Theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, cán bộ được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác tối thiểu 48 tháng, tăng đáng kể so với quy định cũ là 30 tháng.
Chỉ thị được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt tại hội nghị toàn quốc sáng 16/4, trong đó có nhiều điểm mới về công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng. Quy định này nhằm mục tiêu trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Riêng trường hợp đặc biệt là phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, thời gian công tác còn lại tối thiểu là 42 tháng.
Đối với cán bộ tái cử cấp ủy được giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, thời gian công tác còn lại tối thiểu là 36 tháng, tăng 18 tháng so với quy định trước. Quy định về thời gian công tác còn lại cho cán bộ lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc vẫn giữ nguyên là trọn một nhiệm kỳ.
Ủy viên Trung ương sẽ thực hiện quy định về độ tuổi tái cử theo phương hướng nhân sự Đại hội 14. Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao hướng dẫn tăng thời gian công tác còn lại cho ủy ban kiểm tra các cấp từ 24 lên 42 tháng.
Chỉ thị mới tiếp tục chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải là người địa phương và yêu cầu kết hợp hài hòa giữa nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ. Các địa phương phấn đấu bố trí bí thư hoặc phó bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND cấp tỉnh, xã.
Về cơ cấu, chỉ thị đặt mục tiêu tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi) từ 10%; cán bộ có trình độ khoa học, công nghệ 5%. Tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể từng địa phương. Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới ít nhất 1/3 tổng số cấp ủy viên trong nhiệm kỳ.
Theo kế hoạch, đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở hoàn thành trước 30/6; cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu hoàn thành trước 31/8; đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 31/10.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Ảnh: Hoàng Phong
Bí thư xã, phường có cơ hội vào Ban Thường vụ tỉnh ủy
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, các địa phương thực hiện sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ giữ nguyên như số lượng được chỉ định sau hợp nhất (trừ trường hợp không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác hoặc có nguyện vọng nghỉ hưu). Số lượng này sẽ giảm dần trong 5 năm và đến nhiệm kỳ 2030-2035 sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị. Các địa phương không sáp nhập vẫn giữ nguyên số lượng ban chấp hành, ban thường vụ như nhiệm kỳ 2015-2020.
Cơ cấu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, bao gồm bí thư, phó bí thư; chủ tịch HĐND (có thể là bí thư hoặc phó bí thư kiêm nhiệm), chủ tịch UBND; một phó chủ tịch HĐND, một phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy; các trưởng ban Tổ chức, tuyên giáo, dân vận, nội chính; chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; chỉ huy trưởng quân sự và giám đốc công an. Người đứng đầu một số đảng bộ xã, phường, đặc khu cũng có thể tham gia ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.
Đối với các tỉnh, thành phố có hai phó bí thư, một trong số đó sẽ không kiêm nhiệm chức chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Trường hợp có phó bí thư kiêm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc sẽ có thêm một phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tham gia ban thường vụ. Các tỉnh, thành phố sáp nhập có thể bổ sung từ một đến hai phó chủ tịch UBND vào ban thường vụ.
Ông Lê Minh Hưng cũng cho biết đảng bộ cấp xã mới sau sáp nhập sẽ có quy mô từ 17 đến 33 cán bộ. Xã không sáp nhập hoặc sáp nhập từ hai xã sẽ có không quá 17 cán bộ; xã, phường hình thành từ ba xã có thể có tối đa 33 người. Số nhân sự đảng bộ đặc khu sẽ do địa phương thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương.
Đại biểu dự hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, sáng 16/4. Ảnh: Nhật Bắc
Vũ Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-bo-tai-cu-cap-uy-phai-con-thoi-gian-cong-tac-toi-thieu-48-thang-4874806.html