Tháng 6/2013, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, tôi về nước.
Bạn bè nhiều người chọn ở lại. Họ cũng giống tôi, xa xứ nhớ quê hương, nặng lòng với gia đình. Nhưng nhiều người băn khoăn: “Về nước thu nhập có ổn không”, “Công việc có phụ thuộc vào tiền tệ và quan hệ không?”…
Tôi không suy nghĩ quá nhiều, về nhà với niềm tin rằng đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới – nơi mà tri thức sẽ là được coi là vốn quý, người có năng lực sẽ được trọng dụng. Vả lại, với lớp trẻ, chưa tạo dựng được sự nghiệp và danh tiếng ở nước ngoài như chúng tôi, về hay ở thực ra chỉ là sự lựa chọn giữa các cơ hội, không phải đánh đổi quá nhiều.
Nhưng với các trí thức Việt kiều được mời gọi trở về đóng góp cho quê hương thì khác. Họ là những người đã có thành tựu, có tên tuổi, có vị trí trong công việc, và đã quen với môi trường sống ở nước ngoài. Quyết định về nước, với họ, có thể là cả một sự đánh đổi lớn, không chỉ tương lai của bản thân, mà còn của gia đình, con cái.
Đó là lý do tôi cho rằng, nếu chỉ kêu gọi trí thức Việt kiều bằng tình cảm, lòng yêu nước hay những khẩu hiệu, chúng ta sẽ khó thu hút được họ một cách bền vững. Trí thức, dù ở đâu, cũng cần môi trường làm việc mà ở đó năng lực được trọng dụng, sáng tạo được khuyến khích, sự minh bạch và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Và để tạo dựng được điều đó, không thể thiếu cơ chế đặc thù và đột phá dành riêng cho nhân tài Việt kiều.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thu hút trí thức kiều bào. Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người nước ngoài ở Việt Nam cho biết, số người có trình độ đại học trở lên chiếm 10-12% trong cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã đầu tư hơn 360 dự án với tổng số vốn 1,6 tỷ USD. Số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 đến 500 lượt người/năm. Theo đánh giá của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam, việc thu hút chưa thật sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia hoạt động ngắn ngày; số người về làm việc lâu dài không nhiều; chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ mà họ tham gia.
Tại sao sau nhiều chính sách như vậy, số lượng người về nước làm việc vẫn rất khiêm tốn?
Một phần do các chính sách đó chưa được thực thi đồng bộ, thường chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, thời gian ngắn. Mặt khác, rào cản lớn hơn nằm ở nội tại hệ thống: môi trường làm việc trong nước vẫn còn nhiều bất cập như cơ chế hành chính nặng tính hình thức, thiếu không gian sáng tạo, năng lực quản trị dự án yếu kém và ít có những trung tâm nghiên cứu hiện đại, mang tính kết nối toàn cầu.
Một chuyên gia công nghệ sinh học từ Mỹ chia sẻ với tôi rằng, anh từng rất háo hức khi được mời về làm việc trong một đại học lớn ở TP HCM. Nhưng sau một thời gian, anh phải trở lại Mỹ, bởi mọi sáng kiến của anh đều bị trì hoãn bởi vô số thủ tục. Quy trình mua hóa chất, nhập thiết bị, ký hợp đồng nghiên cứu… đều kéo dài hàng tháng trời khiến anh nản lòng và cuối cùng, từ bỏ.
Khi chưa có một cơ chế thực sự khác biệt, đủ sức giữ chân và phát triển năng lực người tài, dù có mời gọi bao nhiêu, vẫn chỉ là những cơn “sóng ngắn”.
Vì thế, thay vì chỉ nói về thu hút, đã đến lúc Việt Nam cần chuyển sang chiến lược trọng dụng dài hạn và có hệ thống. Trọng dụng ở đây không chỉ là chiêu mộ một vài chuyên gia về làm cố vấn hay tham luận, mà phải tạo hành lang thể chế để họ thật sự tham gia vào hệ thống – ở cấp nghiên cứu, quản lý và hoạch định chính sách.
Trọng dụng cũng cần đi kèm với “ủy thác trách nhiệm” – sẵn sàng giao các đề tài lớn, dự án quan trọng cho các nhóm nghiên cứu do trí thức kiều bào dẫn dắt; sẵn sàng để họ giữ các vị trí chủ chốt trong đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nhà nước hoặc trung tâm đổi mới sáng tạo.
Muốn làm được điều này, không thể thiếu một hành lang pháp lý đặc thù, như đã được đề xuất trong việc sửa đổi Luật Khoa học – Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quốc tịch. Ví dụ: cho phép chuyên gia Việt kiều được giữ song tịch, được ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị công lập mà không qua trung gian, được bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu chung với tổ chức trong nước, hoặc miễn thuế thu nhập trong một số năm đầu về nước. Đây không phải là “ưu đãi đặc biệt”, mà là “đãi ngộ công bằng” để cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Bên cạnh thể chế, cần tạo môi trường học thuật lành mạnh: xây dựng các viện nghiên cứu tiêu chuẩn quốc tế, các khu công nghệ cao được vận hành như “sandbox” – nơi những ý tưởng mới được thử nghiệm, thất bại được chấp nhận, và thành công được nhân rộng. Đồng thời, cần một hệ sinh thái hỗ trợ họ và gia đình: từ nhà ở, trường học, dịch vụ y tế đến khung pháp lý bảo vệ.
Với những thay đổi trong cách ứng xử đó, trí thức kiều bào sẽ không chỉ là “khách mời danh dự”, mà trở thành một phần của hệ thống tri thức quốc gia. Họ cần được thuyết phục bằng hiệu quả công việc, được lắng nghe bằng hành lang chính sách, và được đánh giá bằng tiêu chuẩn toàn cầu, chứ không phải bằng mối quan hệ hay hồ sơ lý lịch.
Khi trọng dụng nhân tài trở thành chính sách chiến lược, khi đất nước biết trao cơ hội chứ không chỉ kỳ vọng vào tình yêu nước, thì những người con xa xứ sẽ tìm được lối về nơi mà họ muốn cống hiến.
Nguyễn Tuấn Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tri-thuc-viet-kieu-4875922.html