Chống phạt góc kiểu “liều ăn nhiều”, ném biên xa hay không dùng thủ môn… là những ý tưởng có thể sẽ xảy ra trong bóng đá đương đại.
Trong khoảng 10 năm qua, những HLV tài năng như Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Antonio Conte đã góp phần thay đổi bóng đá Anh với những hệ thống chiến thuật đặc trưng. Nhưng gần đây sự phát triển của chiến thuật bóng đá có phần chững lại, thể hiện qua cách Man City của Guardiola sa sút.
Liệu những ý tưởng nào khác sẽ lên ngôi? BBC Sport đưa ra những điều mà họ cho rằng kỳ quặc, nhưng không hoàn toàn vô lý.
Đầu tiên là chiến thuật phòng thủ phạt góc “liều ăn nhiều”. Thông thường, các đội đang chịu phạt góc sẽ dồn toàn bộ cầu thủ về cấm địa để phòng ngự số đông. Họ chỉ để một hoặc hai cầu thủ ở trên để chờ thời cơ phản công. Nhưng trong tương lai, các đội có thể chỉ dùng 5 cầu thủ phòng ngự phạt góc, còn 5 người còn lại rình rập ở giữa sân.
Hậu vệ Jurrien Timber đánh đầu ghi bàn từ quả phạt góc của Arsenal trước Man Utd trên sân Emirates, thành phố London, ở Ngoại hạng Anh ngày 4/12/2024. Ảnh: Reuters
Khi đó, đội tấn công nếu không ghi được bàn từ phạt góc, sẽ có nguy cơ bị phản công nguy hiểm. Để tránh khả năng này, họ sẽ phải dành 5, 6 cầu thủ ở giữa sân để chống phản công. Khi đó, cấm địa sẽ có ít cầu thủ hơn nhiều, và tầm hoạt động của thủ môn cũng rộng hơn. Điều này giảm áp lực cho đội đang phòng thủ phạt góc.
Chiến thuật kiểu này từng được HLV Roberto de Zerbi áp dụng cho Brighton từ những quả phát lên. Khi đó, ông để năm cầu thủ gần thủ môn, và năm cầu thủ đứng ở giữa sân. Đối thủ thường lúng túng, không biết phải gây áp lực lên cầu thủ nào. Khi đó, chỉ cần một đường chuyền dài là Brighton có thể tạo ra cơ hội nguy hiểm.
Ý tưởng thứ hai là lên sẵn kế hoạch thay đổi hệ thống chiến thuật trong trận đấu. Chẳng hạn một đội có thể xuất phát với hệ thống 4-3-3, nhưng sau 10 phút sẽ đổi thành 3-4-3. Thay đổi này sẽ khiến đối thủ gặp khó khăn hơn trong việc gây áp lực. Các cầu thủ đối phương cũng lúng túng, không biết bám đuổi ai.
Hiện, các đội cũng thay đổi hệ thống chiến thuật trong trận, nhưng thường theo tỷ số hoặc cục diện. Ý tưởng mới là HLV sẽ định sẵn kế hoạch từ trước trận. Họ sẽ chia trận đấu làm nhiều phân đoạn, sử dụng những phương pháp riêng.
Ý tưởng thứ ba không mới, nhưng ngày càng hiếm gặp, là những pha ném biên dài như Rory Delap ngày trước. Những pha ném biên của cựu tiền vệ 48 tuổi từng đem về ít nhất 44 bàn thắng cho Stoke City, trong 208 trận anh chơi thời 2006-2013. Những pha ném biên của Delap có hiệu quả còn cao hơn đá phạt góc.
Một cú ném biên của Rory Delap cho Stoke City. Ảnh: Reuters
Nhưng trong 10 năm qua, các đội ít chú trọng vào những cú ném biên dài, thẳng vào cấm địa như vậy. Họ không rèn kỹ năng ném biên xa cho cầu thủ để tấn công. Thay vào đó, các đội tập trung giữ quyền kiểm soát bóng từ cú ném biên, phần nào giống như chiến thuật mà Guardiola đã gây ảnh hưởng lên bóng đá Anh.
Trung vệ tấn công cũng sẽ là phương án được xem xét trong thời gian tới. Đã có những đội sử dụng miếng bài này, như Tottenham với trung vệ Mickey van de Ven. Anh chạy nhanh nhất giải nên thường tự dốc bóng từ sân nhà lên cấm địa đối phương. Pha kiến tạo của cầu thủ Hà Lan trong trận thắng Man Utd hồi đầu mùa
Lợi ích của chiến thuật này là các trung vệ thường di chuyển ít hơn các hậu vệ biên hay tiền vệ. Vì thế, họ có năng lượng để thực hiện những pha kéo bóng đường dài. Các trung vệ ngày nay càng đòi hỏi có tốc độ và khả năng chơi chân tốt, nên cũng có thể dẫn bóng. Hơn nữa, đối phương thường mất cảnh giác và không tranh chấp trực diện khi thấy các trung vệ dẫn bóng lên.
Nếu trung vệ tấn công chưa đủ hiệu quả, các đội có thể sử dụng chiến thuật không thủ môn. Chẳng hạn trong khoảng 10 phút cuối mà đang cần ghi bàn, trong khi đối phương chơi tử thủ, đội bóng thay thủ môn ra và đưa một cầu thủ chuyền bóng tốt vào vị trí đó. Chẳng hạn với Liverpool là Trent Alexander-Arnold.
Chiến thuật này gọi là “power play” trong futsal. Đội cần tấn công sẽ chấp nhận nguy cơ thủng lưới thêm, để dồn thêm một cầu thủ lên tuyến trên. Việc thủng lưới khi đó cũng không còn quá quan trọng. Hơn nữa, đối phương cũng không còn mặn mà tấn công. Vì thế, ý tưởng này không hoàn toàn phi lý.
Hoàng An (theo BBC Sport)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/5-y-tuong-ky-quac-co-the-thanh-hien-thuc-trong-bong-da-4874604.html