Theo SMCP, tại Tai Wai, một khu dân cư ở Hong Kong (Trung Quốc) sáng thứ 3 ngày 18/7 xảy ra một vụ nổ trong căn hộ nằm trên tầng 6, chung cư Fu Cheong, khiến 2 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được các nhà chức trách xác định đó là do thiết bị vô cùng quen thuộc trong mỗi gia đình, bình nóng lạnh.
Cụ thể, khoảng 10h40 phút, cô gái 17 tuổi, cũng chính là người trong nhà bật bình nóng lạnh trong nhà để chuẩn bị sử dụng. Chỉ vài phút sau đó, thiết bị phát nổ, làm vỡ kính trong căn hộ, khiến các mảnh kính văng tung tóe khắp nơi. Người dùng nữ nhắc tới ở trên cũng không kịp thoát thân và đã bị thương ở chân sau, do các mảnh kính văng vào người. Nạn nhân còn lại là một người đàn ông khác đang đi ngang qua địa điểm xảy ra vụ nổ. Anh bị thương ở đầu sau khi vấp ngã khi cố gắng bỏ chạy.
Những người đi bộ bên dưới tòa nhà khi nghe thấy tiếng nổ đã thông báo ngay tới cảnh sát và dịch vụ cứu thương khẩn cấp. 2 nạn nhân nhanh chóng đã được đưa tới bệnh viện gần đó để tiến hành sơ cứu.
Cô gái 17 tuổi bị thương ở chân, cô cũng chính là 1 trong 2 nạn nhân của vụ nổ (Ảnh Thestandard.com.hk)
Sau khi cảnh sát tiến hành điều tra sơ bộ, họ đánh giá rằng chiếc bình nóng lạnh của gia đình này đang gặp vấn đề. Tuy nhiên gia chủ đã không sửa chữa kịp thời mà vẫn sử dụng thiết bị bình thường. Chính vì vậy nó đã phát nổ và khiến người dùng bị thương.
Trên thực tế, thói quen không kiểm tra, vệ sinh bình nóng lạnh thường gặp ở rất nhiều gia đình. Trừ khi thiết bị gặp phải các sự cố quá nghiêm trọng thì người dùng mới tiến hành xử lý, sửa chữa hoặc thay mới.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc làm này là không nên. Lâu ngày không vệ sinh, kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thiết bị, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, lãng phí điện năng và tồi tệ hơn là xảy sự cố chập điện, cháy nổ như trong trường hợp trên. Bởi môi trường thiết bị hoạt động là môi trường nhiều hơi nước, ẩm. Các dây điện của thiết bị có thể bị đứt, gãy, rò rỉ hoặc chập mạch.
Bình nóng lạnh là thiết bị được sử dụng hàng ngày trong các gia đình nhưng lại rất ít khi dược chú ý bảo dưỡng, vệ sinh (Ảnh minh họa)
Những nguyên nhân khiến bình nóng lạnh phát nổ
Có nhiều nguyên nhân sâu xa đằng sau bình nóng lạnh khiến thiết bị phát nổ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến được chỉ ra bởi các chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực đồ điện tử, đồ gia dụng.
1. Bình nóng lạnh không được cấp nước
Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là luôn được cấp nước vào bên trong thiết bị, rồi nhờ điện năng, làm nóng nước, cung cấp tới cho người dùng. Tuy nhiên có thể do sự cố về đường nước, thiết bị vẫn được bật liên tục, vẫn hoạt động, vẫn chuyển hóa điện năng thành nhiệt song bên trong máy lại không hề có nước. Chính vì vậy dẫn tới việc cháy nổ đáng tiếc, gây hư hỏng thiết bị.
2. Bộ cảm biến nhiệt, rơ le và van an toàn quá bẩn hoặc bị hỏng
Những bộ phận như bộ cảm biến nhiệt, rơ le và van an toàn là những bộ phận quan trọng nhất của một chiếc bình nóng lạnh. Chúng vừa giúp bình hoạt động hiệu quả, vừa giúp đảm bảo an toàn cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên sau một thời gian dài, do nhiều yếu tố như nguồn nước sinh hoạt của gia đình, mà các bộ phận này có thể bị nhiều bụi bẩn bám vào. Ví dụ như trường hợp của một gia đình sau đây, khi mở bình nóng lạnh ra kiểm tra mới giật mình khi thấy phần lõi bên trong quá bẩn, bị lớp chất bẩn dày bám chặt vào. Nhiều người sau khi xem xong video này còn nhận xét, nếu chỉ lướt qua, sẽ không thể tưởng tượng được đây là bên trong của một chiếc bình nóng lạnh.
Hình ảnh bên trong bình nóng lạnh của một gia đình từng nhận được nhiều sự chú ý
Tương tự như vậy, khi các bộ phận quan trọng bị bẩn, chúng sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ của mình nữa. Ngoài ra, chúng cũng có thể bị ăn mòn. Khi rơ le nhiệt và van an toàn bị bụi bẩn bám vào, nó sẽ gần như bị “khóa chặt”. Vì vậy, nước trong bình tăng quá so với nhiệt độ quy định mà không được kiểm soát, áp suất tăng lên cao, bình nóng lạnh sẽ phát nổ trong vài phút bởi quá giới hạn chịu lực của vỏ máy.
3. Bình nóng lạnh đã quá cũ
Nhiều gia đình hiện nay vẫn đang sử dụng các loại bình nóng lạnh từ nhiều năm trước. Thậm chí thời gian sử dụng có thể đã lên tới hơn 1 thập kỷ. Tuy thiết bị chưa xảy ra hỏng hóc gì nghiêm trọng, chưa quá ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, song các chuyên gia vẫn khuyên rằng nếu đã sử dụng một chiếc bình nóng lạnh khoảng 8-10 năm, người dùng nên thay thế chúng bằng loại mới.
Bình nóng lạnh càng cũ, nhất là những chiếc chưa từng được kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng, thì các bộ phận bên trong sẽ càng bị xuống cấp, bị ăn mòn nghiêm trọng. Từ đó, chúng sẽ mang nguy cơ rò rỉ điện, hoặc quá tải do dòng điện, dẫn tới phát nổ bất kỳ lúc nào.
Không nên sử dụng bình nóng lạnh đã quá cũ (Ảnh minh họa)
Chính vì vậy như đã nhấn mạnh ở trên, tốt hơn hết mỗi gia đình, mỗi người dùng nên tiến hành kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng bình nóng lạnh nhà mình định kỳ, khoảng 6-12 tháng/lần, tùy vào tần suất sử dụng.
Trong suốt quá trình sử dụng, nên để ý quan sát thêm, nếu thiết bị xuất hiện một số dấu hiệu bất thường như nhỏ nước, trào nước, không làm nóng nước, phát ra tiếng ồn lớn… thì có thể gọi thợ kỹ thuật kiểm tra và xử lý kịp thời.
Một số nguyên tắc an toàn khác khi sử dụng bình nóng lạnh:
– Không vừa bật vừa dùng bình nóng lạnh. Tốt nhất là bật trước 30 phút khi cần sử dụng.
– Tránh bật bình nóng lạnh cả ngày
– Nên lắp dây tiếp đất cho bình nóng lạnh
– Thường xuyên kiểm tra thiết bị bằng bút thử điện để kịp thời phát hiện sự cố rò điện
– Nếu phát hiện có người bị giật điện do bình nóng lạnh nổ hoặc rò điện, không cứu ngay và nên ngắt cầu dao điện trước.