài hơn 2,3 km từ Victoria Hoi An Beach Resort & Spa, phường Cửa Đại ra phía bắc biển Thịnh Mỹ, phường Cẩm An.
Đê ngầm âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song song cách bờ biển 250 m. Đê cao trung bình 4,5 m, chân rộng 12 m, chóp rộng 1,5 m. Thân đê kết cấu phía trong bằng đá hộc, mỗi hòn nặng 700-1.200 kg, phía ngoài lát bêtông khối, mỗi hòn nặng 5 tấn.
Bờ biển Cửa Đại được kè túi vải geotube bỏ cát vào nhưng vẫn bị sạt lở năm 2016. Ảnh: Đắc Thành
Sau khi hoàn thành đê ngầm, Ban Quản lý dự án đã tận dụng nguồn cát nạo vét luồng Cửa Đại để bơm vào, trả lại bãi biển cát trắng dài 2,3 km. “Hiện sóng đánh vào có đê ngầm ngăn lại, giảm cường độ. Sóng tràn qua đê tiếp tục gặp bãi cát nên bị giảm lực tác động vào bờ”, ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam, nói.
Tiếp nối ba dự án, ngày 20/3 vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam khởi công dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 42 triệu euro (hơn 980 tỷ đồng), trong đó 35 triệu euro là khoản vay từ Cơ quan phát triển Pháp, 2 triệu euro đến từ khoản viện trợ không hoàn lại của EU, địa phương đối ứng 5 triệu euro. Thời gian hoàn thành dự án năm 2026.
Dự án thực hiện trên đoạn bờ biển dài gần 3,4 km từ cửa sông Thu Bồn đến Victoria Hoi An Beach Resort & Spa. Theo thiết kế, 7 đoạn đê ngầm được xây ngắt quãng với tổng chiều dài 2,1 km. Mỗi đoạn đê dài 200-450 m, các đoạn cách nhau 110-160 m. Đê xây cách bờ 250 m, cao hơn so với mực nước biển 0,6 m, được làm kiểu hình thang cao trung bình 5 m, đỉnh rộng gần 7 m. Thân đê được đổ đá, mặt ngoài phủ khối bêtông.
Đồ họa đoạn bờ biển được xây dựng đê ngầm. Ảnh: Đắc Thành
Sáu mỏ hàn được xây dựng nối từ bờ ra đến giữa thân đê, tổng chiều dài gần 1,5 km. Trong đó mỏ hàn giáp với cửa sông Thu Bồn được thiết kế hình thang, kết cấu đá và khối bêtông, năm mỏ hàn còn lại là bao tải cát. Sau khi tuyến đê và mỏ hàn hoàn thành, nhà thầu dự kiến lấy 1,5 triệu m3 cát từ biển Cửa Đại đổ lên tạo thành bãi khô rộng 40 m, bãi tắm rộng 60 m.
Giải thích lý do đoạn bờ biển dài gần 3,4 km, nhưng không xây dựng nối tiếp như dự án trước, ông Nguyễn Ngọc Tân cho hay do đặc điểm về chế độ thủy động lực biển tại khu vực tương đối phức tạp. Kết quả nghiên cứu khu bờ biển nước nông ven bờ cho thấy có nhiều lớp dòng chảy tác động lên nhau. Trong đó dòng chảy rối chiếm ưu thế, xuất hiện nhiều dòng xoáy cục bộ gây xói lở.
Dự án thiết kế tuyến đê ngầm thành 7 đoạn đứt quãng nhằm giảm thiểu sóng tác động trực tiếp vào bờ, qua đó tiêu tán một phần năng lượng sóng giúp hạn chế xói lở, xâm thực đường bờ cũng như thất thoát cát của bãi tắm. Tuyến ngầm ngắt quãng tập trung vào các vị trí trọng yếu, nút thắt thủy động lực xuất hiện dòng rối, dòng xoáy cục bộ có tần suất thường xuyên và cường độ mạnh.
Bờ biển Cửa Đại từ Victoria Hoi An Beach Resort & Spa đến cửa sông Thu Bồn dài gần 3,4 km được xây dựng 7 đoạn đê ngầm cách bờ 250 m. Ảnh: Đắc Thành
Việc đê ngắt quãng cũng góp phần bẫy và giữ cát khi cát theo sóng biển từ các bãi bồi ngoài khơi vào trong bờ và nguồn vận chuyển bùn cát dọc bờ, tạo cơ chế bồi tụ tự nhiên, phục hồi bãi biển vốn có.
Ngoài ra, các đoạn đê ngắt quãng cũng góp phần đảm bảo duy trì chế độ sóng và dòng chảy ven bờ nhằm phát triển bãi tắm; đảm bảo sự trao đổi nước biển giữa phía trong và phía ngoài đê, tạo môi trường sống cho các sinh vật biển, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái ven biển.
Theo ông Tân, việc xây đê cao hơn mực nước biển 0,6 m dựa trên tính toán chiều cao sóng tại khu vực mới. Thiết kế này giúp giảm từ 56% đến gần 78% năng lượng sóng, góp phần ổn định lâu dài đường bờ và bãi tắm.
Bãi biển Tân Thanh, nằm phía bắc bờ biển Hội An đang bị sạt lở những không xây dựng đê ngầm mà được cổ cát nuôi bãi. Ảnh: Đắc Thành
Đoạn bờ biển Tân Thành – An Bàng, phường Cẩm An dài 960 m bị sạt lở nhưng không xây dựng đê ngầm mà đổ cát nuôi bãi. Ông Tân lý giải dựa trên các nghiên cứu trước đây và khuyến nghị của chuyên gia, việc tiếp tục xây công trình cứng ở phía bắc sẽ không giải quyết triệt để nguyên nhân xói lở mà còn làm tình trạng này dịch chuyển xa hơn. Vì vậy, Ban Quản lý dự án không mở rộng đê ngầm, mỏ hàn mà chỉ đổ cát nuôi bãi nhằm bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.
“Việc nuôi bãi trên đoạn dài 960 m có tác dụng giảm thiểu tác động tích lũy của các dự án hiện có, khôi phục trầm tích tự nhiên và cân bằng lợi ích bãi biển từ Hội An đến Đà Nẵng. Giải pháp này giúp bổ sung nguồn bùn cát từ nam ra bắc, hạn chế xói lở tại khu vực bờ biển đã xây dựng”, ông nói.
Đắc Thành
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-bien-cua-dai-dang-duoc-chong-xoi-lo-the-nao-4872748.html